Ảm đạm đặc khu châu Phi

Quá trình toàn cầu hóa kinh tế ngày càng được đẩy mạnh, dường như tỉ lệ thành công của mô hình đặc khu ngày càng thấp

Năm 2006, Trung Quốc tuyên bố sẽ phát triển một loạt đặc khu kinh tế (SEZ) tại châu Phi để thúc đẩy thương mại và công nghiệp hóa. Sau hơn 10 năm chật vật, chỉ khoảng 11% số đặc khu mọc lên so với kế hoạch, hầu hết đều là các dự án kém hiệu quả.

Người Trung Quốc hiện diện dày đặc

Trung Quốc đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong việc xây dựng các đặc khu thành công, trong đó nổi bật nhất phải kể tới đặc khu Thâm Quyến nay đã trở thành một trung tâm công nghệ tầm cỡ thế giới với hơn 3 triệu doanh nghiệp hoạt động. Nhìn vào ánh hào quang này, nhiều quốc gia châu Phi nuôi hy vọng về một kết quả tương tự sẽ giúp lục địa đen thay da đổi thịt.

Bắc Kinh ban đầu lên kế hoạch xây dựng 50 SEZ trải rộng khắp châu Phi nhưng tới nay, số đặc khu dừng lại ở con số khiêm tốn, chỉ 6 SEZ. Chưa có SEZ nào trong danh sách này đạt được như kỳ vọng. Trước đó, Bắc Kinh và chính quyền nước chủ nhà đều tô vẽ về viễn cảnh tốt đẹp như cung cấp cho các công ty Trung Quốc ưu đãi thuế đặc biệt, cải thiện cơ sở hạ tầng nước sở tại và tạo ra một hệ thống điều tiết hợp lý hơn nhằm thúc đẩy thương mại giữa nước chủ nhà và Trung Quốc.

Đa số đặc khu kinh tế Trung Quốc đầu tư ở châu Phi đều không mang lại hiệu quaẢ̉nh: AFRICAN BUSINESS MAGAZINE

Thực tế, tại các đặc khu này, người Trung Quốc hiện diện dày đặc trong khi tỉ lệ các đối tác trong nước quá ít ỏi. Các SEZ ở Ethiopia và Mauritius đều do 100% người Trung Quốc làm chủ sở hữu. Tại đặc khu Ogon của Nigeria, đối tác trong nước chỉ sở hữu có 18%. Tại đặc khu Suez của Ai Cập, con số này là 20%.

Đặc khu duy nhất đã vận hành toàn bộ là tại kênh đào Suez ở Ai Cập. Không khí đầu tư ở đây đỡ ảm đạm hơn so với những đặc khu còn lại nhưng cũng chỉ đạt chưa tới 30% kế hoạch. Đặc khu của Ethiopia thậm chí còn phải thu nhỏ diện tích 60% do chủ đầu tư Trung Quốc gặp khó khăn về tài chính. Đặc khu tại Zambia đã thu hút được một nửa doanh nghiệp theo kế hoạch nhưng đang chật vật với các vấn đề ô nhiễm môi trường hay mưa axít tấn công.

Trong khi đó, vào thời điểm bắt tay với Công ty Tianli Spinning của Trung Quốc thực hiện đặc khu Jinfei cách đây hơn 10 năm, chính quyền Mauritius kỳ vọng dự án sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho nền kinh tế nước nhà. Tới nay, đặc khu này mới chỉ hoàn thiện hạ tầng cơ bản với 4 công ty hoạt động. Tranh chấp liên quan tới đền bù đất đai là một trong những nguyên nhân khiến tiến độ dự án ì ạch. Hầu hết các đặc khu còn lại cũng gặp vấn đề tương tự bên cạnh nguyên nhân thiếu cơ sở hạ tầng.

Điều quan trọng nhất với các SEZ là phải được kết nối với nền kinh tế toàn cầu. Vì thế, cải thiện cơ sở hạ tầng còn quyết định thành công nhiều hơn là ưu đãi thuế. Rất nhiều đặc khu tại châu Phi thiếu điện hoặc nằm quá xa cảng. Bên cạnh đó, nhiều SEZ còn thiếu kế hoạch quản lý và chiến lược hiệu quả hoặc gặp bất ổn chính sách.

