Ám ảnh ánh mắt trẻ thơ miền sơn cước

Nhiều năm theo nghề viết, những vùng sơn cước nơi tôi đi qua, ám ảnh nhất vẫn là khuôn mặt, ánh mắt của những đứa trẻ lam lũ...

Những đứa trẻ còn bé tẹo đã tự ở nhà trông em cho bố mẹ đi làm nương ở xã Trung Lý. Ảnh: Hạnh Mai

Những đứa trẻ còn bé tẹo đã tự ở nhà trông em cho bố mẹ đi làm nương ở xã Trung Lý. Ảnh: Hạnh Mai

Cha “đốt” đời con trong nõ điếu

Chuyến đi khiến tôi nhớ nhất vào mùa đông năm 2008 khi về huyện Mường Lát - vùng núi phía Tây Bắc của tỉnh Thanh Hóa trong cái lạnh cắt da thịt. Điểm đầu tiên chúng tôi đến là bản Khằm cũng heo hút và khúc khuỷu như chính tên gọi của nó. Cách trung tâm huyện Mường Lát hơn 30km đường đất hiểm trở, bản Khằm hiện ra trước mắt với những ngôi nhà thấp lè tè, làm bằng tranh ne nứa lá nằm chênh vênh trên các sườn núi. Những đứa trẻ ở đây nhớn nhác như chưa bao giờ nhìn người lạ. Nhóm thì nhốn nháo chạy co vào một góc với ánh mắt dò xét. Nhóm mạnh dạn chạy ra sờ vào áo, sờ túi của chúng tôi với ánh mắt thèm thuồng. Lòng chợt thấy đau quặn.

Theo thông tin UBND huyện Mường Lát khi đó cung cấp thì năm 2006, đây là bản có số người nghiện ma túy nhiều nhất huyện. Cả bản có 56 hộ và 396 nhân khẩu nhưng có tới 30 người mắc nghiện có thâm niên, tập trung ở độ tuổi lao động. Nhiều trai bản và bố của những đứa trẻ như thế này đã bị “con ma túy kéo đi không trở lại”.

Ông Triệu Văn Lai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, Huyện ủy Mường Lát dẫn chúng tôi đến nhà của Sùng Văn Khả. Ngôi nhà sập sệ, tồi tàn chẳng khác nào một túp lều chăn vịt lâu ngày bị bỏ quên. Giàng A Dia, Công an viên của xã Trung Lý lớn tiếng gọi từ ngoài ngõ nhưng khi vào đến sân, Khả vẫn chẳng buồn dậy. Ngay khi chúng tôi bước vào bậu cửa, một thứ mùi tanh nồng sộc lên. Khả nằm trên gường ghép bằng cây rừng với chiếc chăn rách tả tơi. Khả rệu rạo đứng dậy rồi xoay người dựa vào cái cột nhà nơi góc gường, ho sù sụ, thều thào: “Chào… cán… bộ”.

Con anh Vàng A Dia đang giúp bà rửa bát.

Bốn đứa con nhà Khả, đứa lớn nhất lên 8 tuổi, đứa nhỏ mới biết bò thấy nhà có khách cứ đứng ngây ra nhìn. Bốn đứa con trong cái lạnh cắt da thịt chỉ có đứa lớn và đứa nhỏ mặc áo, hai đứa còn lại thì ở trần. Thấy con cứ dán mắt nhìn khách, Khả quắc mắt chỉ tay về phía chúng, quát: “Cút!”. Đám trẻ sợ bố, theo anh lớn chạy vào góc tối nhất của ngôi nhà nhưng những ánh mắt vẫn không rời khỏi khách.

Công an viên Vàng A Dia nói với Khả: “Mày có tội với chúng nó đấy. Mày lấy hết tiền mua quần áo của chúng mua thuốc phiện để chúng rét kia kìa. Cố mà sống để làm ông bố tốt đi”. Đầu Khả gật gật ra chừng hối lỗi, nhưng nhìn cảnh Khả chỉ còn da bọc xương mà cơn thèm thuốc vẫn không dừng lại thì không biết đến bao giờ vợ con Khả mới bớt khổ.

Rời nhà Sùng Văn Khả, chúng tôi đến nhà Vàng A Sênh cách đó không xa. Theo lời kể của công an viên Vàng A Dia thì Sênh là một siêu trộm, bởi cứ sểnh ra cái gì là Sênh lấy trộm bán mua thuốc hút. Vợ Sênh đã qua đời. Ba đứa con nhỏ Sênh phó mặc cho mẹ mình nuôi.

