'Air Force Un': Ông Kim ít lựa chọn địa điểm gặp Trump

Nhiều chuyên gia nghi ngờ có lẽ ông Kim không có chuyên cơ bay xuyên lục địa để tới gặp ông Trump trong cuộc đàm phán dự kiến vào tháng 5.

Những lựa chọn di chuyển của Kim Jong Un để gặp Trump Địa điểm cuộc gặp và cách thức ông Kim di chuyển tới hội đàm vẫn là dấu hỏi. Phương tiện di chuyển của lãnh đạo Triều Tiên khá hạn chế, gồm máy bay phản lực đời cũ và tàu hỏa.

Sở hữu đội quân triệu người, dàn tên lửa đạn đạo xuyên châu lục và kho vũ khí hạt nhân phát triển, ông Kim Jong Un thể hiện hình ảnh nhà lãnh đạo có thể đối đầu với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nhưng khi ông đang chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, nhiều người đặt nghi vấn về phương tiện ông Kim sẽ sử dụng để tới địa điểm gặp mặt. Nhà lãnh đạo Triều Tiên mới chỉ có chuyến thăm nước ngoài duy nhất tới Bắc Kinh bằng tàu hỏa. Nhiều người nghi ngờ khả năng ông Kim bay thẳng tới các địa điểm xa là điều không thể.

Máy bay đời cũ

“Chúng tôi nói đùa về những chiếc máy bay thời Liên Xô của họ”, Sue Mi Terry, nhà phân tích các vấn đề Triều Tiên thuộc CIA từng làm việc dưới quyền Tổng thống George W. Bush, cho biết. “Chúng tôi từng lấy chúng ra làm trò đùa - đó là đồ cổ rồi”.

Hiện tại, địa điểm diễn ra hội nghị vẫn chưa được quyết định nhưng hầu hết dự đoán đều hướng về khu vực phi quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, nơi Tổng thống Moon Jae In sẽ gặp ông Kim trong tháng này.

Theo South China Morning Post, một số người cho rằng Trung Quốc hoặc Nga cũng có thể trở thành địa điểm gặp mặt. Nhưng các nhà phân tích đề xuất rằng ông Trump có thể muốn họp ở một nơi trang trọng hơn tại Mỹ hoặc một nước ngoài khu vực, như Singapore, Thụy Sĩ và Thụy Điển - những nước đóng vai trò “bảo hộ” cho Mỹ tại Bình Nhưỡng.

Đoàn tàu bọc thép chở ông Kim Jong Un tới thăm Bắc Kinh gần đây. Ảnh: Reuters.

Đoàn tàu bọc thép chở ông Kim Jong Un tới thăm Bắc Kinh gần đây. Ảnh: Reuters.

“Việc đi lại sẽ không phải là vấn đề. Hàn Quốc hoặc Thụy Điển có thể cho ông ấy đi nhờ”, Victor Cha, từng là Giám đốc đặc trách nghiên cứu các vấn đề Triều Tiên tại Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Bush, cho biết. “Nhưng vậy thì hơi mất mặt”.

Nếu ông Kim tự đi bằng máy bay của ông, việc dừng lại để đổ nhiên liệu trên đường tới hội nghị cho thấy hạn chế về mặt công nghệ. Một vấn đề phức tạp khác là địa điểm máy bay hạ cánh để đổ nhiên liệu, bởi nhiều nước vẫn đang có lệnh cấm đối với Triều Tiên.

Chuyên cơ "Air Force Un"

So với quá trình chuẩn bị của ông Trump và nghi vấn về sự nghiêm túc trong thỏa thuận phi hạt nhân hóa của Triều Tiên, cách thức nhà lãnh đạo Triều Tiên tới cuộc gặp nhận được ít sự quan tâm hơn từ công chúng.

