Ám ảnh hình thức - Một vấn nạn học đường

Cô gái trẻ người Anh Izzy Harris cho biết tâm lý ám ảnh hình thức đã đeo bám cô từ nhỏ. Khi ở trường tiểu học, Harris nhổ gần trụi hai hàng lông mày của mình khi nghe bình phẩm rằng chúng quá dày. Năm lên chín tuổi, cô đã cạo sạch lông chân lông tay khi bị chê là quá nhiều lông ở lớp học ballet. Đến tuổi dậy thì, cô đã bôi đủ loại kem trị mụn cho đến khi làn da bỏng rát vì đau đớn.

“Tôi đã dành gần hết tuổi thơ và tuổi dậy thì của mình để tìm cách thay đổi, chỉnh sửa hình thức bề ngoài”, Harris cho biết. “Bởi vậy, khi tôi bắt đầu so sánh cân nặng và chiều cao của mình với những bạn gái khác trong trường, tôi cảm thấy không hài lòng về bản thân một chút nào”.

Harris cao hơn các bạn gái cùng độ tuổi. Bởi vậy, vòng bụng và vòng đùi của cô cũng lớn hơn. Nhưng cô gái trẻ cho rằng mình quá béo và làm đủ mọi cách để giảm cân.

“Năm lên 15 tuổi, tôi bắt đầu ăn kiêng. Tôi tập gym hùng hục, và đếm từng calorie năng lượng dung nạp vào cơ thể”, Harris kể lại. “Khẩu phần ăn của tôi ngày một bé đi, và tôi bắt đầu loại bỏ một số loại thực phẩm ra khỏi chế độ ăn của mình: ban đầu là thức ăn nhanh, sau đó là bánh mì, đường, sữa và cuối cùng thì thứ duy nhất tôi cho phép mình ăn là vài mẩu rau và hoa quả”.

Bất chấp những lời cầu xin của người thân trong gia đình, Harris tiếp tục duy trì chế độ ăn của mình cho tới khi cô mất một nửa trọng lượng cơ thể. Những móng tay của Harris ngả sang màu xanh, tóc rụng hàng loạt và hàm răng thì bị sâu nặng. Các bác sĩ chẩn đoán Harris đã mắc chứng chán ăn tâm thần và ăn ói - hai chứng rối loạn ăn uống phổ biến nhất và là một hệ quả trực tiếp của bệnh ám ảnh hình thức.

Ám ảnh hình thức là một trong những vấn đề nổi cộm trong học đường hiện nay và xảy ra chủ yếu ở nữ sinh. Một nghiên cứu theo phương thức phỏng vấn được tiến hành năm 2017 trên 5.165 nữ sinh tuổi từ 10 đến 17 tại 14 quốc gia cho thấy trên toàn thế giới, chỉ có 46% nữ sinh là cảm thấy thoải mái về hình thức của mình. Tại Anh, tỉ lệ này chỉ đạt 39%. Đặc biệt, hai nước châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản, con số này còn thấp hơn.

Theo kết quả khảo sát, cứ 10 nữ sinh thiếu tự tin về hình thức của mình thì có tới 7 em bỏ ăn hoặc có những biện pháp giảm cân không tốt cho sức khỏe và có tới 8 em tránh gặp mặt gia đình, bạn bè hoặc tham gia vào các hội nhóm, câu lạc bộ. Hơn 50% số nữ sinh mắc chứng ám ảnh hình thức cũng tự tin, thiếu quyết đoán trong các lĩnh vực khác của cuộc sống.

Giáo sư Phillippa Diedrichs thuộc Trung tâm Nghiên cứu Ngoại hình của Đại học Tây England cho biết: “Kết quả này cho thấy bệnh ám ảnh hình thức đang là một vấn đề nổi cộm đối với nữ sinh trên toàn thế giới”.

