Ấm áp Tết Việt trên 'đất nước Triệu Voi'

Dù quanh năm bận rộn, vất vả mưu sinh, nhưng cứ dịp Tết đến Xuân về, người Việt trên đất Lào đều trở về bên gia đình,quây quần bên mâm cơm tất niên.

Dù quanh năm bận rộn, vất vả mưu sinh khắp nơi, nhưng cứ dịp Tết đến Xuân về, con cháu người Việt ở làng Xiêng Vang nói riêng hay những người con Việt trên đất Lào nói chung đều cố gắng trở về với gia đình, quây quần bên mâm cơm tất niên. Bởi với họ, đây chính là khoảnh khắc thiêng liêng nhất để kết nối các thành viên trong gia đình cùng nhớ về nguồn cội.

Anh Vĩnh - cháu cụ Hồng đi chợ chuẩn bị cho bữa cơm tất niên xum họp gia đình.

May mắn cho chúng tôi khi có chuyến công tác tại nước bạn Lào đúng vào dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, cùng với những công việc khác, chúng tôi có cơ hội gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Lào và chứng kiến cảnh bà con người Việt tất bật chuẩn bị để đón một mùa Xuân mới và dự một bữa cơm tất niên theo đúng truyền thống của một gia đình người Việt đang sinh sống tại đây.

Với mỗi gia đình người Việt, bữa cơm tất niên chính là khoảnh khắc thiêng liêng, là sợi chỉ kết nỗi các thành viên trong gia đình khi thời khắc năm cũ sắp qua, háo hức chờ đợi Năm mới tới. Truyền thống tốt đẹp đó vẫn được những người con mang dòng máu Việt, dù sinh sống xa quê hương trân trọng gìn giữ. Với mỗi người Việt trên đất Lào, bữa cơm tất niên còn là thời điểm gia đình tụ họp đông đủ nhất, cùng kể cho nhau những vất vả, vui buồn của năm cũ và chuẩn bị đón năm mới tràn đầy hy vọng.

Với cộng đồng bà con Việt kiều tại Lào, Tết đến cũng là dịp để họ thể hiện lòng thành kính, tôn trọng với Bác Hồ kính yêu, cùng con cháu, họ hàng ôn lại truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Dù đã xa quê hàng chục năm, có những thế hệ con cháu người Việt sau này được sinh ra và lớn lên tại Lào nhưng những phong tục tập quán vẫn luôn được những người con Việt gìn giữ và truyền dạy lại cho con cháu đời sau.

Các mẹ, các chị tất bật vào bếp chuẩn bị mâm cơm cúng gia tiên cuối năm.

Làng Xiềng Vang, Huyện Noóng Bốc, Tỉnh Khăm Muộn (Lào) nằm ngay bên dòng sông Mê Kông cuộn chảy. Hơn 80 năm trước, nơi đây đã là cái nôi của cách mạng Việt - Lào. Trong chuyến công tác này, chúng tôi có dịp ghé thăm gia đình cụ Đặng Văn Hồng, 86 tuổi - một trong những gia đình cách mạng lão thành ở làng Xiềng Vang.

Sinh ra và lớn lên tại Xiêng Vang, 14 tuổi, cụ Hồng đã tham gia làm giao liên cho cách mạng tại khu vực này và từng 2 lần bị địch bắt, tra tấn. Cho đến nay dù tuổi đã cao, con cháu đều trưởng thành, cụ Hồng vẫn bám trụ với mảnh đất này dù cuộc sống nhiều khó khăn. Lý giải về việc này, cụ bảo đây là nơi chôn nhau, cắt rốn, là mảnh đất đã nuôi mình lớn lên và có cả một thời tuổi trẻ sục sôi khí thế cách mạng, là nơi cùng đồng đội hoạt động với đầy gian khó, thử thách và cả sự hy sinh. “Ngày trước khi lập bàn thờ Tổ quốc và bàn thờ gia tiên tại đây, tôi đã phát thệ lời hứa “một tấc không đi, một ly không rời”, kiên quyết bám trụ để xây dựng lại bản làng sau khi được giải phóng. Mảnh đất này cũng là nơi đồng đội tôi ngã xuống vì sự nghiệp cách mạng nên dù khó khăn đến đâu mình cũng không đành lòng bỏ đi được”. cụ Hồng nói.

Cụ Hồng có cả thảy 11 người con, tất cả đã trưởng thành, lập gia đình và đều có cơ sở làm ăn, buôn bán riêng ở các tỉnh, thành phố của nước bạn Lào. Công cuộc mưu sinh khiến các con cụ phải tỏa đi nhiều nơi bởi nếu chỉ làm nông ở làng Xiêng Vang sẽ không đủ trang trải cho cuộc sống. Tuy nhiên như lời cụ chia sẻ, mỗi khi có dịp, đặc biệt là những ngày Tết, tất cả con cháu đều trở về với đại gia đình của mình.

