Airbus và Boeing: 'Bộ đôi quyền lực' của ngành chế tạo máy bay

Hai 'ông lớn' cùng nhau nắm giữ 90% thị trường máy bay thương mại. Giá trị xuất khẩu của Airbus và Boeing đóng góp đáng kể vào kim ngạch thương mại của những nước có sự hiện diện của hai hãng này.

Máy bay không người lái MQ-25 T1 do Boeing chế tạo tiếp nhiên liệu cho chiếc tiêm kích F/A-18 Super Hornet của Hải quân Mỹ trong chuyến bay thử nghiệm ngày 4/6/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Máy bay không người lái MQ-25 T1 do Boeing chế tạo tiếp nhiên liệu cho chiếc tiêm kích F/A-18 Super Hornet của Hải quân Mỹ trong chuyến bay thử nghiệm ngày 4/6/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã nhất trí trong 5 năm tới tiếp tục tạm ngừng áp thuế trả đũa liên quan đến cuộc tranh cãi kéo dài về vấn đề trợ cấp cho hai hãng sản xuất máy bay Airbus và Boeing. Và dưới đây là năm điều cần biết về hai “gã khổng lồ” này.

Thế độc quyền của bộ đôi đầy quyền lực

Đây là hai “ông lớn” đang cùng nhau nắm giữ 90% thị trường máy bay thương mại. Giá trị xuất khẩu của Airbus và Boeing đóng góp đáng kể vào kim ngạch thương mại của những nước có sự hiện diện của hai hãng này.

Được thành lập năm 1916, Boeing thắng lớn từ những năm 1960 với các dòng máy bay chặng trung 737 và máy bay chặng dài 747. Trong quá trình mở rộng của mình, Boeing đã thâu tóm nhiều đối thủ lớn như McDonnell-Douglas.

Tuy nhiên, giờ đây, Boeing lại dự định cắt giảm lao động từ 161.000 người trước dại dịch COVID-19 xuống còn 130.000 người vào cuối năm nay. Hãng này có các nhà máy tại các bang Washington và South Carolina.

Ngược lại, Airbus lại đặt nhà máy tại nhiều nước EU và trên toàn thế giới, trong đó có cả Mỹ (ở thành phố Mobile, bang Alabama).

Thành lập năm 1970 dưới hình thức một công ty liên doanh Pháp-Đức với sự ra đời của máy bay A300, một trong những mẫu máy bay nổi tiếng nhất của Airbus là A320, được xem là đối thủ trực tiếp của máy bay Boeing 737.

Cuối năm 2019, Airbus có 135.000 nhân viên trên toàn thế giới, nhưng cũng phải giảm 15.000 việc làm để ứng phó với thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra. Trụ sở của Airbus được đặt ở Toulouse, Pháp và Hamburg, Đức, nhưng mạng lưới nhà máy của hãng này đã mở rộng sang Anh, Canada, Trung Quốc và Tây Ban Nha.

Lao đao vì đại dịch

Cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 đã giáng một đòn nặng nề lên các hãng hàng không, vốn là khách hàng chính của Airbus và Boeing, khiến số máy bay được giao của hai nhà sản xuất này giảm mạnh.

Airbus chỉ giao được 566 máy bay trong năm 2020, ít hơn 1/3 so với năm 2019, trong khi con số này của Boeing là 157 máy bay, giảm 380 chiếc so với năm 2019.

Boeing vẫn còn “vật lộn” với tác động từ việc máy bay 737 MAX bị cấm bay suốt 20 tháng sau hai vụ rơi máy bay khiến nhiều người thiệt mạng.

Doanh thu của hai “gã khổng lồ” này cũng vì thế mà giảm mạnh, trong đó doanh thu của Airbus giảm 29% xuống 49,9 tỷ euro (60,4 tỷ USD), còn doanh thu của Boeing giảm 24% xuống 58,2 tỷ USD.

Vệ tinh, máy bay chiến đấu và trực thăng

Cả Airbus và Boeing đều đã mở rông sang mảng máy bay quân sự và hàng không vũ trụ.

Airbus là nhà sản xuất trực thăng hàng đầu thế giới, chiếm 12% thị trường này. Ngoài ra, hãng này cũng chế tạo máy bay vận tải quân sự và máy bay chiến đấu Eurofighter. Mảng quân sự và hàng không vũ trụ chiếm 21% doanh thu của Airbus và đây cũng là nhà sản xuất vũ khí lớn thứ 13 thế giới.

Máy bay A350-1000 của hãng Airbus bay trình diễn tại Triển lãm hàng không quốc tế Paris ở sân bay Le Bourget, Pháp, ngày 17/6/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong khi đó, Boeing đứng thứ hai trong danh sách này, với danh sách sản phẩm bao gồm các máy bay chiến đấu và chở hàng C17, F15 và F18, trực thăng Apache và khí cụ bay Osprey, cũng như một loạt các loại tên lửa, vệ tinh và bệ phóng tàu vũ trụ. Mảng quân sự chiếm một nửa doanh thu của Boeing trong năm 2020.

Vận may trái ngược

Một khi cú sốc từ đại dịch COVID-19 qua đi, Airbus có khả năng sẽ phục hồi tốt hơn Boeing.

Cuối tháng Năm, Airbus nhận được 6.933 đơn đặt hàng, trong khi con số này của Boeing chỉ là 4.983 đơn. Trong hai năm tới, Airbus cũng dự kiến sẽ ra mắt mẫu máy bay A321 XLR có khả năng thực hiện những chuyến bay mà cho đến nay chỉ những máy bay lớn chặng dài mới có thể làm được. Máy bay này đã nhận được đánh giá tích cực từ nhiều khách hàng.

Không có một mẫu máy bay nào tương đương như thế, Boeing thậm chí vẫn còn lao đao với máy bay 737 MAX của mình, và phải bán những máy bay đã được sản xuất trước khi có thể tăng tốc độ chế tạo.

Ngoài ra, máy bay chặng dài 787 của hãng này còn phải tạm ngừng giao hàng do các vấn đề trong sản xuất. Cùng với đó, các đợt giao hàng đầu tiên của mẫu 777X cũng bị hoãn lại một năm đến cuối năm 2023 do nhu cầu thấp.

Thương chiến kéo dài

Airbus và Boeing, với sự hậu thuẫn của EU và Mỹ, đã vướng vào căng thẳng thương mại gay gắt tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ năm 2004.

Mâu thuẫn này xoay quanh các khoản trợ cấp chính phủ dành cho hai hãng này, với các cáo buộc lẫn nhau về các hành vi trái phép và chống lại cạnh tranh. Khi cả hai đều lao đao vì đại dịch, EU và Mỹ đã đồng ý “đình chiến” và tạm ngừng áp thuế trừng phạt lẫn nhau trong 5 năm.

Trước đó, tháng 3/2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã áp thuế 25% đối với sản phẩm thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ EU, Canada và Mexico.

Đáp trả, EU đã thông qua quy định áp thuế đối với 3,2 tỷ USD hàng hóa Mỹ, trong đó có việc đánh thuế 25% đối với rượu whisky của Mỹ./.

Khánh Ly (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/airbus-va-boeing-bo-doi-quyen-luc-cua-nganh-che-tao-may-bay/720411.vnp