Ấm áp những sẻ chia nơi xóm trọ công nhân

Khoảng 2-3 tháng nay, hình ảnh xóm công nhân đìu hiu, chủ nhà trọ thẫn thờ vì không có khách đã trở thành hình ảnh quen thuộc ở nhiều khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Nhiều người chật vật vì thu nhập thấp, bỏ về quê. Còn đối với những công nhân còn trụ lại mưu sinh, niềm an ủi lớn nhất là sự sẻ chia, ân cần của chủ trọ giúp họ vượt qua khó khăn trong giai đoạn hậu dịch bệnh.

Những phòng trọ thiếu bóng… công nhân

Từ đầu năm nay, dịch bệnh đã khiến công nhân lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bị giảm thu nhập thậm chí là mất việc. Không có việc, nhiều người chấp nhận rời bỏ Hà Nội trở về quê mưu sinh. Vì vậy, khoảng 2 - 3 tháng trở lại đây, nhiều nhà trọ xung quanh các khu công nghiệp Hà Nội rơi vào tình trạng “phòng không, nhà trống” vì không có công nhân thuê.

Bắt đầu một ngày tìm hiểu cuộc sống của người lao động, chúng tôi đến với xã Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội). Nơi đây được xem là nơi tập trung đông đảo công nhân làm việc tại Khu Công nghiệp Thăng Long, chính vì vậy, từ nhiều năm nay, các nhà trọ ở khu vực này “mọc” lên rất nhiều và phát triển nhanh chóng nhằm đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của công nhân lao động.

Những khu nhà trọ đìu hiu vì vắng công nhân

Những khu nhà trọ đìu hiu vì vắng công nhân

Thông thường, cứ vào khoảng 17-18h, các dãy nhà trọ lại trở nên tấp nập, nhộn nhịp khi công nhân tan ca chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Thế nhưng thời điểm này, tiếng nói cười đã vơi bớt đi nhiều khi không ít công nhân nghỉ việc.

Đăng tin cho thuê phòng nhiều ngày nay, anh Bùi Quang Tuyên, chủ khu nhà trọ ở xã Kim Chung cho biết, với kinh nghiệm 10 năm gia đình cho thuê nhà trọ nhưng chưa bao giờ gặp tình trạng phòng trống nhiều như vậy. Với tổng số 30 phòng cho thuê, hiện nay, nhà anh có gần 1/3 số phòng không có người ở. “Trước đây, xóm trọ công nhân bao giờ cũng đông đúc. Các nhà trọ luôn trong tình trạng không còn phòng cho thuê hay có phòng nhiều người cùng thuê. Nhưng nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khu trọ trở nên trống vắng”, anh Tuyên cho biết.

Không chỉ riêng tại Khu công nghiệp Thăng Long, đến với Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), Khu công nghiệp Nội Bài (huyện Sóc Sơn)… nhiều nhà trọ cũng rơi vào tình trạng tương tự. Các ngõ ngách đầy bảng treo cho thuê nhà. Nơi ít thì có 1-2 phòng trống, nơi nhiều thì có quá nửa phòng chưa có người thuê.

Bà Nguyễn Thị Loan, chủ một khu nhà trọ mới xây Khu công nghiệp Phú Nghĩa (Chương Mỹ) cho biết dãy nhà trọ 10 phòng của bà mới hoàn thiện trước Tết, hướng đến đối tượng công nhân. Ngay khi ra Tết, bà đăng tin cho thuê và nhờ môi giới dẫn khách nhưng đến giờ vẫn chưa thể lấp đầy dãy trọ.

“Thông thường sau khi kết thúc đợt nghỉ lễ, công nhân sẽ đổ về Hà Nội bắt đầu làm việc. Tuy nhiên năm nay tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, có người nghỉ Tết rồi về quê không lên nữa. Tình trạng này xảy ra một khoảng thời gian dài cũng khiến nhà tôi bị ảnh hưởng, chi phí đầu tư bỏ ra lâu thu về được”, bà Loan tâm sự.

San sẻ cùng nhau vượt khó

Bên cạnh việc neo người, những khu nhà trọ còn công nhân trụ lại cũng chỉ biết tựa vào nhau mà sống. Mặc dù luôn phải thấp thỏm, lo âu về gánh nặng cơm áo, gạo tiền nhưng hầu hết công nhân sống tại các xóm trọ trong các khu công nghiệp lại có sự đoàn kết, gắn bó. Trong bất kể hoàn cảnh nào, họ luôn đoàn kết, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với nhau. Trước đây cứ chiều đi làm về, chị Phạm Thị Thuận (công nhân Khu công nghiệp Nội Bài) phải tự mình đi chợ nấu cơm.

