Ấm áp tình thương của Bác

Trong dịp đi sưu tầm tài liệu viết về 'Lịch sử công tác Đảng, công tác chính trị trong Công an nhân dân vũ trang', tôi đã được gặp ông Ngô Văn Núi, nguyên là chiến sĩ Trung đoàn 600 Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP), Đoàn trưởng Đoàn 71 Quân tình nguyện Biên phòng tại Campuchia - người nhiều năm trực tiếp bảo vệ Bác Hồ. Lúc đó, tuy ông Núi tuổi đã cao, dáng người không còn nhanh nhẹn như trước, nhưng khi chúng tôi hỏi về những ngày tháng sống gần Bác, mắt ông như sáng ra, giọng nói rành rõ hơn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện tại Hội nghị mừng công của Trung đoàn 600 Công an nhân dân vũ trang ngày 21-12-1965. Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện tại Hội nghị mừng công của Trung đoàn 600 Công an nhân dân vũ trang ngày 21-12-1965. Ảnh: Tư liệu

Không phải suy nghĩ nhiều, ông Núi tâm sự, cả cuộc đời ông đi bảo vệ Bác, từ chiến khu Việt Bắc cho đến những ngày ở Thủ đô Hà Nội có biết bao nhiêu kỷ niệm. Nhưng kỷ niệm sâu sắc nhất là phiên gác đầu tiên bên Bác Hồ mà suốt đời ông không bao giờ quên.

Nói đến đây, ông Núi dừng lại, hớp một ngụm nước thấm giọng rồi chậm rãi kể: Đầu năm 1954, đêm ấy, trời đã sang Xuân, nhưng thời tiết biên giới vẫn còn lạnh cóng. Mây mù giăng kín khắp núi rừng, làm cho cái lạnh càng tê tái hơn. Đêm đó, chiến sĩ Núi được phân công gác ở vọng gác đầu nhà làm việc của Bác Hồ ở Chiến khu Việt Bắc. Trời đã khuya, nhưng trong phòng làm việc của Bác vẫn còn sáng đèn. Tiếng máy chữ của Bác vẫn cần mẫn lách tách đều đều. Bác mặc chiếc áo bông đã cũ ngồi làm việc, điếu thuốc thỉnh thoảng lại hồng lên như muốn xua đi cái rét tái tê. Tuy ngoài trời giá lạnh, nhưng được đứng gác bên Bác, Núi thấy ấm áp và vui sướng biết mấy. Niềm vinh dự này tràn ngập lòng, càng nghĩ Núi càng kính yêu Bác. Núi bước nhẹ nhàng quanh nhà làm việc của Bác, vừa đi, vừa miên man suy nghĩ, không may thụt chân ngã xuống hố tránh máy bay.

Chiếc hố tránh máy bay này do cán bộ, chiến sĩ đào cho Bác đã lâu. Dưới hố có đặt một chiếc thang nhỏ để khi báo động có máy bay, Bác lên xuống dễ dàng. Núi ngã xuống hố, đập đầu vào cầu thang, hai chân lơ lửng, mặt úp vào gò đất ở miệng hố, người đau điếng. Đau thì Núi không sợ, nhưng sợ nhất là phát ra tiếng động làm ảnh hưởng đến công việc của Bác. Trống ngực Núi đập liên hồi. Anh chiến sĩ cố gắng vùng vẫy, xoay xở bám vào thành đất để vượt lên khỏi hố, nhưng vô vọng. Đang bối rối chưa biết tìm cách nào để lên khỏi hố thì Núi nghe thấy tiếng bước chân vội vã chạy về phía mình. Núi mừng thầm và đoán, anh em đi đốc gác biết mình ngã xuống hố nên đến giúp sức. Nhưng từ điểm đốc gác đến đây khá xa, làm sao anh em biết được? Hay là đã đến phiên đổi gác? Cũng không phải, vì mình vừa mới nhận phiên gác chưa lâu, đã đến giờ đổi gác đâu? Núi suy nghĩ như vậy. Bỗng Núi nghe có tiếng hỏi rất nhẹ nhàng, ấm áp:

- Chú nào ngã đấy?

Núi nhận ra tiếng Bác Hồ, vì đau quá, chưa kịp thưa thì đã thấy Người đưa hai tay vào nách Núi. Sau đó, Bác Hồ vừa kéo Núi lên khỏi hố, vừa hỏi:

- Chú ngã có đau không?

Trời rét, nhưng người Núi khi đó ướt đẫm mồ hôi. Đúng Bác Hồ thật rồi. Nước mắt Núi trào ra. Giây lát trấn tĩnh, Núi muốn nhìn Bác được lâu hơn. Bỗng, Núi giật mình khi thấy trời lạnh giá mà Bác không mặc áo bông, chân không đi tất. Núi thốt lên:

- Bác! Bác Hồ thương chúng cháu nhiều quá!

Từ khi lọt lòng mẹ cho đến lúc đi tham gia cách mạng, Núi chưa một lần được bố mẹ nâng dậy khi bị ngã. Vì nhà Núi nghèo, bố mẹ phải dậy sớm từ lúc gà chưa cất tiếng gáy, đi làm thuê nuôi gia đình, khi về nhà, gà đã lên chuồng, đâu còn thời gian chăm sóc con cái.

“Chú ngã có đau không?” - Bác hỏi.

Núi cảm động quá, hai hàng nước mắt cứ trào ra. Núi gắng hết sức để đứng ngay ngắn và thưa với Bác:

- Thưa Bác, cháu không đau lắm ạ!

Bác âu yếm nhìn Núi rồi bảo:

- Chú ngã như vậy là đau lắm!

Để Bác yên tâm, Núi cố đứng nghiêm trang nói:

- Thưa Bác, cháu mặc áo gác ca-pốt nên không đau ạ!

Bác cười hiền hậu rồi nhìn cử chỉ lúng túng của Núi. Bác biết Núi ngã như vậy là rất đau. Giây lát đi qua, Bác nói:

- Chú ngồi tạm xuống đây bóp chân cho khỏi đau. Để đấy Bác gác cho.

Nghe Bác nói vậy, Núi bàng hoàng cả người, không tin vào tai mình nữa. Có đúng Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc nói: “Chú ngồi xuống đây... Để đấy Bác gác cho!”. Đúng thật rồi, đúng Bác Hồ thật rồi! Bác nói với người chiến sĩ bảo vệ mình thế đấy! Để Bác yên lòng, Núi cố đứng thẳng lên thưa với Bác:

- Thưa Bác, cháu không việc gì đâu ạ!

Bác cười đôn hậu, rồi căn dặn Núi: “Các cháu còn trẻ, làm việc gì cũng phải cẩn thận!”. Sau đó, Bác quay về phòng làm việc. Núi cứ đứng lặng như thế nhìn Bác cho đến khi nghe tiếng máy chữ trong phòng làm việc của Bác kêu lách tách giữa đêm rừng mùa Xuân.

Năm tháng đã đi qua, biết bao vui buồn xảy ra trong cuộc đời, nhưng phiên gác mùa Xuân bên Bác Hồ năm ấy cứ cháy mãi trong đời người lính cận vệ già Ngô Văn Núi và đồng đội.

Mạnh Vũ (Theo lời kể của Đại tá Ngô Văn Núi)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/am-ap-tinh-thuong-cua-bac/