Ám ảnh giải tỏa

Thực tế đang diễn ra cho thấy nỗi ám ảnh ấy là có thật đi kèm với nhiều câu chuyện đắng lòng phía sau. Biết bao gia đình vì tự nguyện chấp hành quyết định thu hồi hay bị cưỡng chế giải tỏa nhà đất để triển khai thực hiện dự án đều có chung một kết cục giống nhau.

Cuộc sống đang ổn định bị xáo trộn, thậm chí đảo lộn mọi thứ. Công ăn việc làm, chuyện học hành của con cái bị ảnh hưởng… Và, rất nhiều gia đình sau giải tỏa nhà đất lâm vào tình trạng bi đát, cùng cực...

Đừng vội vàng quy kết các dự án là thủ phạm. Ở bất kỳ quốc gia nào, dù văn minh tiên tiến hay không, câu chuyện phát triển luôn tỷ lệ thuận với việc triển khai các dự án. Muốn đất nước phát triển hùng mạnh, không thể không thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Giải phóng mặt bằng là việc không thể tránh khỏi nhưng vấn đề là vì sao ở nơi này người dân hồ hởi bàn giao nhà đất làm dự án, trong khi ở nơi khác lại săm soi nhà đất của mình nằm trong ranh hay ngoài ranh quy hoạch giải tỏa.

Câu trả lời hết sức đơn giản là những nơi nào, một khi người dân còn quan tâm đến chuyện trong ranh, ngoài ranh, dứt khoát những dự án triển khai ở nơi ấy “có vấn đề”. Nói thẳng thừng ra là có nhiều sai phạm, thậm chí sai phạm rất nghiêm trọng trong quá trình triển khai thực hiện. Vì lẽ đó mà mỗi khi cơ quan thanh tra vào cuộc, sai phạm lại lộ ra. Từ áp giá đền bù quá thấp, người dân không đủ khả năng tìm nơi ở mới cho đến việc thực hiện thu hồi nhà đất không đúng quy định; chưa có nơi bố trí tái định cư đã thu hồi nhà đất, đẩy người dân vào các khu tạm cư không đảm bảo điều kiện sinh hoạt mà câu chuyện buồn ở Thủ Thiêm hay dự án khu công nghệ cao là những ví dụ đau xót. Và một khi dự án đã có sai phạm, tiến độ thực hiện thường kéo dài do vướng khiếu kiện, dẫn đến kinh phí đầu tư đội lên theo cấp số nhân.

Việt Nam đang trên đà phát triển. Trong tương lai, chúng ta sẽ còn phải thực hiện nhiều đại dự án có quy mô giải tỏa nhà đất rất lớn. Muốn quốc gia hưng thịnh, không còn cách nào khác là phải kiên quyết xử lý sai phạm và giải quyết thỏa đáng quyền lợi chính đáng của người dân để khôi phục niềm tin đang bị giảm sút. Và, bên cạnh công tác xử lý cán bộ, ngay từ bây giờ, cần có các chính sách quản lý chặt chẽ nhằm ngăn ngừa sai phạm, tiêu cực, nhóm lợi ích thao túng dự án. Chỉ đến khi nào, chuyện “trong ranh, ngoài ranh” các dự án không còn là mối bận tâm của người dân thì đến lúc ấy, đất nước mới thật sự có cơ hội sánh vai cùng các cường quốc bởi suy cho cùng dân giàu thì nước mới mạnh.

H.T

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/am-anh-giai-toa-1448230.tpo