Quyền lực mềm

Dù đang chật vật với kết quả nghèo nàn của các đặc khu ở châu Phi, Trung Quốc vẫn hăng hái lên kế hoạch xuất khẩu mô hình SEZ ra nhiều nước khác tại lục địa này. Giới quan sát cho rằng mục tiêu của Bắc Kinh không đơn giản chỉ dừng lại câu chuyện kinh tế, những đặc khu nói trên là một phần kế hoạch giúp nền kinh tế số 2 thực hiện quyền lực mềm của mình, nhắm tới mục tiêu chính trị.

Chiến lược được gọi là "ngoại giao bẫy nợ" của Bắc Kinh - tức cung cấp các khoản vay ưu đãi cho các nước nghèo dẫn tới nguy cơ vỡ nợ cao, đang ngày càng lan rộng. Trường hợp gần nhất về bẫy nợ Trung Quốc phải kể tới vụ chính phủ Sri Lanka hồi tháng 12-2017 đã phải để một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc thuê hải cảng Hambantota - có vị trí chiến lược trên Ấn Độ Dương, tới 99 năm - để cấn trừ khoản nợ hơn 1 tỉ USD.

Đánh giá về tác động của các đặc khu đối với châu Phi, giới chuyên gia kinh tế cho rằng ngay cả khi phép màu xảy ra, các dự án ở đây thành công trong việc thu hút đầu tư, tạo ra việc làm và đẩy mạnh xuất khẩu thì vẫn tồn tại những mối lo không kém. Đó là về chất lượng đầu tư và việc làm cũng như độ bền vững của SEZ tại châu Phi.

Không cần đặc khu mới đặc biệt

Theo tạp chí The Economist, những nước không cần đặc khu mới thực sự là những nước đặc biệt. Bài viết với tựa đề "Đặc khu kinh tế cũng không quá đặc biệt" đăng tải trên tạp chí về kinh tế này của Ấn Độ chỉ rõ các đặc khu tập trung vào xuất khẩu chỉ phát huy hiệu quả tốt nhất trong nền sản xuất tương đối thấp, đồng thời có tác động lớn nhất khi các rào cản thương mại trên thế giới ở mức cao.

Theo đó, các nước đang muốn gia nhập câu lạc bộ "hâm mộ" mô hình SEZ này cần nhìn nhận những bài học từ các thất bại của những nước đi trước, trong đó ngay cả các ưu đãi về thuế quá tập trung cũng không hẳn là tích cực, bởi đi đôi với nó là sự biến dạng trong nền kinh tế. Đó là một trong những lý do tại sao việc tự do hóa sản xuất kinh tế tốt hơn nên được nhìn nhận ở phạm vi toàn quốc chứ không nên chỉ nhắm vào những vùng được ưu tiên mang danh đặc khu. Ngày càng nhiều SEZ vì quá chú trọng vào câu chuyện ưu đãi thuế đã đánh mất mục tiêu tích cực trong kế hoạch ban đầu và biến dạng thành các thiên đường rửa tiền thông qua việc gian lận xuất khẩu.

Không những vậy, quá trình toàn cầu hóa kinh tế ngày càng được đẩy mạnh, dường như tỉ lệ thành công của mô hình đặc khu ngày càng thấp. Những rào cản thương mại trên thế giới dần xóa nhòa đồng nghĩa với những lợi thế từng là đặc thù của SEZ như mức thuế ưu đãi hay vị trí lý tưởng không còn hấp dẫn như trước đây. Nếu chạy theo những thành công đã cũ của mô hình này ở một số quốc gia khi thời cuộc đã thay đổi thì hiệu quả được cho là quá mơ hồ. Hiện nay, xu hướng theo đuổi các dự án SEZ được cho là hợp lý hơn cả là xây dựng dựa trên bối cảnh đặc thù của mỗi quốc gia; tính hiệu quả của nhà nước trong việc thiết kế, thực hiện và quản lý SEZ mới đóng vai trò quyết định thắng bại.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 8-6

Kỳ tới: Hào quang và nước mắt

ở Thâm Quyến

ĐỖ QUYÊN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/am-dam-dac-khu-chau-phi-20180610205152031.htm