Âm ỉ ngọn lửa chiến tranh thương mại toàn cầu

Liên hiệp châu Âu cuối tuần trước dọa sẽ tấn công trả đũa Mỹ, bằng cách đánh thuế các sản phẩm như xe máy Harley-Davidson, rượu whisky ngô (Kentucky bourbon) và quần jean Levi's, nếu Tổng thống Trump tiếp tục xúc tiến kế hoạch đánh thuế nhập khẩu mặt hàng thép và nhôm.

Một cơ sở sản xuất thép tại Đức. Đức sẽ bị ảnh hưởng nhiều khi Mỹ áp đặt mức thuế mới với thép nhập khẩu. Ảnh: NYT

Đổ dầu vào lửa

“Chúng tôi cũng sẽ làm những việc ngu ngốc”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker bóng gió chỉ trích động thái của Tổng thống Mỹ D. Trump khi trả lời phỏng vấn báo chí Đức cuối tuần trước.

Ông Juncker cho hay kế hoạch trả đũa của châu Âu vẫn chưa “chốt”, song Mỹ cần được đối xử tương tự như cách mà họ áp dụng với các sản phẩm của EU.

Các chuyên gia thương mại cho rằng, trả đũa là một... nghệ thuật, với mục đích gây ra thiệt hại về kinh tế và chính trị cho đối phương nhưng lại không làm tổn hại đến nền kinh tế của mình. Việc này là rất khó đối với các nền kinh tế có liên kết chặt chẽ với nhau như Mỹ và châu Âu.

Trong bối cảnh đó, ông Juncker đã nêu tên hàng loạt những sản phẩm tiêu biểu của Mỹ đang bị EU xem xét trả đũa gồm xe máy Harley-Davidson, rượu ngô Kentucky và quần jean Levi’s. Đây đều là những sản phẩm xuất khẩu nổi tiếng của Mỹ ở châu Âu và có xuất xứ từ các tiểu bang của nhiều nghị sĩ có ảnh hưởng của Đảng Cộng hòa, như Thượng nghị sĩ Mitch McConnell (Kentucky), Chủ tịch Hạ viện Paul D. Ryan (Wisconsin).

“Những sản phẩm trên chỉ là ví dụ. Danh sách vẫn đang được tiếp tục bổ sung”, một quan chức EU nói với Washington Post.

Ông Juncker không phải là người duy nhất tỏ thái độ bực bội khi Tổng thống Mỹ D.Trump cho biết dự định áp mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ tất cả các nước. Tuyên bố của ông Trump đã gặp phải nhiều chỉ trích từ các chính phủ, các nhà lập pháp, các cơ sở sản xuất kim loại và các liên đoàn lao động trên khắp thế giới.

Ông Steffen Seibert, phát ngôn viên của Thủ tướng Đức, cảnh báo hành động của Mỹ có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu và không ai được lợi cả.

Ông Hans Jürgen Kerkhoff, Chủ tịch của Hiệp hội Thép Đức, được tờ The New York Times dẫn lời tuyên bố: “Nếu EU không phản ứng, ngành công nghiệp thép của chúng ta sẽ phải thanh toán hóa đơn cho chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ”.

Simon Clarke, thành viên Đảng Bảo thủ của Quốc hội Anh và là Phó chủ tịch của Nhóm Nghị viện về các ngành công nghiệp liên quan đến thép và kim loại, bày tỏ: “Thuế quan là lựa chọn tồi tệ nhất cho nền kinh tế thế giới và là mối đe dọa lớn đối với thép của Anh nói riêng”.

Những phản ứng tương tự trên toàn cầu đã làm gợi lên không khí của một cuộc chiến tranh thương mại đang cận kề. Song, như để dội thêm thùng dầu vào đống lửa đang bốc cháy, ông D.Trump đã đáp trả trên mạng xã hội Twitter: “Khi một quốc gia (Mỹ) mất hàng tỉ đô la thương mại với hầu như mọi quốc gia mà nó làm ăn, thì chiến tranh thương mại là tốt và dễ giành chiến thắng”. Ông Trump kêu gọi phải bảo vệ ngành thép bởi “nếu không có thép, thì đất nước cũng sẽ mất”.

Không ai được lợi

Mỹ hiện là thị trường quan trọng nhất của các sản phẩm thép cuộn của Đức và là điểm đến quan trọng thứ hai của Liên hiệp châu Âu, sau Thổ Nhĩ Kỳ, theo thống kê chính thức của chính phủ Đức.

