Alphabet không chỉ có Google: Tập đoàn 'siêu to khổng lồ' đang sở hữu hàng chục công ty lớn bé khác nhau

Google tái cấu trúc thành Alphabet năm 2015 nhưng không phải ai cũng biết tới Alphabet. Phần lớn người dùng thông thường đều chỉ quen thuộc với cái tên Google.

Đã 4 năm từ ngày Google tái cấu trúc, hình thành công ty mẹ mới mang tên Alphabet. Quyết định muốn hỗ trợ tất cả bộ phận kinh doanh hiệu quả hơn. Đây là kế hoạch mà cựu CEO Larry Page đã ấp ủ nhiều năm với tư cách dự án bí mật “Javelin”. Nó cũng cho phép ông lui khỏi công việc điều hành thường nhật để “tập trung cho bức tranh lớn hơn”.

Hiện tại, Alphabet là công ty khổng lồ, kinh doanh mọi thứ từ khí cầu Internet, xe tự lái tới đám mây. Hôm 4/12, hai nhà sáng lập Larry Page và Sergey Brin gây bất ngờ khi tuyên bố từ chức Tổng Giám đốc và Chủ tịch Alphabet, giao lại trọng trách cho CEO Google Sundar Pichai. Dù vậy, cả hai vẫn là thành viên Ban giám đốc và nắm giữ cổ phiếu có quyền biểu quyết.

Dưới đây là tất cả công ty và bộ phận dưới trướng Alphabet:

Google tái cơ cấu trở thành Alphabet năm 2015 với hi vọng giúp mọi bộ phận hoạt động độc lập, hiệu quả. Đồng sáng lập Larry Page trở thành CEO Alphabet.

Google tái cơ cấu trở thành Alphabet năm 2015 với hi vọng giúp mọi bộ phận hoạt động độc lập, hiệu quả. Đồng sáng lập Larry Page trở thành CEO Alphabet.

Alphabet chia làm hai đơn vị chính: Google và Other Bets. Other Bets nổi tiếng nhất với bộ phận nghiên cứu và phát triển X (hay X Lab). Tuy nhiên, nó cũng chứa vài công ty khác. Hãy bắt đầu từ Other Bets.

Bộ phận Access bao gồm Google Fiber, ra mắt tại Kansas City năm 2012 và mở rộng ra 15 thành phố của Mỹ. Fiber cung cấp Internet siêu nhanh, truyền hình và dịch vụ điện thoại. Nó được xem là phương án thay thế cho công ty truyền hình cáp truyền thống.

Dù vậy, Alphabet đã thu gọn Fiber, tạm dừng mở rộng địa bàn và sa thải hàng trăm lao động. Theo một số báo cáo, đó là do các nhà sáng lập giảm hứng thú với dự án.

Verily tập trung vào y tế và đẩy lùi bệnh tật. Một trong các dự án đầu tiên là kính áp tròng thông minh, có thể theo dõi lượng glucose. Hiện tại, bộ phận này hướng đến xác định bệnh và nâng cao trải nghiệm cho bệnh nhân.

Sidewalk Labs là một công ty được Alphabet thành lập năm 2015, tập trung vào đổi mới đô thị. Dẫn đầu bởi Dan Doctoroff, Sidewalk Labs muốn tìm kiếm giải pháp cải thiện thành phố bằng công nghệ.

Calico ra đời năm 2013 với tham vọng đánh bại cái chết. Công ty phát triển loại thuốc giúp kéo dài tuổi thọ con người bằng cách chống lại những loại bệnh như ung thư, Alzheimer.

GV là công ty đầu tư mạo hiểm của Alphabet. Trước đây có tên Google Ventures, GV đang quản lý hơn 4,5 tỷ USD và đã đầu tư vào hơn 400 công ty, bao gồm Uber, Lime và Slack.

Google Capital – nay là CapitalG – là quỹ đầu tư của Alphabet. Sứ mệnh của nó cũng là “rót tiền” vào các công ty nhưng không giống GV, CapitalG tập trung vào các startup đã bước sang giai đoạn sau. Một số startup họ từng đầu tư là Airbnb, Glassdoor, Thumbtack.

DeepMind tập trung vào trí tuệ nhân tạo. Được Google mua lại năm 2014 với giá 500 triệu USD, công ty đang đưa trí tuệ nhân tạo vào các sản phẩm Google, trong đó có tìm kiếm. Trí tuệ nhân tạo của Google đã đánh bại nhà vô địch cờ vây thế giới, khiến anh này phải giải nghệ.

