Ai về Long Khánh cùng tôi

Ai cũng nói, đến Long Khánh mà chưa đến núi Chứa Chan của người Châu Ro thì coi như mất một nửa chuyến đi. Dân trong bản truyền tụng rằng: 'Ai về Long Khánh -Chứa Chan. Núi hoa núi bướm muôn vàn mộng mơ. Anh về em đợi em chờ. Nghe chuyện cổ tích Châu Ro thắm tình…'.

Tôi vừa đến Long Khánh (Đồng Nai) gặp đúng trận mưa to gió lớn cuối tháng bảy. Dòng sông Đồng Nai dựng sóng như bờm ngựa. Xe chúng tôi lầm lũi đi trong mưa. Thị xã Long Khánh mới được lên thành phố chưa đầy hai tháng tuổi (từ 1-6-2019). Đường phố đèn màu vẫn giăng rực rỡ khắp nơi như vừa khai vương miện. Sắc cầu vồng trong mưa làm cho Long Khánh càng thêm mơ mộng với những câu chuyện cổ tích của tộc người Châu Ro, Châu Mạ tự xa xưa...

Ngôi mộ huyền bí trong xã bản Hàng Gòn

Hơn một trăm năm qua, khi thực dân Pháp đến Long Khánh đã dồn một số lớn dân Châu Ro từ dưới Bà Rịa lên trồng cao su. Những ông chủ Tây bóc lột sức người lao động để làm giàu cho mình. Đồn điền cao su rộng lớn đã thu hút người bản địa đến làm thuê. Làng người Châu Ro được hình thành từ đó và lấy tên địa phương là Hàng Gòn (cách TP Long Khánh 8km). Từ đây, con đường mới được mở xuyên qua rừng rậm và đồi cao đi về phía Biển Đông.

Năm 1927, ông Jean Bouchot, một kỹ sư người Pháp đã phát hiện ra một ngôi mộ cổ được chôn dưới căn hầm lớn tại Hàng Gòn. Đây là một ngôi mộ đá hoa cương có kích thước bất thường. Xung quanh ngôi mộ có mấy trụ đá cao tới 7,5 mét. Ngôi mộ được kết cấu hình hộp, bằng 6 tấm đá hoa cương, có các kích thước: dài 4,2m, cao 1,6m và chiều ngang tới 2,7m.

 Một góc TP Long Khánh hôm nay.

Một góc TP Long Khánh hôm nay.

Những tấm đá lớn này đều nặng tới cả chục tấn nên ngôi mộ được gọi tên "Mộ Cự Thạch Hàng Gòn". Đặc biệt đây là loại đá không có ở bất cứ địa phương nào của Đồng Nai và những tỉnh lân cận. Di chỉ đã được khai quật cho kết quả rất bất ngờ. Các hố khảo sát vùng chung quanh (rộng hơn 30 héc ta) tìm được hơn 5000 tiêu bản đồ đá, hàng trăm di vật đồ gốm và đồng.

Theo các nhà khoa học, những ngôi mộ đá được phát hiện trên thế giới cũng có kiến trúc, chất liệu giống như "Mộ Cự Thạch Hàng Gòn". Những ngôi mộ này là những thành tựu tiêu biểu cho một thời kỳ phát triển xã hội cách đây khoảng 2000 năm. Những điều bí ẩn trong "Mộ Cự Thạch Hàng Gòn" phản ánh dấu ấn kiến trúc và văn hóa tâm linh của cư dân cổ vùng đất Đồng Nai.

Chính vì thế, tại Long Khánh có tục lễ thờ "Ông Đá" vào ngày 13 tháng Chín âm lịch. Vào ngày này, dân khắp nơi đổ về chật kín con đường 56. Người dân cầu "Ông Đá" ban cho phước lành, trời đất bình an, làm ăn phát đạt. Miếu "Ông Đá" được dựng trước di chỉ "Mộ Cự Thạch".

