Ấm lòng 'Bát cháo nghĩa tình' của người lính Biên phòng

Gần 1 năm nay, cứ vào sáng thứ 6 hằng tuần, Chương trình 'Bát cháo nghĩa tình' Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay, BĐBP Quảng Trị lại đến với người bệnh đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Đăkrông (cơ sở 2) tại xã Tà Rụt, huyện Đăkrông, tỉnh Quảng Trị. Chương trình không chỉ giúp người bệnh khỏe hơn vì được 'tiếp sức' mà còn giúp họ cảm thấy ấm lòng bởi trong đó chứa chan tình thương, tình quân dân nơi biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay phát cháo cho người bệnh tại cơ sở 2 của Trung tâm Y tế huyện Đăkrông. Ảnh: Xuân Trường

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay phát cháo cho người bệnh tại cơ sở 2 của Trung tâm Y tế huyện Đăkrông. Ảnh: Xuân Trường

Đại úy Nguyễn Xuân Trường, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay chia sẻ: Cán bộ, chiến sĩ đi địa bàn, thấy người dân ốm đau, bệnh tật liền hướng dẫn đến bệnh viện nhưng rất ít người chịu đi. Hỏi ra mới biết, cuộc sống khó khăn, đi bệnh viện dù đã có bảo hiểm y tế nhưng cũng không có tiền ăn uống hằng ngày. Trường hợp buộc phải đi viện thì người bệnh cũng phải tiết kiệm hết sức có thể, kể cả bằng việc chỉ ăn 1-2 bữa mỗi ngày dù đây là lúc cần ăn uống đầy đủ để có sức khỏe. Đây chính là lý do để Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay triển khai chương trình “Bát cháo nghĩa tình” ở Trung tâm Y tế huyện Đăkrông (cơ sở 2).

Ban đầu, Chương trình “Bát cháo nghĩa tình” được Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay và Công đoàn Trung tâm Y tế huyện Đăkrông luân phiên duy trì 1 tháng 2 lần. Sau vài lần phát cháo cho bà con, những người lính Biên phòng nhận thấy, bệnh nhân điều trị ở đây chủ yếu là người dân nghèo thuộc các xã A Ngo, A Bung và A Vao, vì những người có điều kiện kinh tế khá hơn sẽ về các bệnh viện ở thành phố Đông Hà hoặc Bệnh viện Trung ương Huế để chữa bệnh. Mà người dân ở A Ngo, A Bung, A Vao cũng đều là đồng bào biên giới. Vậy là, những người lính Biên phòng lại động viên nhau “cố gắng hơn một chút nữa” để có thể duy trì ít nhất mỗi tuần 1 nồi cháo.

Nói “cố gắng hơn một chút nữa” là bởi trước khi có chương trình “Bát cháo nghĩa tình” thì Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay đang duy trì chương trình “Ổ bánh mỳ nơi biên giới” cho học sinh ở các điểm trường ở 2 xã A Ngo và A Bung. Điều đáng nói là chương trình “Ổ bánh mỳ nơi biên giới” rồi “Bát cháo nghĩa tình” đều được duy trì bằng “nội lực”. Cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị thống nhất sẽ đóng góp từ lương của mình để 2 chương trình này không bị ngừng trong trường hợp không còn nguồn tài trợ.

Theo Đại úy Nguyễn Xuân Trường, nhờ chủ động được nguồn lực nên kể từ khi thực hiện, các chương trình thiện nguyện cho học sinh và bệnh nhân vẫn được duy trì đều đặn dù xảy ra thiên tai hay dịch bệnh. Trong đợt phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, bệnh nhân và người nhà đều được yêu cầu sát khuẩn tay, đeo khẩu trang trước khi lấy cháo. Thường thì số bệnh nhân giao động từ 30-40 người, thế nhưng mùa Hè vừa rồi, huyện Đăkrông xảy ra dịch sốt xuất huyết nên lượng bệnh nhân có thời điểm tăng gấp đôi. Vậy là, cháo lại được nấu nhiều hơn để tất cả mọi người đều có phần. “Của cho không bằng cách cho”, bởi vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ đều rất thận trọng từ lời ăn tiếng nói cho đến hành động mỗi khi phát cháo cho bà con.

Mới đây nhất, do ảnh hưởng cơn bão số 5, gây mưa lớn, ngập lụt trên diện rộng ở khu vực A Bung, A Ngo. Do mưa cả ngày lẫn đêm nên sáng 25-9, ngầm Ha Lot, A Bung đều bị ngập không thể đi xe qua được. Cán bộ Biên phòng phải chờ nước rút bớt, nhờ người khênh giúp thùng cháo qua, rồi mượn xe máy của dân để tiếp tục di chuyển. Bởi vậy mà đến được Trung tâm Y tế huyện thì đã 9 giờ sáng. Bà Hồ Thị Diếc tay cầm tô cháo rưng rưng nói: “Mưa bão thế này mà các con cũng mang cháo, mẹ và mọi người cảm ơn các con nhiều lắm!”

Chương trình “Bát cháo nghĩa tình” được Ban chỉ huy Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay giao cho Đoàn thanh niên triển khai, thế nhưng bất cứ ai có thời gian đều có thể tham gia. Thiếu tá Nguyễn Xuân Thanh, nhân viên kỹ thuật nấu ăn cũng là tiếp phẩm của đơn vị lần nào cũng giúp đi chợ mua nguyên liệu, sơ chế và hướng dẫn cách nấu cháo, vừa ngon, vừa đảm bảo dinh dưỡng. Anh cũng thường xuyên đổi món, khi thì cháo gà, lúc lại cháo bò hoặc cháo heo và bao giờ cũng có thêm củ quả.

Binh nhất Trần Văn Đạt chỉ còn mấy tháng nữa là hoàn thành thời gian nghĩa vụ quân sự. Với chàng lính trẻ, quãng thời gian nhập ngũ đã cho mình không chỉ là bản lĩnh, tình đồng chí, đồng đội khi chinh phục cung đường tuần tra biên giới, cột mốc biên cương mà còn có biết bao kỷ niệm tình quân dân khi đi làm nhà tình nghĩa, phát bánh mỳ cho học sinh. Từ khi đơn vị duy trì chương trình “Bát cháo tình thương”, cứ 7 giờ tối, Đạt bắt đầu ninh xương và cháo, thái sẵn rau, củ và băm thịt. Sáng hôm sau, Đạt dậy sớm nhóm bếp, cùng mọi người xào thịt, nêm nếm gia vị vào cháo cho vừa. Xong xuôi, Đạt múc cháo vào thùng giữ ấm, buộc lên xe cho bộ phận chở cháo đi. Chàng lính trẻ cười bảo: “Phải thức đêm dậy sớm nhưng em thấy vui vì giúp đỡ được người khác. Khéo mà sau này em mở quán cháo lại đắt hàng”.

Biên giới La Lay dù chưa bước vào mùa Đông nhưng cái lạnh đã bủa vây từ lúc màn đêm buông xuống. Buổi sớm, sương mù che khuất lối, dù xe máy có đèn pha nhưng những người lính Biên phòng vẫn phải căng mắt dò đường. Sớm tinh mơ đã phải đi trên con đường gập ghềnh, quanh co và lạnh giá, nhưng không ai thấy vất vả hay mệt mỏi vì biết rằng, phía trước nhiều bệnh nhân đang chờ mình.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/am-long-bat-chao-nghia-tinh-cua-nguoi-linh-bien-phong-post433812.html