Ám ảnh phận người

Không theo lối viết phủ định quá khứ, không ngôn tình, không dàn dựng cảnh bạo liệt cướp giết, 9 truyện ngắn trong tập 'Thương trên bến đợi' của Bảo Thương lại dễ neo vào người đọc bởi giọng văn nhỏ nhẹ, da diết.

Những cảnh đời, những số phận trong tập truyện hầu hết đều quay quanh làng quê nghèo khó, những con người lầm lũi, cô đơn và bất hạnh. Có thể là anh giám đốc một công ty làm ăn giàu có, hoặc cô gái lấy chồng ngoại quốc lắm của nhiều tiền, nhưng xuất phát điểm của họ đều là những người chân đất, đi ra từ làng quê xơ xác, từ mái tranh dột xiêu vẹo. Họ muốn thoát cảnh nghèo hèn bám đuổi, bằng sự cố gắng, hoặc nhờ sự may mắn. Ấy nhưng họ vẫn biết thông cảm, yêu thương người nghèo khổ.

Truyện “Điểm tựa đau thương” kể về Hân, một giám đốc làm ăn rất phát đạt, tiền nhiều có đủ để mua cả dãy phố, nhưng cách ăn mặc và chi tiêu lại quá dè xẻn, kẹt xỉ. Hàng ngày cơm quán, hai mươi lăm ngàn đồng một suất. Vận áo quần hàng chợ. Cái tính cách ấy làm cho người khác khó chịu và dò hỏi, giàu mà tằn tiện thế, tiền để làm gì? Đến khi phát hiện, kiếm nhiều tiền để Hân đi làm từ thiện. Hân giúp những người nghèo khó, hoạn nạn, mà giúp với số tiền lớn thì quả thật bất ngờ.

“Cái giống doanh nhân nhiều người đi lên từ nghèo khó, quan trọng để đạt đến doanh nhân, người ta cũng chán vạn thứ học rồi. Mà trong muôn vàn thứ học thì học từ sách là đa phần đấy. Nên chẳng ai đơn giản đâu, không khôn lõi đời thì cũng rất sâu sắc...”.

Truyện “Hai thế giới” lại kể về người mẹ nghèo, nhà bên mom sông. Ngôi nhà đất xiêu vẹo. “Nhà có một bà già, một con lợn và dăm con gà”. Chồng chết sớm, vì bệnh. Cậu con trai cũng lâm bệnh, chết trẻ. Nhà chỉ còn hai mẹ con. Cái Hĩn, con gái bà, không chịu sống cảnh bần hàn, bỏ nhà lên thành phố kiếm ăn.

Cơ may, cô gặp người nước ngoài, thành vợ chồng, rồi kéo nhau về xứ trời Tây sinh sống. Bỏ lại mẹ già lọ mọ một mình trong túp lều ven sông. Thương mẹ, hàng năm cô gửi tiền về cho mẹ. Những mớ tiền ngoại tệ, bà không dám ăn tiêu, không dám lát cái sân đất, không dám sửa lại cái chái nhà dột. Bà cuốn tròn những đồng ngoại tệ vào ống nứa, giấu vào hốc tường để chờ ngày con trở về, đưa lại cho con phòng thân khi xa xứ.

“Mẹ không dùng đến đâu. mẹ chỉ thèm con trở về với mẹ thôi”. Nỗi nhớ thương bà dành cho cô con gái duy nhất “Cái Hĩn không về, để bà ôm trong lòng, không về, để bà nấu canh cua cho nó. Hĩn ơi, cởi áo mẹ giặt cho. Hĩn ơi, ăn gì để mẹ ra chợ mua. Hĩn ơi, thương con và nhớ con...”.

Những nhân vật trong truyện của Bảo Thương hầu hết là những số phận thiệt thòi, không may mắn. Cô giáo Phương trong “Hai bến nước” chấp nhận trả giá cho tình yêu đầu đời. Từ một cô gái trẻ đẹp của một làng quê khá giả, nhiều tập tục hà khắc, vì yêu và trót có thai với một người bạn trai cùng trường sư phạm, để rồi cô phải bỏ trường, bỏ làng, bỏ bố mẹ phiêu dạt lên miền núi xa xăm.

Một cô giáo trẻ đẹp, có học hành, đành lấy người đàn ông Mông quanh năm u mê cùng nương rẫy. Cô biến thành người đàn bà Mông, đẻ ra một đàn con nheo nhóc trên núi cao. Cô không oán hận, mà chỉ thoáng bùi ngùi, nuối tiếc.

“Đến bao giờ, Phương mới có thể vượt ngọn núi, dòng sông, cánh đồng, ngả đường xa lắc, cùng khoảng lòng cách ngăn vời vợi của sự tự ti mặc cảm”. Để về thăm lại “Cái giếng thơi đầu làng. Mảnh sân đình ngày gặt. con cá rô ngoi mùa nước nổi. Và anh. Khi mà Phương đã là người phụ nữ Mông với váy hoa xòe thổ cẩm, năm mặt con, cùng con ngựa thồ xuống chợ...”.

Những người nghèo khó, nhưng họ lại có tấm lòng cao đẹp. Cũng vì nghèo khó, dẫn họ tới u mê tội nghiệp. Truyện ngắn “Cu Sơn” thấm đẫm một bi kịch. Cu Sơn bỏ mẹ, bỏ làng vào thành phố kiếm sống. Nó thương mẹ nó, gửi thư về thăm mẹ đều đặn. Cả trăm lá thư.

