Algeria phục hồi kinh tế thông qua xuất khẩu và thúc đẩy đầu tư

Tại Hội thảo quốc gia về phục hồi kinh tế kéo dài hai ngày 18-19/8/2020, Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune đã nhắc lại cam kết của Nhà nước luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp xuất khẩu và nhà đầu tư nước này nhằm đa dạng hóa nền kinh tế và tiến tới tăng trưởng bền vững.

Trong cuộc họp 3 bên với sự tham gia của chính phủ và các đối tác kinh tế - xã hội, Tổng thống Tebboune đã thông báo một loạt các biện pháp cần thực hiện nhằm khuyến khích và năng động hóa xuất khẩu của Algeria ngoài lĩnh vực dầu khí.

Tổng thống Abdelmadjid Tebboune (bên phải) và Thủ tướng Abdelaziz Djerad tới dự Hội thảo quốc gia về phục hồi kinh tế Algeria ngày 18/8/2020

Tổng thống Abdelmadjid Tebboune (bên phải) và Thủ tướng Abdelaziz Djerad tới dự Hội thảo quốc gia về phục hồi kinh tế Algeria ngày 18/8/2020

Ông cũng cho biết, Algeria đặt mục tiêu xuất khẩu 5 tỷ USD hàng hóa ngoài dầu khí ngay từ năm tới nhờ vào các biện pháp kích thích xuất khẩu và đánh giá đây là mục tiêu "rất khả thi" dựa trên "ý chí chính trị mạnh mẽ và tầm nhìn rõ ràng".

Trong số các biện pháp đề ra, có biện pháp tạo "hành lang xanh" cho một số mặt hàng sản xuất trong nước, dành một phần quan trọng nguồn thu ngoại tệ cho các nhà xuất khẩu, cải thiện quan hệ với Bộ Tài chính và Cơ quan thuế và tăng cường vai trò của ngoại giao Algeria trong việc xúc tiến các sản phẩm địa phương ra nước ngoài.

Mục tiêu tiếp theo là trong hai năm tới, giảm sự phụ thuộc tài chính vào xuất khẩu dầu khí xuống còn 80% thay vì 98% như hiện nay.

Về đầu tư, Tổng thống Tebboune một lần nữa thể hiện mong muốn của Nhà nước là khuyến khích các nhà đầu tư tạo ra việc làm và của cải.

Ông cũng nhấn mạnh, chính phủ không hề phản đối việc thành lập các ngân hàng tư nhân, các công ty tư nhân trong lĩnh vực vận tải đường không, đường biển hàng hóa và hành khách, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư và các doanh nghiệp nỗ lực giảm hóa đơn nhập khẩu dịch vụ.

Liên quan đến tài trợ đầu tư, Tổng thống Tebboune bảo đảm Algeria có sẵn các nguồn tài chính trong nước có thể phục vụ các nhà đầu tư. Theo ông, hiện Algeria có trên 1.900 tỷ đina (tương đương 14,83 tỷ USD) tại ngân hàng dành cho các nhà đầu tư trong năm 2020 và nhắc lại việc nước này dứt khoát từ chối vay nợ nước ngoài dù dưới bất kỳ hình thức nào.

Ngoài các khoản tiền sẵn có trong ngân hàng, Tổng thống Tebboune còn nêu khả năng phân bổ từ 10-12 tỷ USD nguồn dự trữ ngoại hối để tài trợ đầu tư trong năm nay.

Ông cũng đánh giá tình hình tài chính nói chung của Algeria hiện nay gặp "khó khăn" song "có thể trụ vững" nhờ tổng dự trữ ngoại hối quốc gia là 57 tỷ USD và khoản thu từ xuất khẩu dầu khí trong năm 2020 ước đạt 24 tỷ USD.

Trong khuôn khổ các biện pháp khuyến khích đầu tư, Nhà nước sẽ không hình sự hóa hoạt động quản lý nhằm giúp các doanh nghiệp yên tâm thực hiện các dự án.

Cuối cùng, để giải quyết thành công thách thức về phát triển, Tổng thống Algeria nhấn mạnh đến việc đẩy nhanh quá trình số hóa các lĩnh vực kinh tế và tài chính nhằm chấm dứt sự thiếu minh bạch đang cố tình tạo ra trong các ngành này.

Được biết, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Algeria đạt 35,82 tỷ USD, giảm 14,29% và kim ngạch nhập khẩu đạt 41,93 tỷ USD, giảm 9,49%. Thâm hụt thương mại ở mức cao 6,11 tỷ USD, tăng 34,81% so với năm 2018. Đáng chú ý là dầu khí vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu kim ngạch xuất khẩu của Algeria với tổng giá trị 33,24 tỷ USD (chiếm 93% tổng giá trị xuất khẩu cả nước).

Xuất khẩu các sản phẩm ngoài dầu lửa vẫn chiếm tỷ trọng không đáng kể, chỉ ở mức 2,58 tỷ USD (trong đó phần lớn cũng là các sản phẩm phái sinh từ dầu khí), tương đương 7,2% tổng giá trị xuất khẩu, giảm 11,80% so với cùng kỳ năm 2018.

Năm 2020, Chính phủ Algeria đặt mục tiêu giảm kim ngạch nhập khẩu từ 41 tỷ USD năm 2019 xuống còn 33 tỷ USD bằng những biện pháp hạn chế nhập khẩu như mở rộng diện mặt hàng phải chịu thuế phòng vệ thương mại bổ sung, cấm nhập khẩu rau quả khi Algeria đang trong vụ thu hoạch các sản phẩm này, khuyến khích tiêu dùng trong nước…

Về đầu tư, các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Algeria năm 2019 đã giảm nhẹ, đạt 1,382 tỷ USD (so với 1,466 tỷ USD năm 2018).

Kể từ đầu năm 2020, tình hình kinh tế Algeria ngày càng trở nên khó khăn: Thu ngân sách và dự trữ ngoại hối giảm mạnh do giá dầu xuống dưới 40 USD/thùng, đồng đina mất giá so với đồng euro và chính phủ gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì trợ cấp xã hội. Đặc biệt, việc bùng phát đại dịch Covid-19 đã làm cho kinh tế Algeria càng thêm suy yếu.

Nhằm tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tháng 6/2020, Chính phủ Algeria đã loại bỏ quy định 51/49%. Cụ thể, theo Luật tài chính bổ sung năm 2020 của Algeria thông qua đầu tháng 6/2020, trừ các hoạt động mua bán sản phẩm hoặc đầu tư mang tính chiến lược đòi hỏi cổ đông người Algeria phải nắm giữ 51% số vốn góp thì mọi hoạt động khác liên quan đến sản xuất và dịch vụ đều được mở cho nhà đầu tư nước ngoài mà không cần có sự cam kết phải thiết lập đối tác với một bên là người địa phương.

Mặt khác, Luật tài chính bổ sung cũng loại bỏ quyền ưu tiên được mua áp dụng từ năm 2009 do Nhà nước Algeria được hưởng trong trường hợp đối tác nước ngoài nhượng lại cổ phần trong liên doanh.

Hoàng Đức Nhuận, Thương vụ VN tại Algeria

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/algeria-phuc-hoi-kinh-te-thong-qua-xuat-khau-va-thuc-day-dau-tu-142524.html