Ấm áp 'Xe quần áo từ thiện'

Từ đầu năm Canh Tý 2020 đến nay, cứ đều đặn sáng thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, người dân các thôn thuộc 2 xã biên giới La Êê và Chơ Chun (H. Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) lại í ới rủ nhau đi 'sắm' áo quần.

Từ đầu năm Canh Tý 2020 đến nay, cứ đều đặn sáng thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, người dân các thôn thuộc 2 xã biên giới La Êê và Chơ Chun (H. Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) lại í ới rủ nhau đi "sắm" áo quần.

Đông đảo người dân đến chọn lựa những bộ quần áo phù hợp với mình mang về sử dụng.

Đông đảo người dân đến chọn lựa những bộ quần áo phù hợp với mình mang về sử dụng.

Với đồng bào miền núi đặc biệt lại ở các địa phương xa xôi giáp biên giới, việc có bộ quần áo mới là điều xa xỉ. Thế mà nay tự dưng chẳng mất tiền mua người dân lại có thêm cho mình những bộ "cánh" mới khiến ai cũng vui mừng, phấn khởi. Niềm vui ấy xuất phát từ mô hình "Xe quần áo từ thiện" của Chi đoàn Đồn Biên phòng La Êê. Với phương châm "Ai thừa thì cho, ai thiếu thì nhận", mô hình mang đậm tính nhân văn này đã góp phần đem lại niềm vui cho bà con nhân dân miền biên giới trong mùa xuân mới.

Để giúp đỡ đồng bào nơi biên giới có được những bộ quần áo phù hợp mà không phải tốn tiền mua sắm, Đồn Biên phòng La Êê đã chỉ đạo Đoàn Thanh niên xây dựng kế hoạch thường xuyên kết nối và kêu gọi những tấm lòng thiện nguyện ở các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Theo đó, từ các mối quan hệ gia đình, người thân của cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã quyên góp quần áo, giày dép, cặp sách... còn giá trị sử dụng đưa lên biên giới để phát miễn phí cho người dân và các em học sinh. Số quần áo, giày dép đã được các đoàn viên Đoàn thanh niên chọn lựa, sắp xếp lại gọn gàng để người dân tiện lựa.

Vừa mới chọn được bộ quần áo ưng ý cho mình và thêm bộ cho con gái, chị Pơ Loong Non ở thôn BLăng, xã Chơ Chun vui mừng cho biết: "Từ khi có xe quần áo từ thiện của các chú bộ đội biên phòng về đây chúng tôi mừng lắm. Ở đây làm gì có ai bán quần áo nên mỗi khi cần gì tôi phải nhờ người về thị trấn mới mua được, xa xôi lắm. Số quần áo lựa được tôi mặc hằng ngày còn quần áo cũ chúng tôi tận dụng để đi rẫy. Nhờ có số quần áo của mấy chú biên phòng mà Tết vừa qua mấy đứa con tôi đứa nào cũng vui. Cảm ơn các chú biên phòng nhiều lắm!".

Đang hăng hái lựa đồ, anh Pơ Loong Thịnh còn nhắn nhủ bà con trong bản cái nào vừa thì mình mang về mặc, cái nào không vừa thì để lại cho người khác vì nhiều người cũng khó khăn. Đại úy Phan Văn Cảng - Phó Đồn trưởng, Bí thư Đoàn Đồn Biên phòng La Êê chia sẻ, hàng tuần, Chi đoàn phân công đoàn viên đưa xe quần áo đến từng thôn trên địa bàn 2 xã để người dân lựa chọn. Trong xe có hàng trăm bộ quần áo với đủ kích cỡ, màu sắc dành cho mọi lứa tuổi. Gọi là quần áo từ thiện nhưng còn rất mới, được giặt ủi phẳng phiu và cán bộ chiến sĩ sắp xếp phân loại ngay ngắn.

Là người thường xuyên có mặt trong những lần đưa xe quần áo từ thiện đến các thôn, Đại úy Phan Văn Cảng tâm sự: "Khi đưa ra ý tưởng và mô hình "Xe quần áo từ thiện" này ra đời, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị ai ai cũng hưởng ứng nhiệt tình, trách nhiệm. Mô hình này cũng rất thiết thực vì đáp ứng ngay cái bà con đang thiếu, đang cần. Có hôm trời mưa, đường trơn trượt, vất vả, nhưng anh em trong đơn vị vẫn vui vẻ, che đậy cẩn thận, cố gắng đẩy xe quần áo khô ráo đến địa điểm đã hẹn, bà con nhân dân trên địa bàn phấn khởi, vui mừng lắm".

Thầm lặng là thế, những chuyến xe quần áo từ thiện vơi đi rồi lại đầy bởi những tấm lòng đong đầy yêu thương. Theo Đại úy Cảng, để xe quần áo từ thiện luôn đầy đủ và kịp thời, cán bộ chiến sĩ đơn vị thường xuyên kết nối các tấm lòng thiện nguyện, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Xe quần áo từ thiện không những là địa chỉ của người dân còn khó khăn đến lấy quần áo miễn phí mà còn là nơi khơi dậy tấm lòng thiện nguyện và tinh thần "lá lành đùm lá rách". Thông qua đó nêu cao tinh thần đoàn kết, đồng lòng quân dân, làm cho mối quan hệ đoàn kết quân dân thêm bền chặt, gắn bó, phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

VĂN VINH - HÀ DUNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_220954_am-ap-xe-quan-ao-tu-thien-.aspx