Tuy vậy, chuyến thăm bất ngờ của ông Kim tới Bắc Kinh cho thấy hai mặt đối lập cơ bản của Triều Tiên. Khi ông Kim nỗ lực hiện đại hóa hình ảnh chế độ nước này trên trường quốc tế, ông cũng đang đồng thời lãnh đạo một đất nước với dân số 25 triệu mà phần lớn người dân thiếu lương thực và điện.

Sự đối lập sâu sắc này là hệ quả của việc đóng cửa sau hiệp định đình chiến trên bán đảo Triều Tiên năm 1953 và đầu tư phần lớn doanh thu thương mại vốn ít ỏi vào phát triển vũ khí quân sự.

Ông Kim Jong Un và phu nhân gặp mặt vợ chồng ông Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Từ khi lên nắm quyền vào năm 2011, ông Kim hướng tới thể hiện hình ảnh sắc sảo và khôn ngoan hơn cha, Kim Jong Il, và ông nội, Kim Nhật Thành. Điều này bao gồm việc xây các tòa nhà chọc trời tại thủ đô Bình Nhưỡng, xây dựng khu nghỉ dưỡng trượt tuyết xa xỉ tại tỉnh Kangwon để hỗ trợ nền du lịch quốc tế, và mở nhiều đường băng riêng cho các phi cơ cá nhân gần khu nhà của gia đình họ Kim.

Ông Kim Jong Il có chứng sợ máy bay. Trong những dịp hiếm hoi phải rời Bình Nhưỡng, ông đi bằng tàu hỏa bọc thép giống như nhà lãnh đạo đương nhiệm Kim Jong Un trong chuyến thăm Trung Quốc tháng trước.

Trong những năm gần đây, ông Kim Jong Un thường xuyên thể hiện rằng ông không có nỗi sợ máy bay giống như cha. Ông Kim không những từng bay tới Thụy Sĩ để học tại trường nội trú, mà thực ra còn là một phi công.

Vào tháng 12/2014, truyền thông quốc gia Triều Tiên tiết lộ đoạn video ông cầm lái chiếc An-148, máy bay của hãng Hàng không quốc gia Air Koryo. An-148 được Ukraine thiết kế và chế tạo cho những chuyến đi ngắn trong khu vực.

Ông Kim Jong Un trên phi cơ riêng vào năm 2015. Ảnh: Reuters.

Chưa đến 2 tháng sau, trên báo chí xuất hiện bức ảnh ông Kim tới kiểm tra tình hình công trường xây dựng trên một chiếc chuyên cơ, được giới truyền thông gọi là "Air Force Un".

Trong ảnh, ông Kim ngồi trên ghế bọc da sau chiếc bàn gỗ phủ bóng. Vừa nghe điện thoại vừa xem xét những bản vẽ công trình trải trên bàn, nhà lãnh đạo thậm chí còn đung đưa điếu thuốc lá trên tay trái với một gạt tàn pha lê sẵn sàng bên cạnh.

Chuyên cơ Ilyushin-62, do Liên Xô sản xuất từ thời Chiến tranh Lạnh, thuộc loại máy bay đường dài. Dù vậy, nhiều nhà phân tích nghi ngờ về tầm bay xa do nó đã cũ và không được bảo dưỡng thường xuyên.

“Họ không có chiếc nào có khả năng bay qua Thái Bình Dương – hầu hết máy bay đều đã tương đối cũ”, South China Morning Post dẫn lời Joseph Bermudez, một trong những tác giả trang web về các vấn đề Triều Tiên do Viện Mỹ-Hàn tại Đại học Johns Hopkins điều hành.

Khả năng bay tầm xa

Vào năm 2016, Enrique Perrella, nhà xuất bản tạp chí Airways, trả 2.200 USD cho một công ty du lịch có trụ sở tại London để tham gia vào nhóm 75 khách nước ngoài có cơ hội đi trên các phi cơ Air Koryo cổ.