Mâm cơm tất niên với đa phần là các món mang hương vị Việt.

Khi biết có đoàn công tác sang thăm, cụ Hồng rất đỗi vui mừng và xúc động. Cụ nhất quyết giữ chúng tôi lại cùng chung vui bữa cơm tất niên với gia đình. Mặc dù năm nay đã ở vào tuổi 90, nhưng cụ Hồng vẫn rất minh mẫn và tráng kiện. Cụ chia sẻ, năm nào cũng vậy, cứ ngày 30 Tết con cháu cụ lại quây quần bên nhau để chuẩn bị bữa cơm tất niên chiều 30 tết. Mặc dù ở trên đất Lào nhưng mâm cỗ của gia đình cụ năm nào cũng đầy đủ các món ăn truyền thống mang đậm hương vị quê nhà, từ bánh chưng, xôi, gà cho đến giò lụa...

Theo chân chị Huyền và anh Vĩnh, cháu cụ Hồng đi chợ, chúng tôi mới thấy hết được không khí tất bật và hối hả của buổi chợ chiều cuối năm trên đất bạn. Chợ Lào ở Xiềng Vang cũng giống như chợ Việt, tuy không đông vui tấp nập như chợ Tết ở Việt Nam nhưng có đủ đầy các thứ như thịt, cá, hoa, rau, quả… Gian hàng nào cũng ăm ắp sản phẩm, sắc màu rực rỡ, và không khí ồn ã đặc trưng của hoạt động mua bán cuối năm.

Không khí chiều 30 Tết thật nhộn nhịp và đầm ấm. Trong khi chị em phụ nữ đi chợ thì ở nhà cánh đàn ông sửa soạn, lau dọn bàn thờ Bác Hồ, bàn thờ gia tiên. Gian bếp nhỏ của nhà cụ Hồng náo nhiệt hẳn lên. Các chị tranh thủ chế biến từng món ăn để làm sao kịp giờ mà thức ăn vẫn nóng sốt. Vừa làm mọi người vừa hỏi thăm chuyện nhà chuyện cửa, chuyện làm ăn của nhau trong một năm qua. Trong gian bếp nhỏ, tiếng chuyện trò, cười nói râm ran.

Cụ Hồng thành kính thắp hương trên bàn thờ Bác Hồ, báo cáo với anh linh của Bác những vui buồn của năm cũ và hy vọng những điều tốt đẹp trong năm mới.

Chị Huyền cho hay, nét khác biệt duy nhất trên mâm cỗ của người Việt xa xứ ở Lào là không có món dưa hành. Tuy không có món dưa hành như ở Việt Nam nhưng lại có món Tam- Maak- Hung (đu đủ giã) thay thế, đây là món ăn truyền thống không thể thiếu của dân tộc Lào. Nguyên liệu chính của Tam- Maak- Hung được chế biến từ đu đủ băm sợi tươi giòn và cà chua, ớt xắt nhỏ, cà giã rồi trộn chung với cả chục gia vị… Vị chua chua của chanh, vị cay xé lưỡi của tiêu và ớt, một chút đậm đà của mắm nêm cá đồng cùng cà pháo, cà chua,... hòa quyện thành một hương vị riêng, khó quên nếu ai đã từng được thưởng thức.

Khi mâm cỗ tất niên chuẩn bị xong, được bày lên bàn thờ Bác Hồ và bàn thờ gia tiên. Cụ Hồng trang trọng làm lễ dâng hương lên bàn thờ Bác rồi sau đó mới thắp hương ở bàn thờ tổ tiên.

Sau khi cúng gia tiên, mâm cỗ được bày ra, đại gia đình quây quần bên mâm cơm cùng chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất và tiễn những điều không may mắn trong năm. Bữa cơm tất niên ở Lào, lắng đọng như một nốt trầm giữa năm cũ và năm mới, như bếp lửa mẹ nhóm, lặng lẽ nhưng ấm áp và thiêng liêng đến lạ kỳ. Khiến tôi chợt nhận ra như có một Việt Nam thứ hai trên đất Lào.

Đại gia đình quây quần bên nhau, cùng nâng ly chúc nhau một năm mới sức khỏe và may mắn

Chia tay gia đình cụ Hồng, nhưng trong tôi còn đọng mãi hình ảnh đĩa Tam- Maak- Hung trên mâm cổ truyền thống Việt như một lời nguyện ước sắt son, là “chất keo” kết nối những người Việt xa xứ và làm đậm đà thêm tình bạn đặc biệt vốn có giữa hai dân tộc./.

Nhóm PV và Cơ quan thường trú VOV tại Lào (thực hiện)

Nguồn Tổ Quốc: http://vov.vn/nguoi-viet/am-ap-tet-viet-tren-dat-nuoc-trieu-voi-730709.vov