Ám hiệu tình yêu nơi những cặp đôi có 'H'

Mặc dù không thể thay đổi số phận, không thể làm lại những việc đã làm trong quá khứ, nhưng khi vào Bệnh viện Nhân Ái, hầu hết những bệnh nhân có 'H' (HIV) đã lạc quan trở lại. Thậm chí, trái tim họ vẫn thổn thức trong chuyện tình cảm lứa đôi.

Không còn sống trong vô định

Cách TP.HCM hơn 200 cây số, bệnh viện Nhân Ái rộng đến 170ha, thuộc xã Phú Văn, huyện biên giới Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Nơi đây tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, cách xa khu dân cư, phố thị náo nhiệt.

Mặc dù đã có hẹn trước nhưng khi gặp chúng tôi, bác sĩ Phan Thanh Vũ, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân Ái, vẫn dặn dò khá kỹ: “Các anh biết đấy, bệnh viện này không giống hầu hết các bệnh viện khác trên cả nước, là nơi điều trị cho những bệnh nhân đặc biệt, họ rất dễ bị tổn thương”.

Bệnh viện Nhân Ái

Ông Minh Đ., 44 tuổi, nhà ở quận 4, TP.HCM, bị AIDS giai đoạn cuối, đang điều trị ở Khoa Chăm sóc đặc biệt. Mặc dù biết mình chẳng còn sống dược bao lâu nhưng ông vẫn rất lạc quan, thường xuyên nở nụ cười.

“Năm 20 tuổi, tôi theo bạn bè dính vào ma túy. Năm 1996, tôi bị bắt khi đang lên cơn phê và phải đi cai bắt buộc. Một năm sau, tôi trở về tái hòa nhập cộng đồng, nhưng chẳng được bao lâu, lại tái nghiện. Lúc này tôi đã chuyển sang chích. Khoảng năm 1997, tôi thấy người có biểu hiện khác lạ, nổi hạch toàn thân. Thường xuyên bị sốt, ho, viêm phổi. Tôi liền đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM xét nghiệm. Cầm kết quả xét nghiệm dương tính HIV mà tay chân rụng rời”, ông Đ. kể.

Sau nhiều ngày lang thang với ý định đi biệt tích, ông “thấm” cảm giác nhục nhã khi bị mọi người xua đuổi, né tránh. Cuối cùng, ông quay trở về nhà. Sau những giây phút bàng hoàng, vợ con ông cũng không nỡ bỏ người đàn ông đã đến đường cùng, nên khuyên ông đến Bệnh viện Nhân Ái. Đó là năm 2007. “Hồi đó bệnh viện mới thành lập, còn hoang vắng lắm”, ông Đ. nói

Ông Đ. có 2 người con, một trai, 1 gái, hiện đều đã lớn. Lâu lâu, vợ và con gái ông cũng đáp xe đò lên thăm. “Tôi mừng là mình không gây họa lớn, vợ con đều khỏe mạnh. Nhưng lại buồn khi hình ảnh người cha trong mắt các con quá xấu. Nhìn con, tôi đau quặn lòng. Nhưng mọi thứ đã muộn”, ông Đ. tâm sự.

“Tôi coi đây là ngôi nhà cuối cùng trong cuộc đời mình, cho nên, tôi dành hết thời gian quan tâm, giúp đỡ những bệnh nhân mới, bệnh nặng”, ông nói.

Đến khu Nội A, tôi thấy một người phụ nữ chừng 30 tuổi, đang tỉ mẩn cắt móng tay cho một người phụ nữ khác lớn tuổi hơn, nên sáp lại, ngập ngừng làm quen. Sau vài câu chào hỏi thân mật, người phụ nữ trẻ tên N. nói giọng miền Bắc, kể, quê cô ở Hà Nam, do gia đình nghèo quá, đang học cấp 3 thì bỏ đi lấy chồng. Nhưng do cả 2 còn ở cái tuổi “ăn chưa biết no, lo chưa tới”, nên cuộc sống vợ chồng không 1 ngày yên ấm. Chịu không nổi, cô bỏ về nhà mẹ đẻ.

Các bệnh nhân ở bệnh viện Nhân Ái coi nhau như ruột thịt

Bệnh nhân N kể lại những tháng ngày lầm lạc

Không có việc làm, N. nghe lời dụ dỗ của người bạn gái lên Lạng Sơn làm ăn. Lên đến vùng biên, khi nhận ra mình bị lừa bán thì đã muộn. Sau đó là những ngày tủi nhục trong nhà chứa. Trong một lần “phục vụ”, cô được người khách làng chơi thương tình giúp trốn thoát. Nhưng sau đó, cô không biết làm gì khi chỉ có 2 bàn tay trắng. Chán chường, cô lại sa vào con đường cũ. Và sau đó lại tiếp tục tháng ngày tủi nhục với công việc phục vụ những người đàn ông ham của lạ. Sau đó, việc gì đến cũng đến, cô sa chân vào nghiện ngập và nhiễm “H”.

“Bây giờ, em không còn sống trong vô định, không biết ngày mai ra sao như trước nữa, mà có mục đích hẳn hoi. Đó là ở đây, hòa nhập với thế giới riêng của tụi em, và giúp đỡ mọi người”, N. nói.