Người Châu Ro còn có nhiều nghi lễ với những nội dung gắn bó với đời sống như cúng Thần Lúa, Thần Rùng, Thần Mưa…Họ tin mọi vật đều có hồn và thần linh chi phối. Thiết nghĩ cách đây 2000 năm, việc vận chuyển những tấm đá nặng hàng chục tấn từ vùng khác tới đây để xây mộ vẫn còn là điều khó giải thích.

Người trong các sắc tộc Châu Ro, Châu Mạ, hay Stiêng luôn chỉ nghĩ tới thần linh phù hộ. Di tích "Mộ Cự Thạch Hàng Gòn" được chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt cũng bởi những bí ẩn còn khép kín. Hơn nữa ngôi mộ đá này còn được lưu giữ như một tiêu bản khảo cổ kỳ bí của thế giới. Nó có sức thu hút và cũng là một thách thức với trí tuệ nhân loại trong quá trình khám phá và giải mã những điều câm lặng của đá.

Thành phố trẻ anh hùng

Tuy là thành phố mới hai tháng tuổi nhưng Long Khánh là vùng đất có nền văn hóa lâu đời, cũng như lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm rất mạnh mẽ. Lực lượng thanh niên bản địa, những người con của thành phố đã anh dũng chiến đấu, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Khí phách hiên ngang và tên tuổi của họ vẫn còn được ghi dấu ấn trên mọi nẻo đường đất đỏ Bazan.

Người dân của Thành phố trẻ đều nhớ tới những chiến công của nữ anh hùng liệt sĩ Hồ Thị Hương. Đây là một chiến sĩ trong tổ biệt động thành phố hoạt động bí mật trong suốt thời gian chuẩn bị cho chiến dịch Xuân Lộc (1975).

Mới chớm tuổi 16 (1970), Hồ Thị Hương đã tham gia Đội trinh sát vũ trang an ninh thị xã Long Khánh, với bí số H25. Hoạt động trong lòng địch thường phải đối diện với hiểm nguy bất thường. Tuy vậy Hồ Thị Hương luôn sáng tạo nhiều cách đánh địch.

Chiến công đầu tiên của Hồ Thị Hương là cùng đồng đội bí mật phục kích tiêu diệt địch vào năm 1973. Hồ Thị Hương trực tiếp hạ sát một tên ác ôn và một số sĩ quan tình báo. Năm sau, Hồ Thị Hương và một nữ chiến sĩ khác đóng vai người đi ăn tối với bạn lính để vào trong quán Hoàng Diệu, nơi các sĩ quan tình báo ngụy thường nhậu nhẹt ở đó. Hồ Thị Hương đã kín đáo gài mìn đặt giờ dưới bàn chỗ đông người. Sau khi các chiến sĩ rút ra ngoài, mìn phát nổ tiêu diệt được 20 tên lính biệt kích và làm bị thương 13 tên khác.

Chiến công tiếp theo diễn ra vào cuối năm 1974. Cũng tại một quán ăn của sĩ quan quân đội Mỹ ngụy, Hồ Thị Hương cùng đồng đội bí mật đặt 2kg thuốc nổ làm ngôi nhà bị sập, tiêu diệt 40 tên địch. Chúng đều là những cảnh sát dã chiến đặc biệt. Trong đó tên Quận phó Xuân Lộc chết tại chỗ. Trận đánh vào đêm 29-1-1975 tại quán nhậu Song Nga bị lỡ kế hoạch.

Khi Hồ Thị Hương và chiến sĩ Phùng Thị Thận đặt mìn xong thì bất ngờ bọn sĩ quan có lệnh tập hợp gấp nên đã ra khỏi nhà hàng. Hai người quay lại quán để lấy mìn gỡ kíp tự động. Không ngờ mìn phát nổ trước giờ đã định. Hồ Thị Hương trực tiếp ôm mìn nên đã anh dũng hy sinh.

Đó cũng là trận đánh cuối cùng của đội trinh sát biệt động Long Khánh. Vì chỉ mấy tháng sau, quân đội ta đã mở chiến dịch tấn công tuyến phòng thủ Xuân Lộc của địch.

