Albert Einstein và cách học để giải toán cao cấp năm 13 tuổi

Từ cậu bé bị chậm nói, với sở thích khám phá, say mê tìm tòi, Albert Einstein trở thành thiên tài trong lịch sử.

Einstein (1879-1955) là nhà bác học thiên tài người Đức, người đã phát triển thuyết tương đối tổng quát, một trong hai trụ cột của vật lý hiện đại. Năm 1921, ông nhận giải thưởng

Nobel về vật lý.

Sớm trở thành thiên tài ngay khi còn đi học, tuy nhiên, ông không phải thiên tài bẩm sinh.

Cậu bé chậm nói và chiếc la bàn bí ẩn

Albert Einstei sinh ra trong gia đình người Đức gốc Do Thái có kinh tế khá giả, nhờ cha ông sở hữu một công ty nhỏ chuyên về cung cấp thiết bị điện.

Theo sách Kể chuyện tấm gương hiếu học, lúc còn nhỏ, không ít lần Einstein làm cha mẹ thất vọng vì phản ứng khá chậm với thế giới xung quanh.

Không giống như nhiều đứa trẻ khác, Einstein còn chậm nói, mãi năm 3 tuổi ông vẫn chưa nói được. Điểm khác biệt của Einstein là ông thường không tỏ ra nghịch ngợm. Thay vào đó, cậu bé này thường xuyên ngồi lặng lẽ quan sát mọi chuyển động xung quanh của thế giới.

Chứng kiến những biểu hiện bất thường của con trai, cha mẹ Einstein rất lo lắng cho ông. Không yên tâm, họ buộc phải mời các chuyên gia y tế về kiểm tra sức khỏe và khả năng phản ứng của Einstein. Thậm chí, mẹ Einstein còn thuê hẳn một cô gia sư hàng ngày chỉ đến nói chuyện với ông.

Albert Einstein khi còn nhỏ. Ảnh: Getty.

Albert Einstein khi còn nhỏ. Ảnh: Getty.

Cuốn sách Kể chuyện tấm gương hiếu học cho biết bước ngoặt chỉ đến với Einstein trong ngày sinh nhật ông tròn 5 tuổi.

Vào hôm đó, cha đã mua cho Einstein một chiếc la bàn để chơi. Ông cầm món quà trên tay, nhận thấy chiếc kim trong la bàn từ từ chuyển động và hướng về phía Bắc. Cậu bé Einstein cầm chiếc la bàn quay ngược lại nhiều hướng, nhưng kim vẫn không hề thay đổi hướng, vẫn chỉ về hướng Bắc.

Einstein tiếp tục lặp đi lặp lại hành động quay la bàn thêm nhiều lần nữa, song kết quả vẫn không khác. Quá ngạc nhiên, Einstein ngước nhìn cha với hy vọng tìm được một lời giải thích. Nhưng đáp lại, cha ông chỉ mỉm cười và không nói gì.

Chính bí ẩn của chiếc la bàn đã kích thích trí tò mò của Einstein. Ông chậm rãi quan sát mọi chuyển động của chiếc la bàn, thậm chí còn muốn tháo ra để nghiên cứu quy luật chuyển động của nó.

Người cha không khó nhận ra cậu con trai rất say sưa khám phá và không hề chủ động hỏi người lớn. Thay vào đó, Einstein muốn tự mình khám phá ra.

Cha Einstein nói với vợ: "Con trai chúng ta không ngốc như nhiều người lầm tưởng, chỉ là nó không muốn nói những câu vô nghĩa, cũng không muốn hỏi người khác câu trả lời. Nó có tính cách của một nhà khoa học, luôn bình tĩnh suy nghĩ".

Thiên tài giải toán đại học khi 13 tuổi

Vượt qua trở ngại về ngôn ngữ, khi đi học, Einstein luôn là một trong những học sinh giỏi nhất. Ngoài việc học, ông còn rất say mê và hứng thú với khoa học. Từ hướng chỉ của cây la bàn được cha mua tặng, Einstein bắt đầu dựng lên những mô hình máy đơn giản để nghiên cứu.

Einstein có thói quen đặc biệt, ông rất thích tự suy nghĩ, đặt câu hỏi cho những vấn đề mình quan sát được và dựa vào sự chăm chỉ, quyết tâm của mình để tìm ra câu trả lời.

Năm Einstein 12 tuổi, trong một lần, người chú hỏi ông rằng: "Cháu có thích đại số và hình học không, chúng rất thú vị đấy!".

Sau câu hỏi, người chú mô tả về đại số và hình học bằng những hình ảnh và ngôn ngữ sinh động. Thấy cháu có vẻ say sưa, hứng thú, mắt mở to tròn lộ vẻ thích thú, người chú đã giảng giải thêm cho Einstein một số nguyên lý cơ bản, rồi vẽ một hình vuông lên giấy và đưa công thức bình phương cạnh huyền bằng tổng bình phương hai cạnh góc vuông.

Ông nói: "Đây là định lý Pytago nổi tiếng, hơn 2.000 năm trước người ta đã chứng minh rồi. Bây giờ cháu có thể chứng minh lại không?".

Niềm say mê với khoa học đã giúp Einstein trở thành thiên tài . Ảnh: Getty.

Dựa vào những nguyên lý người chú đã giảng dạy, ông mày mò suy nghĩ và cuối cùng cũng giải được bài toán trong vòng 3 tuần. Chứng kiến những nỗ lực của người cháu, chú ông vui mừng nói với bố Einstein rằng: "Albert không ngốc đâu, thằng bé có tiềm lực rất lớn đấy!".

Chính những điều người chú giảng dạy đã gợi mở cho Einstein đến với khoa học tự nhiên, kích thích sự say mê tiềm ẩn trong người ông. Từ đây, Einstein đọc rất nhiều về sách khoa học tự nhiên, ông mày mò tự học và giải các bài toán hình học phẳng, toán cao cấp. Đến năm 13 tuổi, ông đã có thể giải những bài toán dành cho sinh viên đại học.

Không ngừng tìm tòi nghiên cứu, sau nhiều năm quan sát và thực nghiệm, Einstein đã có những phát minh quan trọng trong lĩnh vực vật lý lý thuyết. Đến năm 1905, ông cho công bố 5 phát minh, trong đó có 3 công trình quan trọng của vật lý hiện đại gồm: Thuyết phân tử động, thuyết tương đối hẹp và giả thuyết quang tử lượng.

Những thành tựu vĩ đại Einstein đã đạt được trên con đường nghiên cứu khoa học đã nói rằng: Thiên tài không tự dưng sinh ra, đó là sản phẩm của sự khổ luyện, tìm tòi, nghiên cứu bằng sự hứng thú và say mê gần như vô tận với khoa học. Những phát minh vĩ đại của Einstein đều xuất phát từ thói quen thích suy nghĩ, khám phá, tìm ra câu trả lời của ông.

Sau này, chính Einstein đã nói rằng: "Không phải tôi là người quá thông minh mà chỉ vì tôi ở lại với những vấn đề lâu hơn".

Rõ ràng, chính quảng thời gian ở lại với những vấn đề đó đã giúp Einstein trở thành thiên tài khoa học, có nhiều cống hiến vĩ đại cho nhân loại.

Nguyễn Thanh Điệp

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/albert-einstein-va-cach-hoc-de-giai-toan-cao-cap-nam-13-tuoi-post877892.html