Ông Perrella kể lại rằng khi ông tới Bình Nhưỡng, “chỉ một phần nhỏ” trong số hơn 20 máy bay của Air Koryo hoạt động được. Những chiếc khác hoặc đang phủ bạt hoặc thiếu bộ phận. Những chiếc mới nhất, bao gồm một mẫu do Nga sản xuất vào thế kỷ 21, thì chỉ bay được gần.

Dù vậy, ông Perrella vẫn cho rằng Air Koryo nắm trong tay một chiếc phi cơ phù hợp cho hành trình xuyên lục địa.

Máy bay Tupolev Tu-204-300 của hãng Air Koryo tại sân bay Vladivostok. Ảnh: SCMP.

Nhà báo Charles Kennedy tại London, từng đến Triều Tiên nhiều lần, tự tin về khả năng bay tầm xa của máy bay Triều Tiên. Ông khẳng định rằng Il-62 vẫn đang được những người đứng đầu chính phủ tại Nga, Sudan và Ukraine sử dụng. Theo ông, hãng Air Koryo sở hữu 2 chiếc Tupolev có thể bay quãng đường 4.800 km với “sự an toàn tuyệt vời”.

Theo ông, máy bay đời cũ thường được sử dụng để thu hút khách du lịch hàng không, nhưng các mẫu mới hơn đã từng bay tới Kuwait, nơi Triều Tiên cung cấp lao động giá rẻ, và tới Kuala Lumpur, Malaysia.

Ông Kennedy nhận định hành trình 9.500 km từ Bình Nhưỡng tới Los Angeles có thể vượt quá khả năng bay tầm xa của Il-62. Trong khi đó, phi cơ Air Force One của ông Trump có thể bay gần 13.000 km mà không cần dừng để đổ nhiên liệu.

Tuy vậy, ông nhấn mạnh rằng chiếc máy bay này "thuộc loại công nghệ cơ bản và Triều Tiên sẽ không gặp phải vấn đề gì trong việc bảo trì nó trong tình trạng tốt nhất”.

Air Koryo từng vận hành các chuyến bay tới Châu Phi và Châu Âu, nhưng đã phải ngừng do lệnh trừng phạt quốc tế. Hiện tại, những chuyến bay của hãng chỉ giới hạn trong các thành phố của Trung Quốc và Vladivostok, Nga, cách Bình Nhưỡng 645 km.

Ông Trump sở hữu chiếc Air Force One có thể bay 13.000 km mà không cần hạ cánh để đổ nhiên liệu. Trong ảnh, ông Trump bước xuống từ Air Force One ngày 26/1/2017. Ảnh: AP.

Rủi ro tiềm tàng

Vào năm 2014, chiếc Il-62 chở Choe Ryong Hae, quan chức cao cấp tại Triều Tiên, đã phải quay đầu do gặp trục trặc kĩ thuật trên đường tới Moscow.

Hồi năm 2016, máy bay Tupolev của Air Koryo phải hạ cánh khẩn cấp tại Thẩm Dương, Trung Quốc, sau khi có hỏa hoạn trên chuyến bay. Một năm sau, chính chiếc máy bay đó buộc phải dừng khi một cánh con rơi ra trong lúc đang bay.

Những lựa chọn khác của ông Kim, như mượn máy bay của Nga hay Trung Quốc, sẽ gây thêm quan ngại về an ninh. Theo các chuyên gia, nếu chọn phương án này, máy bay có thể bị đặt máy nghe trộm.

Bên cạnh đó, “việc ông Kim bước xuống từ một chiếc máy bay đi mượn có lẽ không phải là hình ảnh mà ông ấy muốn người dân trong nước nhìn thấy”, Curtis Melvin, biên tập viên của blog North Korea Economy Watch, nhận định.

Hình ảnh vợ chồng ông Kim Jong Un tới Bắc Kinh Trung Quốc công bố hình ảnh ông Kim Jong Un và phu nhân tới thăm Bắc Kinh. Tại Bắc Kinh, ông Kim đã có buổi hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ngọc Hà

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/air-force-un-ong-kim-it-lua-chon-dia-diem-gap-trump-post833753.html