Ai về sông Lam

Từ đất nước Lào chảy sang, đôi dòng; Nặm Nơn, Nặm Mộ hòa nhau tại Cửa Rào -Tương Dương (Nghệ An) và được gọi là sông Lam.

Ảnh: Trọng Chính.

Khoảng trên dưới bốn trăm cây số từ núi rừng về đồng bằng và biển cả, sông Lam cũng có một hành trình như bao dòng sông khác.

Tôi nhớ bao lần từ trường Đại học Vinh xuống cầu Bến Thủy ngắm cảnh, ngắm sông Lam chậm lắng như bao dòng sông khi chuẩn bị về với biển. Sông nước đôi bờ mênh mang, tôi hình dung ngày bến phà Bến Thủy đi qua lửa đạn chiến tranh và rồi hòa bình... xe, người qua lại, vào nam ra bắc và sông Lam Bến Thủy vẫn luôn vỗ vào lòng người những nhớ thương?

Những ngày nắng nôi, gió lào khô hạn, sông Lam Bến Thủy xanh, nhưng rồi mới hay, nó chẳng thể “Lam” hết mình, xanh ngăn ngắt được như cái vẻ nó ở miền tây xứ Nghệ.

Tất thảy các bãi bờ, khúc đoạn sông Lam tôi được biết đến, với tôi đều đáng yêu, đáng nhớ, nó đã cho những cảm xúc đẹp và ngày càng khiến tôi khát khao được biết hết tất cả những miền đất mà nó chảy qua. Nó khiến tôi càng khao khát có một ngày được đi đò dọc cho suốt sông Lam... Tôi cứ ước mơ và sẽ mãi mong cho điều này thành sự thực, vừa ước vừa tìm cách để đi qua về lại, đi thêm những khúc, quãng, những bãi bờ miên man của nó.

Tôi đã đi qua hơn nửa số cây cầu bắc qua sông Lam và ước mong được đi hết số cầu còn lại. Theo trang WikipediA, sông Lam có hai mươi mốt chiếc cầu (tính cả ba cầu đang và sẽ thi công).

Những lần đi, được ngắm sông Lam thỉnh thoảng hiện ra xanh tươi, thơ mộng bên đường, bên cầu, ngắm những khúc ở hạ nguồn, rồi đến thượng nguồn, những ngày nước đổi sắc, những mùa tràn trề nâu đục, những quãng mảnh mai sắc xanh ngọc, xanh lam, càng xuôi càng rộng lớn, càng ngược càng xanh trong, nhìn ngắm nó ban phát cho mỗi vùng, mỗi khúc mỗi vẻ riêng mà thêm thương nhớ. Càng đi, càng có dịp gần gũi, càng biết thêm vẻ đẹp của nó thật vô cùng.

Khi nó hợp với “nguồn Hiếu” ở Anh Sơn (sông Hiếu, sông Con từ Quỳ Châu, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ) là khi sông Lam bắt đầu vẻ rộng rãi, phóng túng, thêm bờ bãi phì nhiêu.

Khi bị chắn dòng chia nước cho kênh đào dẫn về đồng ruộng bốn huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, nó “mảnh” lại, hạ nguồn tiếp tục chảy với làng quê Đô Lương cho tới khi nhận nguồn nước sông Giăng (từ Con Cuông qua Thanh Chương), và ta chỉ cần đi qua rú Nguộc hay qua cầu Rộ thì sẽ nhận ra sau khi thêm nước sông Giăng, sông Lam của Thanh Chương đã mang một dáng dấp quyến rũ mới khác.

Tôi luôn thích được đi trên những đoạn đường có sông Lam chảy qua. Nhiều lần không ngại xa, tôi theo Đường Hồ Chí Minh đi Vinh để được gặp nó mềm mại cắt dãy Trường Sơn bên cầu Tri Lễ, rồi tạm biệt nhau gần hai giờ đồng hồ, nó chảy đường nó, tôi đi đường tôi, đợi đến cầu Rộ gặp lại, tôi say mê vồ vập hớn hở, nó lững lờ mà thiết tha giữa bãi bờ mênh mang, mướt mát.

