Ám ảnh thành phố 'ma' ở Nam Sudan

Cây leo bám đầy khung cửa sổ, dọc những bức tường gạch đổ nát, c

á p điện treo lủng lẳng trên các cột điện, tấm biển Hội đồng thành phố Malaka lỗ chỗ đầy vết đạn… là những gì còn lại tại thành phố "ma" ở Nam Sudan, nơi nhiều người đã rời bỏ vì xung đột giữa quân chính phủ và phe nổi dậy.

Tấm biển Hội đồng thành phố Malakal lỗ chỗ vết đạn là một trong những gì còn sót lại tại thành phố vắng bóng người. Ảnh: Reuters

Dù Tổng thống Salva Kiir và lực lượng nổi dậy ngày 13-9 đã ký kết thỏa thuận ngừng bắn và chia sẻ quyền lực được kỳ vọng sẽ chấm dứt cuộc nội chiến khiến ít nhất 50.000 người thiệt mạng trong 5 năm vừa qua nhưng những người đã rời bỏ Malaka, thành phố từng là một trung tâm buôn bán sầm uất, vẫn lo ngại việc quay trở về.

Josephine Adiemis cùng gia đình 8 người tại một khu trại tị nạn của Liên hợp quốc gần Malaka vẫn không tin đã đủ an toàn để trở lại nơi từng sinh sống, lo ngại những kẻ xâm chiếm trái phép có thể đã lợi dụng tình trạng bất ổn để lẻn vào nhà.

"Hiện giờ không có hòa bình. Nếu quay về khi hòa bình chưa được thiết lập, tôi có thể bị sát hại bởi những người vẫn đang ở trong nhà mình”, người phụ nữ 42 tuổi bày tỏ lo ngại khi đang ngồi trước văn phòng đăng ký tại trại tị nạn của Liên hợp quốc.

Trong khi đó, Simon Pakuang, một trong số khoảng 25.000 người đang sinh sống tại trại tị nạn này cho biết, “chiến sự nổ ra và sau đó nhiều người thiệt mạng và phải bỏ chạy”.

Theo Reuters, tình trạng bạo lực tại Malaka bùng phát năm 2015, sau khi Nam Sudan bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc nội chiến năm 2013, khiến gần 1/4 dân số 12 triệu người tại quốc gia này rơi vào tình trạng mất nhà cửa và phá hủy nền kinh tế chủ yếu dựa trên sản xuất dầu thô.

Cuộc nội chiến dai dẳng khiến Malaka một thời sầm uất chỉ còn là đống đổ nát hoang tàn. Ảnh: Reuters

Hazel de Wet, người đứng đầu phái bộ Liên hợp quốc tại khu vực thượng sông Nile cho biết, khu trại tị nạn gần Malakal chỉ là tạm thời và bày tỏ sự lạc quan thận trọng về viễn cảnh hòa bình khu vực. Tuy nhiên, tình hình an ninh vẫn cần được bảo đảm trước khi người dân trở về thành phố này và các ngôi làng lân cận.

“Người dân đến trại để được bảo vệ. Vì thế, họ muốn được bảo đảm an toàn và an ninh trước khi rời đi”, Hazel de Wet trả lời Reuters.

Peter Aban Amon, phụ trách thông tin khu vực Thượng Nile cho biết đã khuyến khích người dân trở lại nơi sinh sống vì chính phủ đã kiểm soát Malakal và tại đây đã hình thành một bộ phận dân cư nhỏ trong 2 năm vừa qua.

Binh sĩ Liên hợp quốc làm nhiệm vụ tuần tra gần thành phố Malaka. Ảnh: Reuters

Dù vậy, người dân hầu hết vẫn muốn được sinh sống an toàn tại khu trại tị nạn được bảo vệ nghiêm ngặt của Liên hợp quốc. Ngoài ra, thị trường mua bán tại đây đã trở nên sôi động hơn hẳn, trái ngược với sự im ắng tại Malakal.

Thực tế, Malakal đã bị phá hủy hoàn toàn sau những đợt giao tranh ác liệt giữa quân đội chính phủ và lực lượng nổi dậy. Và với Simon Pakuang, thời điểm để trở về nhà vẫn chưa tới. Hồi tháng 5 năm ngoái, người đàn ông 63 tuổi khi quay lại ngôi làng từng sinh sống đã rất vui mừng nhìn thấy nhà mình chưa bị phá hủy. Tuy nhiên, ông cũng ngạc nhiên không kém vì ngôi nhà đã bị người khác chiếm lấy.

Simon Pakuang là một trong số hàng chục nghìn người dân đang được Liên hợp quốc bảo vệ tại trại tị nạn. Ảnh: Reuters

Những kẻ chiếm giữ trái phép đã hỏi liệu Simon Pakuang có muốn lấy lại ngôi nhà hay không. Ông từ chối và đề nghị những người này chăm sóc nơi ở của mình cho đến khi ông cảm thấy đủ an toàn để trở về.

“Tôi nói với họ: Làm ơn hãy giữ nhà cửa sạch sẽ và đừng phá hủy nó”, Simon Pakuang chia sẻ.

Thương Nguyệt

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/The-gioi/913678/am-anh-thanh-pho-ma-o-nam-sudan