Jigsaw là bộ phận sử dụng công nghệ xử lý các vấn đề địa chính trị như kiểm duyệt trên mạng, cực đoan, quấy rối.

X là phòng thí nghiệm bí mật của Alphabet, do Astro Teller đứng đầu. X bao gồm rất nhiều dự án, từ robot, kính thông minh tới lưu trữ năng lượng bằng muối.

Một số dự án X đã trở thành công ty độc lập, chẳng hạn khí cầu Internet Project Loon. Sứ mệnh của nó là mang kết nối Internet tới 2/3 dân số thế giới bằng khí cầu.

Waymo, dự án xe tự lái của Alphabet, đã nghiên cứu xe tự lái hoàn toàn trong hơn một thập kỷ. Bắt đầu như một phần của X, nay nó trở thành công ty riêng và đang hợp tác với Lyft để cung cấp dịch vụ xe tự lái tại Phoenix.

Project Wing cũng là công ty xuất phát từ X. Đây là dịch vụ giao hàng bằng máy bay không người lái.

Titan Aerospace được Google mua lại năm 2014 và đổi tên thành Project Titan, nằm trong X. Project Titan phụ trách phát triển drone chạy năng lượng mặt trời, có thể bay không ngừng nghỉ trong nhiều năm và mang Internet đến toàn cầu. Dù vậy, dự án bị đóng cửa cuối năm 2016, những người còn lại được gộp vào Project Wing.

Makani, phát triển tuabin gió trên không, tách khỏi X đầu năm 2019 và đang thử nghiệm tại Hawaii.

Google là ngôi nhà chung của tất cả sản phẩm truyền thống của Alphabet như Chrome, Pixel, Google Home, Google Play. Đứng đầu Google là Sundar Pichai.

Nest Labs phát triển chuông cửa thông minh, bộ điều nhiệt và các thiết bị gia dụng khác. Công ty được mua lại năm 2014 và năm 2016, CEO Tony Fadell từ chức, được thay bằng Marwan Fawaz. Tháng 2/2018, Nest được gộp vào bộ phận phần cứng của Google.

Bộ phận phần cứng của Google được thành lập năm 2016 khi Google đưa cựu Chủ tịch Motorola Rick Osterloh về phụ trách điện thoại Pixel, Google Home, Chromebooks, Google Glass. Google Nest cũng nằm trong này.

ATAP, viết tắt của Advanced Technology and Projects (dự án và công nghệ hiện đại), là bộ phận bí mật của Google, phát triển các dự án như Jacquard, làm vải thông minh; Soli, dùng radar cho các thao tác không chạm; Spotlight Stories, làm phim VR ngắn. ATAP cũng nằm trong bộ phận phần cứng của Osterloh.

Google Cloud là nền tảng đám mây cạnh tranh với Amazon Web Services và Microsoft Azure. Đứng đầu bộ phận này là cựu giám đốc Oracle Thomas Kurian.

Google Cloud bao gồm G Suite, trong đó có Hangouts Meet, Calendar, Mail, Plus, Cloud Search và Drive. Theo Google, hàng triệu doanh nghiệp đang sử dụng dịch vụ.

Chronicle là dự án X cũ, trở thành một mảng kinh doanh độc lập. Kế hoạch của nó là dùng máy học giúp ngăn chặn nguy cơ tấn công mạng nhưng vào tháng 6/2019, nó được gộp vào Google Cloud.

YouTube được mua lại năm 2006 và vẫn là một công ty con của Google. Đây là website chia sẻ video số 1 thế giới và được truy cập nhiều thứ 2 toàn cầu. YouTube do Susan Wojcicki điều hành.

Tìm kiếm web, mảng kinh doanh hái ra tiền của Alphabet, vẫn thuộc Google.

Google Maps là một phần của Google, đang có 1 tỷ người dùng.

Google Adsense giúp các nhà xuất bản kiếm tiền từ nội dung trực tuyến khi đặt quảng cáo lên website của họ. Quảng cáo là nguồn thu chính của Google.

Cuối cùng là Android. Google thường phát hành phiên bản Android mới mỗi năm. Ứng dụng, nhạc, sách, phim cho thiết bị Android được tải về từ Google Play Store.

Du Lam (Theo BI)

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vn/kinh-doanh/ho-so/alphabet-khong-chi-co-google-tap-doan-sieu-to-khong-lo-dang-so-huu-hang-chuc-cong-ty-lon-be-khac-nhau-192970.ict