Vừa tiếp chuyện chúng tôi, bà Thào Thị Va (80 tuổi, mẹ Vàng A Sênh) vừa chọn những ngọn rau sắn non chuẩn bị cho bữa tối, thỉnh thoảng lại phải tất bật chạy xuống bếp chất củi cho nồi sắn. Bà Va nói: “Tôi nấu bữa tối cho bố con nó đấy. Yếu lắm rồi, tôi chỉ lo được thế thôi. Chờ sắn luộc chín, giã ra cho thêm ít nước nguấy đều lên là ăn được. Nhà có ít lúa sếp lên gác bếp ăn dần nhưng nó mang đổi lấy thuốc hút hết rồi”.

Hai đứa con nhà anh Khả (xã Trung Lý, Mường Lát) ở trần và hai đứa trẻ con hàng xóm chỉ vận trên người một manh áo trong cái lạnh thấu xương.

Tôi đến góc nhà, nơi 3 đứa trẻ đang ngồi sếp mấy loại quả rừng hỏi đứa lớn nhất: “Cháu học lớp mấy?”. Khi đứa trẻ ngơ ngác không biết trả lời thế nào, bà Va chen lời: “Nó không biết tiếng Kinh đâu. Hôm trước cô giáo có đến nhà bảo cho nó đi học, quá 2 tuổi rồi. Nhưng tôi chỉ lo ăn thôi, cho nó đi học ai trông em, chăm bố nó?”. Nhìn thằng bé 8 tuổi gầy còm trông 2 đứa em nhem nhuốc khiến cổ họng tôi nghẹn đắng. Tương lai 3 đứa trẻ sẽ ra sao khi bà chúng rồi cũng đến ngày về nơi khuất núi?

Ở bản Khằm, còn nhiều những mảnh đời trở nên thân tàn ma dại vì cơn lốc ma túy kéo theo đó là những thiệt thòi của trẻ nhỏ. Điều ám ảnh chúng tôi là thể trạng và đôi mắt mệt mỏi của bà cụ 80 tuổi Thào Thị Va, ánh mắt ngây thơ hồn nhiên trong thiếu thốn của trẻ nhỏ.

Những lý do không đến trường như cứa vào lòng

Em Lò Văn Minh (con anh Lò Văn Mát) xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên nghỉ học ở nhà trông em

Mới đây, năm 2018 chúng tôi đến huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái). Thông tin từ Phòng Giáo dục huyện này, do 15/24 xã của huyện thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, trình độ dân trí, đời sống còn nhiều khó khăn nên chưa quan tâm đến việc học tập của con em. Năm nào ở huyện tỉ lệ học sinh bỏ học nửa chừng cũng ở mức cao.

Dù các thầy cô giáo tích cực vận động bà con cho con em đến trường nhưng rất khó đả thông bởi một phần trong số đó là theo cha mẹ đi làm ăn xa, còn lại phần lớn là do "không thích đi học”. Thậm chí, các thầy cô giáo ngoài giờ lên lớp đã chia nhau đến từng gia đình học sinh để vận động đi học lại nhưng không có kết quả tốt. Sau Tết Nguyên đán năm học 2017 - 2018, ở huyện Lục Yên có tới 40 học sinh, chủ yếu là học sinh THCS nghỉ học dài ngày không lý do. Chưa kể nhiều em khác cũng có nguy cơ bỏ học cao.

Chúng tôi tìm đến một số hộ gia đình có con em bỏ học giữa chừng nhưng thật chua xót khi nghe những lý do như cứa vào lòng. Nhà đầu tiên là gia đình anh Lò Văn Mát (ở xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên), có 4 đứa con (đứa lớn 8 tuổi, 3 đứa sau lật lượt 6, 5, 3 tuổi) đã kéo nhau đi lấy nước, hái rau, kiếm củi cho bố mẹ. Làm vất vả là vậy nhưng bữa cơm của gia đình anh Mát chỉ có rau rừng trong căn nhà lụp xụp. Mỗi miếng cơm, bọn trẻ chỉ lấy thìa quẹt một chút muối ớt rồi ăn một cách ngon lành.

Em Lò Văn Minh (8 tuổi, con anh Mát) rụt rè nói: “Cháu biết lấy củi, lấy nước, chăm em, nấu cơm lâu lắm rồi. Hôm nào đi học thì dẫn em Tính (6 tuổi, con thứ hai nhà anh Mát) cùng đi. Hai đứa nhỏ (đứa 5 tuổi, đứa 3 tuổi) ở nhà tự chăm nhau để bố mẹ đi làm nương. Hôm nào cháu ở nhà thì dẫn các em đi làm cùng. Nhưng bây giờ cháu không đi học nữa. Đói bụng lắm, ở nhà làm việc thôi”.