Trước khi về Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn rồi nhận nguồn nước sông La (từ Hà Tĩnh) về Bến Thủy-Vinh để ra Biển, sông Lam có một hành trình dài tích góp nước từ bao núi non, khe suối trong lành phía thượng nguồn, với hành trình miệt mài của mình, nó cũng đã góp phần nuôi dưỡng đậm đà hồn cốt con người xứ Nghệ, đắc sắc văn hóa xứ Nghệ.

Ảnh: Trọng Chính.

Bão lũ chồng gối nhau, sông giận dữ cuốn phăng bao công sức cấy trồng, rồi gió Lào nắng hạn, sông Cả (tên gọi khác của sông Lam) cũng cạn vơi, những mất mát từ hạn hán, bão lũ có thể làm bầm dập thêm những thương đau, thêm nghèo thiếu, gieo neo, nhưng rồi con người lại ngẩng lên chắt chiu dưa nhút và hi vọng, đợi chờ... Thiên nhiên lại hiền hòa, ấm áp, đất và cây nảy lộc nhú chồi, con người cũng được phần thảnh thơi, lãng mạn, lại sâu lắng điệu ví, câu thơ.

Và người người xứ Nghệ, có nghèo khổ, lấm láp, có va vấp khiếm khuyết như lẽ thường ở đời nhưng vẫn luôn luôn sinh tạo ra nhiều giá trị để kính cẩn, trân trọng, yêu thương. Những bậc tài hoa đã được sinh dưỡng từ đôi bờ sông Lam ấy.

Tôi không có duyên phận được cày cấy bên sông, được thấm tháp mưa nắng bão lũ của nó, không biết nhiều về nó, nhưng tôi vẫn yêu say mê vì vô vàn lẽ. Nó cũng phải từ bé nhỏ rồi tích cóp để mênh mang, nó như người bạn, người thầy, người mẹ đã ban tặng, chia sẻ và thầm dạy dỗ. Những dịp ngang qua, nó có thể giải tỏa, chảy trôi giúp những muộn phiền, dạt dào cùng những niềm vui, sâu lắng thêm những tình yêu. Nó xa xôi dài rộng mà thân thuộc, mà gần gũi. Và luôn mới mẻ, hấp dẫn. Bờ bãi và làng xóm bên sông luôn cho tôi cảm giác thanh bình, yên ả, thơ mộng cho dù tôi biết sự hung dữ của mùa bão lũ.

Với tôi những làng xóm bên sông luôn đẹp, luôn có nhiều câu chuyện, nhiều bí mật. Và những ai được ngắm sông mỗi sáng, mỗi chiều, mỗi hoàng hôn, mỗi đêm trăng, cả mưa, bão... và hiểu nhiều về nó, điều đó với tôi là duyên phận đẹp, là tuyệt vời!

Một dòng suối cũng rất đẹp, cũng là ban tặng của tự nhiên, và biển, sông, suối... ở bất kì đâu ta cũng đem lòng mê say. Tình yêu này cũng như sông biển, núi non, như trái đất này, chúng không hề có biên giới.

Yêu sông biển, yêu suối khe, tình ấy là lòng biết ơn, là lần đi lần về nguồn cội.

Khi được gần, được biết sông Lam nhiều hơn tôi vẫn nghe nó nói như ngày nào: Những điều bạn biết về tôi còn quá ít ỏi, chẳng thấm tháp, nghĩa lí gì! Còn có quá nhiều điều về một dòng sông mà bạn chưa biết, và không thể biết.

Đúng là mãi mãi không thể biết hết! Chỉ mong được biết thêm thôi. Tôi mãi đeo đẳng. Có bao thứ tôi cần biết, mong biết, trong đó có những nguồn mạch, bến bờ, con nước, mùa màng, những câu chuyện bị thời gian lấp phủ, những câu chuyện đang lan rộng đôi bờ, và những làng bản, làng xóm ngàn đời âm thầm lặng lẽ... ai cũng mong ước khám phá, mong chạm được ít nhiều.

HỒ THỊ NGỌC HOÀI

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/ai-ve-song-lam-post255858.html