Mỗi lần nhận được thư của thằng cu Sơn, bà mẹ òa lên niềm vui khôn tả. Bà muốn gặp gỡ người làng, để khoe, để chia sẻ “Thằng Sơn viết thư về hôm qua, nó bảo, nó nhớ mẹ lắm. Cứ nhìn nét chữ của nó là biết nó nhớ rồi. Nét chữ quắn quện vào nhau, là muốn bảo nhớ mẹ quá đấy thôi”. Dẫu cuộc sống nghèo khó, mẹ không thấy khổ, không cô đơn. “Có một mình mà như ba mình ấy chớ. Con chó này, con gà này, con lợn này. Ngoài bờ sông còn con chim cu gáy nữa”.

Niềm vui của bà sau giờ phút lao động, là giở cả trăm lá thư của thằng con gửi về, để “rờ rờ từng con chữ, hít hà mùi thơm của giấy mực. Nét chữ quen thuộc đến nỗi, có lẫn trong triệu tỉ con chữ khác bà vẫn nhận ra”. Rồi bà mường tượng thằng cu Sơn con bà đã lấy vợ, đẻ con. Nó làm ăn tấn tới. Nó tậu nhà, tậu xe. Nó vẫn băn khoăn chưa về xây lại ngôi mộ bố lở lói ven sông. Công việc nó đang bận lắm.

Cái kết, vì muốn đổi đời, cu Sơn đã làm liều, phạm pháp. Nó bị can án, trong tù, viết thư về lạỵ mẹ. “Đời này, kiếp này con không trả được hết nợ cho mẹ. Xin mẹ hãy tha lỗi cho con...”. Người mẹ không biết bi kịch của thằng con. Bà đâu có biết chữ mà đọc thư. Câu chuyện kết thúc, đắng đót.

Truyện của Bảo Thương hay nói về cái chết. Ở truyện “Điểm tựa thương đau”, bà mẹ chết đói, bố chết trong tù. Truyện “Mênh mang cuộc đời”, người chị dâu chết vì thất vọng. Đời sống buồn tẻ, tủn mủn, không khát vọng đã bóp chết sự sống của chị. “Cu Sơn” chết vì phạm pháp, bởi khát vọng đổi đời. Mẹ “Thằng Thon” chết vì lũ cuốn.

Bà mẹ trong “Hai thế giới” chết héo hon trong sự chờ đợi con gái lấy chồng xa chưa về. Còn truyện “Lặng lẽ làng quê”, ông bố lúc nào cũng tuyên bố “Thế là bố đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, cái sự tốt lành chung chung, giáo điều, máy móc cũng tạo ra cái chết dần chết mòn cho bao người. Hình ảnh cô giáo Phương ở truyện “Đàn bà hai bến nước”, cũng là sự sống dở chết dở.

Truyện “Ngọn lửa ấm đời mẹ” là sự chết dần chết mòn của bà mẹ chờ đợi đàn con đi chiến đấu trở về. Viết về cái chết, nhưng truyện của Bảo Thương không bi lụy. Nó lay thức người đọc, rằng cuộc sống có muôn vàn khó khăn, như chiến tranh, thiên nhiên khắc nghiệt, sự cọ sát của đồng tiền... dẫu khắc nghiệt mấy, nhưng con người vẫn tồn tại, biết vươn tới, khi có tình thương yêu đồng loại. Tập truyện “Thương trên bến đợi” như muốn hướng người đọc tới chủ đề đó.

Chín truyện ngắn trong “Thương trên bến đợi” là chín cảnh đời quen thuộc. Hầu hết trong bối cảnh làng quê nghèo khó, nhưng đáng yêu. Ngoài vẻ đẹp của thiên nhiên, dòng sông, mái nhà, hoa trái, là những tấm lòng thơm thảo của con người lao động lam làm, biết đùm bọc, thương yêu nhau. Bút pháp trong “Điểm tựa đau thương” già dặn. Sự thắt nút, mở nút trong truyện, tạo sự hồi hộp và mê dụ người đọc. Cái kết bất ngờ của truyện “Cu Son” gây cho người đọc sự sững sờ.

Cách kể chuyện chân tình trong “Hai thế giới” gợi nỗi buồn mênh mang. Tình huống mơ hồ, phi lý trong “Mênh mang cuộc đời” gợi nỗi buồn xao xác. Truyện của Bảo Thương thường gợi buồn. Nhưng nỗi buồn đẹp, ám ảnh và trong trẻo. Nó thức tỉnh sự hướng thiện ở con người.

Dẫn giải truyện “Làng quê lặng lẽ” và “Ngọn lửa ấm đời mẹ” như chưa theo kịp ý tưởng của người viết. Tập truyện giàu chất nhân văn, đẹp, dễ đọc. Nhưng đôi khi lại có chỗ vụng. Ví dụ, tác giả viết “Mẹ chết xong” (trang 25), nhẽ ra nên viết “Sau ngày mẹ chết”...

“Thương trên bến đợi” là tập truyện thứ hai của Bảo Thương, sau tập truyện “Giày đỏ rơi...và bay” xuất bản năm 2016. Truyện ngắn “Tiếng hát lau sậy” của Bảo Thương được chọn trong 10 truyện ngắn hay năm 2017, của tuần báo Văn Nghệ, gây nhiều thiện cảm với người đọc. Bảo Thương là một tác giả trẻ được bạn đọc chờ đợi.

Tháng 4-2018
Vũ Từ Trang

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/am-anh-phan-nguoi-488414/