Những đứa trẻ ở xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên đi bộ đến trường.

Anh Lò Văn Mát thật thà: “Ở đây đứa trẻ nào chả thế, không giúp bố mẹ lấy gì mà ăn. Đi học mất việc lắm, ở nhà trông em, làm việc thôi”.

Không chỉ con nhà anh Mát mà nhiều đứa trẻ khác cũng trong cảnh thiệt thòi. Tóc cháy vàng, nước mũi chảy ròng ròng, những đứa trẻ phong phanh trong cái rét cứa da cứa thịt của rừng núi. Bố mẹ bận lên nương rẫy nên bọn trẻ tự chăm nhau. Nhiều đứa là con lớn trong nhà cũng chỉ chừng 8-9 tuổi đã đi hái đót làm chổi bán, cũng có đứa vừa trông em vừa giặt đồ trên suối, bàn tay tím ngắt vì làn nước buốt lạnh.

Bữa cơm chỉ có rau rừng không diễn ra ở mình nhà anh Mát mà đó là hoàn cảnh chung ở vùng sơn cước này. Với các em nhỏ, chúng đã quá quen với sự thiếu thốn. Chúng không bao giờ biết đòi hỏi và cũng không có cơ hội để đòi hỏi bởi ở chốn này, hạnh phúc không được đo bằng vật chất.

Tiếp theo, chúng tôi đến nhà chị Lò Thị Mẩy. Nhà chẳng có ai, chỉ có bé gái đang nằm vắt vẻo trên tảng đá bên ngoài ngủ một cách ngon lành. Thấy có động, cô bé mở choàng mắt, dụi dụi rồi ngơ ngác. Mái (7 tuổi, con gái chị Mẩy) lấy chiếc ghế con mời chúng tôi ngồi, còn em đứng tiếp chuyện. “Năm nay Mái bao nhiêu tuổi?”. Mái ngơ ngác nhìn sang anh bạn dẫn đường như muốn nhờ dịch hộ vì em không biết tiếng Kinh. Mái rụt rè trả lời: “7 tuổi rồi” (nói tiếng Mông). “Sao em không đến trường đi học?”. “Mẹ không cho đi nữa. Hôm nay đang ốm nên được nghỉ ở nhà nấu cơm, không phải đi kiếm rau, hái măng đấy”.

Nói chuyện với chúng tôi, Mái run lên từng đợt vì đang ốm và cũng vì cái lạnh thấu xương. Câu chuyện diễn ra trong chốc lát, cô bé vội chạy ra sân nhíu mày nhìn về phía mặt trời. Hình như đã đến giờ em phải nấu cơm.

Dù đã đi nhiều nơi, gặp gỡ những nhiều người, nhưng trong cuộc đời làm báo của tôi, những ánh mắt trẻ thơ nơi vùng cao luôn ám ảnh, gợi rất nhiều điều về một cuộc sống gian nan, vất vả. Đằng sau ánh mắt đó là những mong ước có được một tuổi thơ trọn vẹn, là những ước mơ về một cuộc sống đủ đầy...

Theo ông Hà Văn Duyệt, Bí thư Huyện ủy Mường Lát khi đó thì, bản Khằm được thành lập năm 1999 do một số lượng lớn người Mông di cư ở khu vực phía Bắc về. Bốn năm đầu, dân bản sống rất thuần túy, sau đó thì tình hình an ninh trật tự rất phức tạp, nhất là về ma túy. Nguyên nhân chủ yếu là do bản ở gần xã Phù Nhi, trước kia là vực thuốc phiện của khu vực miền Tây tỉnh Thanh Hóa và do xã nằm trên con đường độc đạo từ Mường Lát về Thanh Hóa. Đây cũng là con đường huyết mạch để vận chuyển ma túy từ Luông Pha Băng qua Luông Nậm Phà của nước Lào về. Dân trí ở đây vẫn thấp, họ thường bị bọn buôn ma túy dạy dùng thuốc rồi trói buộc họ. Vì vậy, không biết bao nhiêu đứa trẻ nơi này đã bị bố bỏ mặc tuổi thơ, đốt đời con trong nõ điếu.

Hạnh Mai

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/am-anh-anh-mat-tre-tho-mien-son-cuoc-20190619123917876.htm