Hòng chặn đánh quân đội ta từ hướng đông bắc tấn công vào Sài Gòn, kẻ địch đã dồn quân mở rộng tuyến phòng thủ ngay tại Xuân Lộc - Long Khánh. Chúng coi đây là "cửa tử" bằng mọi cách phải cố thủ kéo dài cuộc chiến càng lâu càng tốt. Lực lượng tiếp ứng phối hợp của chúng khá hùng hậu.

Cuộc tấn công của quân đội ta vào rạng sáng ngày 9-4-1975. Trong cơn vùng vẫy, ngoan cố, chúng cố thủ chống chọi quyết liệt suốt 12 ngày đêm. Quân ngụy còn được Mỹ trang bị bom hơi ngạt gây cho ta nhiều tổn thất. Cuối cùng, trước sức mạnh của quân đội ta cùng chiến sĩ địa phương phối hợp tấn công như vũ bão làm địch hoảng loạn bỏ chạy. Các chiến sĩ đã bắt sống Tỉnh trưởng Long Khánh.

Sáng 21-4-1975, thị xã Long Khánh được giải phóng. Chiến thắng Xuân Lộc đã mở rộng cửa ngõ tấn công của đại đoàn quân chủ lực trong chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn (30-4-1975).

Lên núi Chứa Chan

Ai cũng nói, đến Long Khánh mà chưa đến núi Chứa Chan của người Châu Ro thì coi như mất một nửa chuyến đi. Dân trong bản truyền tụng rằng: "Ai về Long Khánh -Chứa Chan. Núi hoa núi bướm muôn vàn mộng mơ. Anh về em đợi em chờ. Nghe chuyện cổ tích Châu Ro thắm tình…". Núi Chứa Chan đẹp như một bức tranh lụa có dáng hình vòng cung gồm ba đỉnh liên tiếp nhau giống hình bát úp.

Những cô gái Châu Ro.

Tuy chỉ cao thứ hai (837m) sau dãy Bà Đen (986m) ở Nam bộ, nhưng thế núi Chứa Chan lại hùng vĩ với những vách đá dựng đứng. Chính vì thế những nẻo đường leo núi của những phượt thủ bao giờ cũng hấp dẫn. Họ không chịu đi cáp treo mà mày mò khám phá vượt qua những dốc đá trơn trượt. Trên đỉnh núi có cây Đa Cụ ba thân cao tới 50 mét. Mọi người đến đây đều được nghe chuyện vì sao người Châu Ro lại đặt tên cho ngọn núi là Chứa Chan.

Tục truyền, vào thế kỷ 17, có một vị quan người Việt bị quân Khơme bắt giam trên núi. Đi theo ông là người vợ trẻ xinh đẹp tảo tần. Hai người sớm tối bên nhau trong hang sâu. Rủi thay, vợ ông bị vua Khơme ép về làm lẽ, cho dù biết bà đã có thai. Sau đó bà đã sinh một bé gái và được vua cưng chiều chăm sóc chu đáo.

Mười tám năm sau khi con gái lớn lên, bà đã kể lại sự tình và số phận của hai mẹ con ra sao. Người con gái bí mật lên núi tìm cha. Họ gặp nhau trong niềm tủi mừng khôn xiết. Bất ngờ cô gái quyết định trở về tìm mẹ để cùng cha chạy trốn. Vua Khơme hay tin cho quân truy đuổi. Ba người chạy đến ngọn núi này đã kiệt sức không còn đường thoát. Họ cùng nắm tay gieo mình xuống vực tự vẫn để mãi mãi ở bên nhau. Người dân đã lập đền thờ cho ba người dưới chân núi. Trong đền có ba bức tượng được đặt tên Ông Vàng, Cô Bạc, Cậu Chì để tưởng nhớ đến tình cảm gia đình chứa chan hạnh phúc. Cái tên Chứa Chan ra đời từ đó.

Vương Tâm

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/ai-ve-long-khanh-cung-toi-556048/