Khoảng 2 tháng nay, chị đã có bạn cùng phòng mới thay chị đảm đương công việc bếp núc. Chị Thuận cho biết, để giảm bớt được chi phí sinh hoạt, chị đã chấp nhận ở ghép với một nữ công nhân khác, người này vốn là “hàng xóm” cùng chung khu nhà trọ. Ý kiến “gộp chung” này lại chính do chủ nhà trọ của chị gợi ý. “Sự quan tâm, sẻ chia, ân cần của chủ trọ giúp chúng tôi vượt qua khó khăn trong giai đoạn hậu dịch bệnh”, chị Thuận xúc động.

Trải qua những tháng dịch bệnh căng thẳng, gia đình bà Lê Thị Miều (đội 4, thôn Bầu xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) là một trong những nhà trọ hiếm hoi không còn phòng trống vào thời điểm này, khu nhà trọ của gia đình bà Miều vẫn đầy đủ công nhân ở cả 30 phòng. Bà Miều cho biết, dãy trọ của gia đình bà hầu hết là các hộ gia đình làm trong Khu công nghiệp Thăng Long thuê trọ.

Những người thuê trọ ở đây, nhà nào ít cũng được 2-3 năm, có những gia đình đã ở đây gần chục năm. “Cũng có vài công nhân gặp khó khăn về sinh hoạt trong thời gian qua, nhưng những ai còn trụ lại thì mình phải tìm cách để chia sẻ họ bớt khó khăn. Tình nghĩa lâu năm khăng khít mọi người cũng dễ thông cảm cho nhau”, bà Miều cho hay.

Cũng chính vì vậy, ngay từ trong những ngày dịch căng thẳng, bà Miều đã sẵn sàng chia sẻ tiền phòng cho công nhân, với quy mô phòng lớn, bà chấp nhận thất thu vài triệu đồng/tháng, miễn sao để công nhân yên tâm ở lại làm việc. Khi dịch bệnh được kiểm soát, công nhân đi làm ổn định cũng là lúc nhiều gia đình đón ông, bà ở quê lên trông cháu tại khu nhà trọ của bà. Đối với những trường hợp này bà Miều không thu tiền nước giảm gánh nặng cho công nhân thuê trọ.

Vào dịp hè, dãy trọ của bà càng đông vui hơn, bởi hàng chục trẻ nhỏ của các gia đình đều không về quê, với những trường hợp không có người trông, bà Miều sẵn sàng nhận trông giúp. “Những người công nhân lao động đều có điểm chung là sống xa gia đình, mỗi người đến từ một vùng quê khác nhau, đời sống vật chất khó khăn nên dễ cảm thông, chia sẻ và gắn bó thân thiết với nhau.

Kỳ nghỉ hè cũng như các ngày nghỉ cuối tuần, các cháu nội của tôi thường chơi cùng các cháu nhỏ trong khu trọ, lúc thì chơi dưới phòng công nhân, khi thì chúng kéo nhau lên nhà tôi chơi, cứ vậy mà chúng thân thiết với nhau như anh chị em. Đối với trẻ nhỏ chưa đến tuổi đi học tiểu học, bố mẹ thường đón ông bà lên chăm con, còn những gia đình con đã lớn học lớp 2, lớp 3, những ngày đi làm họ thường gửi con tôi trông giúp, chúng đã quen với tôi nên bé nào cũng chơi ngoan, đứa lớn tự trông đứa nhỏ, tôi cũng không vất vả gì nhiều”, bà Miều chia sẻ.

Tình cảm của bà Miều nhiều năm nay được công nhân trong khu trọ vô cùng cảm kích. Từ những sự chia sẻ của các công nhân có thể thấy rằng, cuộc sống của họ dẫu vẫn còn vô vàn những khó khăn, bộn bề trong cuộc mưu sinh với gánh nặng cơm áo, gạo, tiền nhưng sự chia sẻ, quan tâm, gắn bó với nhau của những lao động xa quê thật đáng quý. Đáng quý hơn, những vất vả của họ đã được chính người chủ trọ thấu hiểu và chung tay cùng sẻ chia. Tình người ấm áp ấy đã giúp họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

P.Ngân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/am-ap-nhung-se-chia-noi-xom-tro-cong-nhan-110754.html