Alibaba dụ khách hàng ký đơn không tố cáo: Không trình báo công an khó lấy lại tiền

Theo hai luật sư Võ Xuân Trung và Nguyễn Tri Đức, khách hàng nên mạnh dạn tố cáo hành vi lừa đảo của Công ty địa ốc Alibaba với công an để được bảo vệ quyền lợi. Nếu làm theo lời dụ dỗ ký đơn không tố cáo Alibaba của Phó tổng Đối ngoại và Đào tạo công ty này thì khó lấy lại tiền.

Trong buổi gặp mặt tại trụ sở Công ty Địa ốc Alibaba ở đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức sáng 19.9, chị Huỳnh Thị Ngọc Như – Phó tổng Đối ngoại và Đào tạo Alibaba cho biết cơ quan chức năng hiện giữ hết giấy tờ và tài sản của Công ty Địa ốc Alibaba để phục vụ cho việc điều tra.

“Bên cơ quan chức năng, Bộ Công an nói rằng để đảm bảo quyền lợi tối đa của khách hàng, cho nên hiện tại họ đã giữ hết tất cả tài sản mà chúng tôi đang có, từ con người, giấy tờ sổ sách, tiền, nói chung là tất cả mọi thứ. Quý vị yên tâm là cơ quan nhà nước và Bộ công an là người đang giữ. Chắc chắn tiền của quý vị sẽ được giữ một cách an toàn nhất. An toàn hơn ở đây chúng tôi giữ nữa”, Ngọc Như phát biểu.

Tiếp đến, Ngọc Như tiết lộ Tập đoàn Địa ốc Alibaba có 13 văn phòng đại diện, 600 ha đất, tiền của khách không làm gì khác ngoài việc mua bất động sản?! Song, nhiều người nghi ngờ thông tin này.

“Nếu ngày hôm nay quý vị không cùng chúng tôi chờ đợi thì thật sự mà nói tôi cũng không biết làm được gì hơn cho quý vị nữa cả”, Ngọc Như nói thêm.

Khi một khách nữ hỏi chừng nào trả tiền cho mình, Phó tổng Đối ngoại và Đào tạo Alibaba trả lời: “Chắc có lẽ tôi sẽ làm mẫu đơn để nhờ quý vị khách hàng ở đây viết vào để tôi trực tiếp gửi cho Bộ Công an. Khi nào trả tiền được cho quý vị thì chỉ có họ mới trả lời được thôi tại hiện tại họ giữ hết trơn rồi”.

Sau đó, Ngọc Như kêu gọi khách hàng điền thông tin vào đơn không tố cáo công ty được soạn sẵn. Song theo hai luật sư Võ Xuân Trung và Nguyễn Tri Đức, nếu làm theo lời dụ dỗ của Phó tổng Đối ngoại và Đào tạo Alibaba thì khách hàng khó đòi lại tiền.

Đơn không tố cáo do Công ty Địa ốc soạn sẵn cho khách hàng.

Đơn không tố cáo do Công ty Địa ốc soạn sẵn cho khách hàng.

Hiện nhiều khách hàng lỡ mua đất dự án “ma” Alibaba đang vô cùng hoang mang và đau đầu vì không biết có lấy lại được tiền không.

Ngày 19.9, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP.HCM đã tiến hành triệu tập Huỳnh Thị Ngọc Như để phục công tác điều tra liên quan đến việc khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Địa ốc Alibaba và các công ty liên quan. Yêu cầu chị ta phải có mặt lúc 8 giờ 30 phút sáng 20.9 tại trụ sở Cơ quan Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP.HCM, địa chỉ số 674 đường 3/2, phường 14, quận 10, TP.HCM.

Huỳnh Thị Ngọc Như khoe giấy bị triệu tập.

Theo báo Đất Việt, luật sư Võ Xuân Trung (Đoàn luật sư TP.HCM) khuyên người dân nên mạnh dạn tố cáo hành vi của Công ty địa ốc Alibaba với công an để được bảo vệ quyền lợi. Lý do vì từ những tố cáo của khách hàng, cơ quan cảnh sát điều tra sẽ xác minh, tổng hợp danh sách bị hại của vụ án. Danh sách này sẽ được gửi kèm hồ sơ truy tố và là căn cứ để tòa án buộc công ty, cá nhân liên quan có trách nhiệm khắc phục, trả lại tiền cho người dân.

Theo quy định, người dân cũng có quyền khởi kiện vụ án dân sự để đòi quyền lợi. Song, nếu tòa án có thụ lý cũng phải tạm đình chỉ giải quyết để chờ kết quả của vụ án hình sự. Do đó nếu chọn cách này, người dân rất khó có thể yêu cầu Công ty địa ốc Alibaba trả lại tiền, nếu không muốn nói là mờ mịt.

Mặt khác, nếu để qua giai đoạn điều tra mà không tố cáo, người dân rất khó để được đảm bảo quyền lợi.

Đồng quan điểm nêu trên, luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) chia sẻ với báo Kiến Thức rằng, để đảm bảo quyền lợi của mình, khách hàng của Địa ốc Alibaba nên trình báo với công an về tất cả các giao dịch đối với công ty địa này.

Nếu khách hàng nào may mắn ký hợp đồng mua được các mảnh đất do Công ty Địa ốc Alibaba bán có đầy đủ hồ sơ pháp lý rõ ràng phù hợp với luật định thì mặc nhiên quyền lợi sẽ được bảo đảm.

Ngược lại, nếu khách ký hợp đồng mua các mảnh đất không hồ sơ pháp lý do Công ty Địa ốc Alibaba làm giả với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì các hợp đồng đó coi như bị vô hiệu.

Theo luật định, ngoài trách nhiệm hình sự thì Công ty Địa ốc Alibaba và các cá nhân chủ mưu phải có trách nhiệm bồi thường hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt của khách hàng.

Dù vậy, khả năng các đối tượng khắc phục, bồi thường thiệt hại cho toàn bộ khách hàng là điều rất khó xảy ra. Quyền lợi của khách hàng chỉ được khắc phục một phần nếu các cơ quan tố tụng thu hồi được phần các tài sản do các đối tượng chiếm đoạt.

Trường hợp quá trình điều tra, truy tố và xét xử vẫn không thu hồi được số tiền do các đối tượng chủ mưu nói trên thì khách hàng đã đóng tiền vào Công ty Alibaba sẽ trắng tay”, luật sư Nguyễn Tri Đức nêu quan điểm.

Căn cứ vào kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát Điều tra sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các đối tượng chủ mưu và đồng phạm của Công ty Địa ốc Alibaba.

Theo đó, các đối tượng sẽ bị truy tố và xét xử với tội danh và hình phạt được quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự hiện hành với khung hình phạt tù cao nhất từ 12 đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Khách hàng bị Công ty Địa ốc Alibaba lừa đảo như thế nào? Video: Zing

"Họ có đội ngũ quảng cáo tốt, hứa hẹn khách hàng mua được đất giá rẻ và cấp sổ đỏ sau đó. Tuy nhiên, sau khi bỏ tiền ra thì mãi không thấy sổ đâu", một khách hàng của Công ty Địa ốc Alibaba nói.

Nhân Hoàng (tổng hợp)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-mang-c-85/alibaba-du-khach-hang-ky-don-khong-to-cao-khong-trinh-bao-cong-an-kho-lay-lai-tien-121669.html