Báo cáo kết luận rằng, căn bệnh ám ảnh hình thức đang để lại những ảnh hưởng lâu dài tới chất lượng cuộc sống của các nữ sinh. Các nữ sinh bị ám ảnh hình thức thường xuyên chịu áp lực tâm lý, trốn tránh các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống và không phát huy hết tiềm năng của mình.

Không chỉ ảnh hưởng tới các nữ sinh ở các cấp học lớn, bệnh ám ảnh hình thức còn ảnh hưởng tới cả nam sinh và đặc biệt là trên cả những em học sinh mới đang cấp tiểu học… Một nghiên cứu mới đây do Đại học Melbourne, Australia tiến hành trên 1.100 nam sinh và nữ sinh tuổi từ 8 đến 9 cho thấy có tới một phần ba học sinh không hài lòng với ngoại hình của mình, trong đó, tỉ lệ không hài lòng ở các nữ sinh cao hơn ở nam sinh.

Bệnh ám ảnh hình thức ở trẻ em được cho là chịu tác động mạnh mẽ từ những áp lực về văn hóa, xã hội mà các em phải đối mặt hàng ngày. Một khảo sát mới đây được tiến hành tại Mỹ cho thấy có tới 94% nữ sinh và 64% nam sinh ở nước này đã từng bị chế nhạo về hình thức. Điều đáng chú ý là phần lớn những lời bình phẩm này lại đến từ những người thân thiết như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, đặc biệt là người mẹ.

Bác sĩ Alexis Conason - một chuyên gia về bệnh ám ảnh hình thức ở thành New York cho biết, những thông điệp có tính bình phẩm về hình thức của người khác có thể được đưa ra công khai hay ngấm ngầm. Tại trường học, một học sinh nặng cân có thể bị giễu cợt khi mua đồ ăn vặt. Tại nhà, cha mẹ có thể đưa ra những lời bình phẩm vô tình như “Con sẽ rất xinh nếu con gầy hơn một chút”.

Theo Giáo sư tâm lý học Anna Bardone-Cone thuộc Đại học Bắc Carolina, trường học đang tạo ra môi trường thuận lợi cho bệnh ám ảnh hình thức ở nữ sinh. “Tại trường học, các nữ sinh ngày ngày tiếp xúc với nhau và thường xuyên so bì hình thức”. Rất nhiều trường học thiết kế đồng phục hàng ngày và đồng phục thể thao ôm sát cơ thể, khiến các nữ sinh vốn thiếu tự tin về hình thức của mình càng mất tự tin hơn khi khoác lên những bộ đồng phục này.

Áp lực về hình thức không chỉ dừng lại trong gia đình và nhà trường. Giáo sư Bardone-Cone cho rằng mạng xã hội đang đóng vai trò lớn trong việc làm tăng tâm lý ám ảnh hình thức ở nữ sinh. Tương tự như trong nhà trường, mạng xã hội tạo điều kiện cho các nữ sinh dễ dàng so bì hình thức. Tồi tệ hơn, mạng xã hội còn góp phần tạo ra những quan niệm hình thức lệch lạc, phi thực tế nhờ những công cụ chỉnh sửa ảnh.

“Xã hội của chúng ta vẫn cho rằng đùa cợt về cân nặng của người khác là chấp nhận được, bởi vậy việc chế nhạo hình thể người khác vẫn đang diễn ra ngang nhiên hàng ngày”, giáo sư tâm lý học Ramani Durvasula thuộc Đại học Bang California cho biết. Những lời bình phẩm, chế nhạo tạo tiền đề cho trẻ em mắc ám ảnh hình thức từ khi còn nhỏ tuổi, và phát triển thành những vấn đề sức khỏe tâm thần như biếng ăn, lo âu và trầm cảm khi lớn lên.

“Về mặt lâm sàng, việc điều trị cho những bệnh nhân mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần do bệnh ám ảnh hình thức là rất khó khăn, và càng khó hơn khi thực tế này vẫn đang diễn ra trong xã hội”, Giáo sư Durvasula nhận định.

