AirAsia toan tính gì khi chọn Cần Thơ làm 'cứ điểm bay'?

Trong quý II/2019, Sân bay Cần Thơ sẽ trở thành sân bay thứ 8 tại Việt Nam phục vụ đường bay quốc tế khi AirAsia triển khai các chuyến bay với điểm xuất phát từ Bangkok, Kuala Lumpur.

Đảm bảo cho AirAsia được bay tới Sân bay Cần Thơ là một nỗ lực đột phá của chính quyền Cần Thơ - nơi đang muốn thu hút các đường bay quốc tế như là một phần của chiến lược du lịch tổng thể.

Đảm bảo cho AirAsia được bay tới Sân bay Cần Thơ là một nỗ lực đột phá của chính quyền Cần Thơ - nơi đang muốn thu hút các đường bay quốc tế như là một phần của chiến lược du lịch tổng thể.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tiềm năng du lịch của Cần Thơ và xu hướng phát triển các chuyến bay quốc tế ra các sân bay thứ cấp là lý do cho động thái nói trên của Air Asia. Quyết định của AirAsia là một bước đột phá lớn đối với Cần Thơ, nơi đã và đang muốn thu hút các chuyến bay quốc tế như là một phần của chiến lược du lịch tổng thể. Theo kế hoạch tổng thể phát triển du lịch mới, Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến sẽ trở thành một trong 7 vùng du lịch chính của Việt Nam đến năm 2030.

Ông Santisuk Klongchaiya- Giám đốc Thai AirAsia cho biết, Cần Thơ phải chứng minh một điểm đến thú vị cho du khách Thái Lan tìm kiếm trải nghiệm mới với lối sống ven sông và chợ nổi ngay cửa sông Mekong. Một kết nối trực tiếp từ Thái Lan đến Cần Thơ sẽ giúp việc đi lại thuận tiện hơn cho cả khách du lịch Thái Lan và nước ngoài.

Trong khi đó AirAsia Malaysia đặt kỳ vọng lớn vào thị trường Cần Thơ vì hãng hàng không này đã thành công trong việc ra mắt dịch vụ tới hai thị trường thứ cấp khác tại Việt Nam.

Cả Malaysia và Thái Lan đều là những thị trường nguồn quan trọng cho ngành du lịch Việt Nam, với số lượng khách Malaysia đến Việt Nam tăng 12% trong năm 2018, lên tới 540.000 người, trong khi số lượng khách Thái Lan tăng 16% lên 349.000 người trong năm qua.

Trước đó, nhiều nguồn tin trong nước dẫn nội dung bức thư gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của ông Tony Fernandes, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Hãng hàng không giá rẻ AirAsia, có đề cập tới việc liên doanh giữa hãng và Thiên Minh sẽ cất cánh vào ngày 1/8 tới. Nguồn tin cho hay, trong thư này tỷ phú người Malaysia cho biết trong hai tháng tới, AirAsia và Công ty cổ phần Du lịch Thiên Minh (TMG)/Công ty cổ phần Hàng không Hải Âu (HAA) sẽ sử dụng tối đa nguồn lực và đẩy nhanh tiến trình dự án đầu tư để có thể chính thức nộp bộ hồ sơ xin cấp phép khai thác vận tải hàng không tại Việt Nam.

“Chúng tôi sẽ làm việc với Bộ GTVT và Bộ KH&ĐT để chuẩn bị hồ sơ cấp phép tuân thủ một cách tuyệt đối các quy định của Việt Nam liên quan đến cấp phép đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng không”, ông Tony cho biết.

Theo CEO AirAsia, trên cơ sở đồng ý của Sở KH&ĐT TP.Hà Nội về việc AirAsia mua 30% phần vốn góp của HAA, công ty sẽ được sử dụng phần vốn góp này cho mục đích liên doanh.

Một bản đề án bao gồm bản giải trình chi tiết lý do thành lập một hãng hàng không giá rẻ (LCC) mới tại Việt Nam dựa trên mô hình kinh doanh của AirAsia, bản đánh giá về ngành hàng không Việt Nam, kế hoạch và cơ cấu tổ chức cho dự án liên doanh cũng đã được cho là đính kèm theo thư gửi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam.

AirAsia là hãng hàng không giá rẻ hàng đầu và lớn nhất ở châu Á, với mạng lưới rộng khắp hơn 120 điểm đến. Bắt đầu hoạt động từ năm 2001, hãng đã chuyên chở hơn 330 triệu hành khách và đội bay lên đến hơn 200 chiếc. AirAsia có trụ sở hoạt động tại Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ và Nhật Bản, với dịch vụ bay bao phủ toàn khu vực. Hãng đã 3 lần có kế hoạch thâm nhập vào thị trường Việt Nam nhưng đều chưa thành công.

Nguyễn Việt

Bạn đang đọc bài viết AirAsia toan tính gì khi chọn Cần Thơ làm “cứ điểm bay”? tại chuyên mục Doanh nghiệp-Doanh nhân của Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: (024) 3.5771239,

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/airasia-toan-tinh-gi-khi-chon-can-tho-lam-cu-diem-bay-145073.html