Ám ảnh tội lỗi

Trước một số vụ việc một bộ phận nhỏ cán bộ công chức tìm đến cái chết gần đây nhiều người đã đặt câu hỏi: Các vị ấy làm gì đến mức thiếu thốn, cùng khổ hay vì lý do gì mà phải tìm đến cái chết? Bất biết lý do gì nhưng chết cũng không có nghĩa là hết.

Người chết đúng là hết nhưng còn người sống. Sao nỡ gieo nỗi ám ảnh cho người thân?

Ông Nguyễn Văn H., Phó trạm quản lý nước và công trình đô thị huyện Kông Chro (Gia Lai) đã tử vong trên đường chuyển viện.

Hiện trường nơi Phó trạm quản lý nước và công trình đô thị huyện Kông Chro (Gia Lai) tự tử.

Theo thông tin ban đầu, sáng ngày 14/11 ông H. xin vắng mặt tại cuộc họp với phòng Kinh tế - kế hoạch H.Kông Chro. Sau đó, ông gọi điện nhờ một người quen đến khiêng tấm gỗ tại đài nước của trạm vào buổi trưa. Tuy nhiên khoảng 9h30, người này đến điểm hẹn thì phát hiện ông H. trong tư thế treo cổ.

Trước đó chừng 10 ngày, sáng 3/11, nam bảo vệ đến văn phòng của Ban điều hành Dự án gói thầu số 2 (thuộc dự án tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên) trong hẻm 415 Nguyễn Văn Bá, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP.HCM thì phát hiện ông Võ Phi A., tử vong trong tư thế treo cổ. Ông Võ Phi A., là Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (Cienco 6), là thành viên liên doanh với công ty Sumitomo để thi công gói thầu số 2 của tuyến Metro số 1. Phần gói thầu của công ty này đã thi công xong.

Qua công tác khám nghiệm, cảnh sát xác nhận ông Phi A. chết do tự tử. Đáng nói, ông tìm đến cái chết khi đang bị điều tra vì liên quan đến một vụ án kinh tế do Công an tỉnh Bình Dương thụ lý. Theo một nguồn tin, ông Phi A., từng có ý định tự tử cách đây vài năm nhưng bị phát hiện và ngăn chặn.

Trước những vụ việc như vậy, tôi cho rằng, những cán bộ ấy không dám đối mặt với khó khăn, phức tạp của cuộc sống. Nếu ông Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 đang dính dáng đến vụ án kinh tế, đang bị điều tra, lẽ ra, ông nên dũng cảm hợp tác với cơ quan điều tra, lấy công chuộc tội (nếu có) và chấp nhận chịu sự trừng phạt của pháp luật thì tôi tin, dù buồn, gia đình ông cũng không phải chịu đựng nỗi đau dai dẳng khi chưa rõ lý do ông tìm đến cái chết là gì. Chưa kể, họ phải gánh thêm sự nghi ngờ, thị phi của dư luận.

Trong xã hội biết bao người phải vật lộn với bệnh tật, đói khổ để được sống. Trốn tránh cuộc đời bằng cách tự kết liễu đời mình, xét góc độ nào đó, họ cũng là tội đồ. Dù không còn trên cõi đời, các vị vẫn mang tiếng mắc tội bất hiếu với chính cha mẹ, để tiếng xấu cho vợ con gánh chịu, tội ấy không dễ gì chuộc được.

Minh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/am-anh-toi-loi-a411599.html