Ai về non nước Cao Bằng...

Thác Bản Giốc, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh, những năm qua, chính quyền tỉnh Cao Bằng đã nỗ lực thu hút đầu tư, cải tạo cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch thu hút du khách. Đồng thời, kết hợp giữa khai thác với bảo tồn các di sản thiên nhiên, giá trị văn hóa truyền thống để phát triển du lịch bền vững. Vừa qua, UBND tỉnh Cao Bằng đã tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng, một sự kiện lớn góp phần quảng bá du lịch, thúc đẩy công cuộc bảo tồn di sản.

Đa dạng hóa sản phẩm du lịch

Non Nước Cao Bằng là danh hiệu Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO thứ hai ở Việt Nam được công nhận sau Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn của tỉnh Hà Giang và là một trong 127 công viên Địa chất toàn cầu UNESCO ở 35 quốc gia. Đây là danh hiệu cao quý dành cho một khu vực tự nhiên có ranh giới địa lý - hành chính rõ ràng, chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất tầm cỡ quốc tế có giá trị khoa học, giáo dục và thẩm mỹ, cùng các giá trị khác về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa xã hội...; trong đó, tất cả cùng được bảo tồn và phát huy giá trị một cách tổng thể. Công viên rộng gần 3.300 km², trải dài trên địa bàn chín huyện, có hơn 130 điểm di sản địa chất độc đáo, có giá trị tầm cỡ quốc tế như các tháp, nón đá vôi, thung lũng, hang động, hệ thống hồ - sông - hang ngầm liên thông. Nơi đây có nhiều danh thắng đẹp nổi tiếng như khu du lịch sinh thái Phia Oắc, Phia Ðén… và thác Bản Giốc, một trong bốn thác vùng biên giới lớn và đẹp nhất thế giới. Trên địa bàn khu vực Công viên có hơn 200 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng, trong đó có ba di tích quốc gia đặc biệt, 23 di tích cấp quốc gia và là căn cứ địa của cách mạng Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng Trương Thế Vinh, việc Công viên địa chất Non Nước Cao Bằng được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO góp phần mang lại một mô hình phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu phát triển tại Cao Bằng cũng như mục tiêu bảo vệ, bảo tồn di sản. Với danh hiệu được công nhận này, các cấp chính quyền và nhân dân trong tỉnh sẽ chú trọng hơn tới việc bảo vệ môi trường, bảo vệ bản sắc văn hóa cộng đồng nơi có di sản, huy động cộng đồng trong công tác bảo tồn và khai thác hợp lý di sản. Phát huy giá trị đặc sắc của Công viên Địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng, ngành du lịch tỉnh phối hợp các đơn vị lữ hành xây dựng và phát triển ba tuyến du lịch trong khu vực công viên. Đó là tuyến du lịch cụm phía tây “Khám phá Phia Oắc - vùng núi của những đổi thay”; tuyến du lịch cụm phía bắc “Hành trình về nguồn cội” và tuyến du lịch cụm phía đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên” với nhiều sản phẩm du lịch phục vụ du khách như: Du lịch danh lam thắng cảnh, du lịch lịch sử, cộng đồng, mạo hiểm, du lịch tâm linh tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của từng loại hình du khách. Bên cạnh đó, để tạo ấn tượng với du khách, tạo bản sắc riêng, gia tăng sức hấp dẫn của du lịch Cao Bằng, tỉnh cũng quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị kho tàng văn hóa phi vật thể của các dân tộc, với các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật, dân ca, dân nhạc, dân vũ, dân gian truyền thống đã và đang được nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục, bảo tồn và phát huy.

Cao Bằng còn là miền đất của du lịch lịch sử, với nhiều “địa chỉ đỏ” gồm ba Khu di tích quốc gia đặc biệt: Pác Bó, khu rừng Trần Hưng Đạo, Địa điểm Chiến thắng Biên giới 1950 huyện Thạch An, nhiều di tích lịch sử cách mạng gắn liền quá trình hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều bậc tiền bối lão thành cách mạng.

Du khách bên thác Bản Giốc.