Dieter Kempf, người đứng đầu Liên đoàn Công nghiệp Đức, cảnh báo ông Trump đang mạo hiểm với vòng xoáy bảo hộ và kết cục là việc làm không những bị mất ở Mỹ mà còn ở Đức và phần còn lại của châu Âu.

Tuy nhiên, ông kêu gọi tất cả mọi người “giữ cái đầu lạnh” để tránh thổi bùng ngọn lửa của cuộc chiến thương mại toàn cầu.

Ông Bruno Le Maire, Bộ trưởng Kinh tế Pháp cho rằng ngành công nghiệp thép và nhôm đang trong tình hình “đặc biệt mong manh” và một số nước đang thực hiện “bán phá giá” và “trợ cấp to lớn” làm méo mó thương mại.

“Chính quyền Mỹ biết rõ điều này” ông nói và khẳng định: “Cuộc chiến thương mại giữa châu Âu và Mỹ sẽ chỉ khiến tất cả đều thua”.

Các quan chức khắp thế giới đã bày tỏ sự thất vọng và tức giận các ở mức độ khác nhau kể từ khi đề xuất của Tổng thống Trump được công bố.

Bộ trưởng Thương mại Úc, Steven Ciobo, cho rằng hành động của Mỹ sẽ tạo ra các biện pháp trả đũa có thể làm tổn thương tất cả mọi người. “Việc áp đặt thuế quan như thế này sẽ không gì khác hơn là bóp méo thương mại”.

Tại buổi họp báo tuần trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying kêu gọi Mỹ “kiềm chế sử dụng các công cụ bảo hộ thương mại”. Song, bên ngoài phòng ngoại giao, ông Li Xinchuang, Phó chủ tịch của Hiệp hội Sắt và Thép Trung Quốc, thẳng thừng: “Tôi thấy quyết định của ông Trump là sai lầm. Nó sẽ chỉ làm cho ngành công nghiệp thép của Mỹ, vốn đã bị tụt hậu sau Trung Quốc 10 năm, tiếp tục bị bỏ lại phía sau”.

Ông Li nói thêm: “Ông Trump là một doanh nhân, và ông thừa hiểu quy tắc win-win (hai bên cùng có lợi). Vậy mà không hiểu sao ông ta lại hành động cực đoan như vậy”.

Các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chính sách thuế của Mỹ dự kiến sẽ là Canada, Mexico, Brazil và Hàn Quốc, chiếm gần một nửa lượng nhập khẩu thép của Mỹ. Mỹ cũng là một thị trường đáng kể cho ngành công nghiệp thép của Anh.

Trong một tuyên bố được phát ra cuối tuần trước, nhóm công nghiệp thép của Anh cho hay mỗi năm Anh xuất khẩu 15% lượng thép, tương đương 496 triệu đô la sang Mỹ. Richard Warren, người đứng đầu nhóm này cho rằng, cách tiếp cận của Mỹ là đơn phương và sai lầm đối với một vấn đề toàn cầu phức tạp đó là dư thừa năng lực trong ngành thép.

Arcelor Mittal, nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới và cũng là nhà sản xuất thép lớn nhất châu Âu và Mỹ cho biết họ đang đánh giá tác động của đề xuất thuế mới của Tổng thống Trump.

Mặc dù chính sách chưa được ban bố, nhưng đã có những dấu hiệu về tác động ngược của nó đối với nền kinh tế Mỹ. Tuần trước, Electrolux, nhà sản xuất đồ gia dụng toàn cầu, cho biết họ hoãn khoản đầu tư 250 triệu đô la Mỹ để mở rộng và hiện đại hóa một nhà máy ở Tennessee.

“Chúng tôi quan ngại về tác động mà chính sách thuế có thể tạo ra đối với khả năng cạnh tranh của công ty chúng tôi ở Mỹ”, công ty Electrolux cho biết trong một thông báo được tờ The New York Times trích dẫn.

Roberto Azevêdo, Tổng giám đốc của Tổ chức Thương mại Thế giới, cảnh báo, những phản ứng vừa qua cho thấy khả năng leo thang chiến tranh thương mại là có thực.

Minh Đăng

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/td/269767/am-i-ngon-lua-chien-tranh-thuong-mai-toan-cau.html