Nhịp gõ tình yêu

Ở Bệnh viện Nhân Ái, có khá nhiều cặp từng là một nửa của nhau ngoài đời, và cùng vào đây điều trị bệnh. Nhưng do nam nữ ở riêng nên đã không có cơ hội gặp nhau, vì bệnh viện chia 2 khu nam nữ tách biệt, ngăn cách bằng một bức tường cao, bên trên có rào lưới kẽm gai. Việc bệnh nhân đi từ khu nam sang khu nữ rất khó khăn. Quy định này nhằm để tiện theo dõi bệnh lý, chăm sóc và điều trị, vừa để tránh “hậu quả” từ các cặp tình nhân. Tuy nhiên, giữa hai khu có một cánh cổng gỗ dành cho cán bộ, bác sĩ bệnh viện qua lại làm công tác chuyên môn. Cổng này chỉ có y bác sĩ, nhân viên bệnh viện được phép đi.

“Có lần, em thấy một bệnh nhân nữ, đứng sát cánh cửa, nói chuyện. Tưởng cô ấy có vấn đề sức khỏe nên lại gần kiểm tra. Thì ra, cô ấy nói chuyện với người yêu đang đứng bên kia cánh cổng. Họ cùng vào đây một ngày, ở cách nhau có một bức từng, nhưng không được gặp. Em báo cáo lên trên. Sau khi xem xét, lãnh đạo bệnh viện cho phép. Sau đó, cứ vào mỗi chiều cuối tuần, 2 bên cánh cổng này lại tập trung rất nhiều đôi nam nữ. Do tường cao, cổng kín, không nhìn thấy nhau, nên mỗi cặp lại có quy ước riêng để nhận biết nhau qua cánh cổng gỗ. Có cặp dùng tín hiệu gõ bao nhiêu tiếng lên cửa, cặp thì huýt sáo, cặp dùng ám hiệu riêng… Thấy cũng lãng mạn lắm!”, điều dưỡng Khu B tên Liên, vừa cười vừa kể.

Nhìn họ, ít ai nghĩ họ mang trong mình căn bệnh thế kỷ

“Em và bạn trai bị “H”, vào đây cùng ngày. Hồi mới vào, không có cách gì gặp nhau, phần giữa núi rừng mênh mông, biết anh ấy ở chỗ nào mà liên lạc, phần vì quy định ở đây là không được qua lại giữa 2 khu, em nhớ cồn cào. Một lần, em mon men đến tường rào, bám tay đu lên tường, ghé mắt nhìn qua bên kia thì thấy ảnh nên gọi. Không ngờ ảnh nghe được, giơ 2 ngón tay lên. Em đưa 3 ngón tay lên. Lúc đó em hiểu ngầm là tín hiệu để gặp nhau. Buổi chiều hôm ấy, em đến bên cánh cửa chờ đợi. Bỗng nhiên nghe hai tiếng gõ “cạch, cạch”, em gõ lại ba tiếng. Thế là chúng em nhận ra nhau. Kể từ đó, mỗi buổi chiều thứ 7, chủ nhật, tụi em lại ra đây nói chuyện với nhau. Vào đây, ảnh thay đổi nhiều, chững chạc hơn, lần nào gặp ảnh cũng động viên em. Nhờ vậy mà em cảm thấy yêu đời hơn. Các bác sĩ cũng nói, điều trị đúng phác đồ, cộng thêm tinh thần tốt thì còn khỏe mạnh lâu”, bệnh nhân nữ tên Thu L. năm nay mới 25 tuổi, tâm sự.

Ở khoa chăm sóc đặc biệt, chúng tôi gặp cô gái tên T.N, năm nay 32 tuổi, dù đã bị căn bệnh AIDS giai đoạn cuối tàn phá dung nhan, nhưng còn vương nét đẹp của một “thiên thần”.

Cô kể: “Hơn chục năm trước, em quen anh ấy bên trại cai Phú Văn rồi yêu nhau. Sau khi cai xong, tụi em cùng được chuyển về đây. Những ngay đầu không gặp nhau, cảm giác trống vắng vô cùng. Em xin bác sĩ cho em nhìn thấy ảnh 1 lần, để em lấy tinh thần điều trị. Bác sĩ đồng ý. Nhưng chỉ gặp gián tiếp thôi chứ không được gặp trực tiếp. Sau lần đó, tụi được gặp nhau thường xuyên qua cánh cửa. Nhưng bây giờ, anh không còn nữa…”, nói đến đây, giọng N. chùng xuống, đôi mắt đỏ hoe.

Nói về mối tình này, cô điều dưỡng tên Liên vừa cười vừa kể: “Mối tình của T.N. và T. ở bên khu nam nhiều người biết lắm. Vì họ rất lãng mạn. Có lần N nấu mì gói trong ca nhôm, mang ra cho người yêu ăn. Nhưng vì không gặp trực tiếp được nên 2 anh chị nằm soài ra đất, mỗi người một bên. Nàng gắp mì gói đưa sang miệng chàng sát bên kia cánh cửa qua khoảng trống khe hở sát mặt đất. Nhìn cảnh ấy, không nhịn được cười. T. mất cách đây hơn 1 năm rồi. Giờ T.N không còn ra cánh cửa nữa, nhưng lâu lâu lại ngồi nhìn ra đó rồi khóc 1 mình”.

PHÚC LẬP (Kiến thức gia đình số 33)

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/am-hieu-tinh-yeu-noi-nhung-cap-doi-co-h-post224359.html