Với thế mạnh tiềm năng, du lịch Cao Bằng có nhiều triển vọng phát triển, mang lại việc làm, thu nhập cho nhiều người dân. Ông Trần Nam Lộc, chủ homestay Eco Cao Bằng ở TP Cao Bằng cho biết, ông khởi đầu kinh doanh với dịch vụ cho thuê xe máy phục vụ khách đi “phượt”. Về sau, nhận ra nhu cầu về chỗ ăn nghỉ của du khách ngày càng nhiều, ông đã đầu tư kinh doanh homestay; đến nay, lượng khách bình quân hơn 200 lượt người/tháng. Qua câu chuyện với ông Lộc, chúng tôi hiểu Cao Bằng có sức thu hút khách du lịch trong nước và ngoài nước rất lớn. Ngay một người Hàn Quốc như anh Kim Roy, “mê mẩn” với vẻ đẹp của thác Bản Giốc ở Trùng Khánh, nhưng nhận thấy người dân địa phương chưa được hưởng lợi nhiều từ sự phát triển du lịch tại danh thắng này, anh đã tư vấn cho địa phương, đồng thời tài trợ 60 triệu đồng cải tạo, nâng cấp Nhà văn hóa xóm Khuổi Ky, xã Đàm Thủy thành một cơ sở homestay theo mô hình quản lý cộng đồng, cùng anh làm du lịch và chia sẻ lợi nhuận. Anh còn tích cực quảng bá, thu hút khách đến homestay Khuổi Ky. Theo anh Kim Roy, tài nguyên du lịch Cao Bằng rất lớn, người dân bản địa thân thiện. Điều cần có là ngành du lịch tỉnh phải chú trọng bảo tồn, giữ gìn vẻ đẹp nguyên sơ của tự nhiên cũng như bản sắc dân tộc để phát triển một cách bền vững.

Với những nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm, tạo bước đột phá thu hút du khách, Cao Bằng đã đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Từ kết quả 923 nghìn lượt du khách trong chín tháng năm 2018, ngành du lịch Cao Bằng ước tính sẽ đón 1,2 triệu lượt du khách trong năm 2018. Đây cũng là lần đầu Cao Bằng đạt và vượt mốc đón một triệu lượt du khách/năm.

Bảo tồn và khai thác di sản

Những ngày cuối tháng 11 vừa qua, tỉnh Cao Bằng đã tổ chức một loạt hoạt động nhằm tăng cường quảng bá, phát triển du lịch Cao Bằng như đăng cai tổ chức Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”, đón nhận danh hiệu Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng; công bố Di tích lịch sử Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An là di tích quốc gia đặc biệt. Những hoạt động này đã thu hút sự quan tâm của khách du lịch. Tuy nhiên, để thu hút và giữ chân du khách, ngành du lịch Cao Bằng còn nhiều việc phải làm.

Anh Phan Đăng Thắng, cán bộ phụ trách du lịch Dự án VIE/036 “Sử dụng thông minh nguồn nước và nông nghiệp” Cao Bằng, đồng thời là người am hiểu du lịch ở Cao Bằng chia sẻ: “Nhiều người quan tâm khám phá các điểm đến trong Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng, nhưng do vẫn còn mới, địa phương còn thiếu các sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn thu hút du khách”. Trong khi đó, theo lãnh đạo ngành du lịch tỉnh, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn hạn chế, toàn tỉnh mới có 21 hướng dẫn viên du lịch, trong đó, một hướng vẫn viên tiếng Anh, một hướng dẫn viên tiếng Trung.

Tỉnh Cao Bằng chú trọng bảo tồn giá trị di sản bằng mô hình Công viên Địa chất toàn cầu gắn với cộng đồng, phát triển du lịch bền vững. Thực hiện mô hình này, tại điểm du lịch núi Mắt Thần - thác Nặm Trá, ở bản Danh, xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, một điểm được chuyên gia UNESCO đánh giá cao về cảnh quan, giá trị địa chất, tỉnh đang lựa chọn nhà đầu tư với định hướng tạo điều kiện cho người dân tham gia đầu tư, khai thác tuyến xe ngựa vào núi Mắt Thần - thác Nặm Trá, qua đó, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch địa phương. Anh Nguyễn Sơn Hà, cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, phối hợp ngành văn hóa, thể thao và du lịch, ngành giáo dục - đào tạo Cao Bằng cũng vừa hoàn thành biên soạn, in 6.000 cuốn tài liệu về Công viên Địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng cấp phát cho tất cả các trường học làm tài liệu giảng dạy, tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản của thế hệ trẻ.

Trong chuyến thăm làm việc tại tỉnh Cao Bằng mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh. Đồng thời, Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho tỉnh Cao Bằng phát triển thương hiệu du lịch miền núi và phải trả lời được các câu hỏi: Cần làm gì để du khách đến đông hơn, ở lâu hơn, tiêu tiền nhiều hơn, du khách hiểu Cao Bằng và tiếp tục quay lại Cao Bằng? Cần làm gì để đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng lợi từ du lịch? Từ sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng đã xác định, để thực hiện được những vấn đề đặt ra, điều quan trọng là phải đáp ứng được yêu cầu của khách du lịch khi đến Cao Bằng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Trịnh Hữu Khang cho rằng, việc UNESCO công nhận danh hiệu Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng là “cú huých” quan trọng đối với du lịch Cao Bằng, nhưng để phát triển bền vững, tỉnh xác định cần phối hợp doanh nghiệp đầu tư, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tạo nên bản sắc và đặc trưng, hướng tới sự hài lòng của du khách; kết hợp hài hòa giữa khai thác với bảo tồn các giá trị của di sản.

MINH TUẤN và HỒNG VIỆT

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/38503902-ai-ve-non-nuoc-cao-bang.html