Bên cạnh chứng biếng ăn, một số vấn đề về sức khỏe tâm thần như rối loạn lo âu và trầm cảm cũng có thể phát sinh từ bệnh ám ảnh hình thức. Một số triệu chứng cho thấy ám ảnh hình thức đã tiến triển thành một vấn đề sức khỏe tâm thần cần được điều trị là khi các nữ sinh tự cô lập bản thân với bạn bè hoặc lảng tránh bữa ăn trong gia đình.

Bác sĩ Kendra Becker thuộc Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Hoa Kỳ cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ chú ý phát hiện những thay đổi đột ngột, cực đoan trong khẩu vị của con mình. “Nếu con bạn trốn tránh bữa ăn, nói nhiều đến vấn đề cân nặng hoặc bắt đầu mặc những loại quần áo lùng thùng, có thể chúng đang mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần phát sinh từ ám ảnh hình thức”, bác sĩ Becker cho biết.

Nghiên cứu của Đại học Melbourne chỉ ra có mối liên hệ nhất định giữa nồng độ hormone trong cơ thể với bệnh ám ảnh hình thức ở các em học sinh ở độ tuổi tiểu học. Từ kết quả nghiên cứu này, bác sĩ Libby Hughes - trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng do trẻ em đang dậy thì sớm hơn, các chương trình giáo dục về sự tự tôn và lối sống lành mạnh cần được đưa vào trường học ngay từ cấp tiểu học. “Cần phải có những chương trình giáo dục trong cộng đồng và trong nhà trường để dạy học sinh về lòng tự tôn, bởi tự tôn không chỉ nằm ở hình thức bề ngoài”, bác sĩ Hughes nói.

Trở lại câu chuyện của Izzy Harris. Dù các bác sĩ đã chẩn đoán Harris bị mắc chứng chán ăn tâm lý và ăn ói, nhưng cô không chịu chấp nhận thực tế này cho đến một ngày cô không còn có thể nhận ra mình khi soi gương. “Cô gái trong gương có những móng tay màu xanh tái, và những cục xương nhô ra trên khắp cơ thể. Cô ấy có những mảng hói trên đầu, da thì xanh tái còn bộ răng thì sâu nham nhở”, Harris miêu tả hình ảnh cô nhìn thấy. “Cô gái trong gương không khỏe chút nào, và tôi không thích hình thức của cô ấy”.

Harris cũng nhận ra kết quả học tập của mình đã sa sút do không thể tập trung ở lớp. Bạn bè cũng dần xa lánh khi không ai có thể thuyết phục được cô quay lại với chế độ ăn uống lành mạnh. “Tôi nhận thấy rằng tôi không còn kiểm soát được cơ thể mình nữa, mà chứng bệnh rối loạn ăn uống đang kiểm soát”. May mắn hơn nhiều bệnh nhân khác, Harris đã tìm tới sự giúp đỡ của bác sĩ khi chưa quá muộn. Cô bắt đầu tập ăn lại ba bữa mỗi ngày, xóa phần mềm theo dõi cân nặng khỏi điện thoại và không còn soi gương quá thường xuyên. Sau 5 năm được chẩn đoán mắc chứng chán ăn tâm lý và ăn ói, giờ đây Harris vẫn đang từng ngày hồi phục. Cô gái đã tăng cân, tóc mọc trở lại và làn da đã trở nên hồng hào.

“Càng từ bỏ những thói quen ăn uống không lành mạnh, tôi lại càng tìm lại được niềm vui trong cuộc sống bên gia đình, bạn bè và tại trường học”, Harris cho biết. “Tôi đang cố đánh đuổi bệnh chán ăn tâm lý cho tới khi nó chỉ còn là cơn gió thoảng bên tai”.

Thiết kế: Mẫn San

Phạm Trấn Hoàng Sa

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/special-today/am-anh-hinh-thuc-mot-van-nan-hoc-duong-130657.html