Ai về bến Ngự cho ta nhắn cùng

Đến với Huế, ai nấy đều nhớ đến câu ca dao: 'Núi Ngự Bình trước tròn sau méo. Sông An Cựu nắng đục mưa trong'. Núi Ngự Bình được coi như bức bình phong che cho kinh thành từ xa. Còn sông An Cựu lại bắt nguồn từ sông Hương, chia đôi phần nội đô phía đông thành phố. Bến Ngự nằm trên bờ sông An Cựu, đây là nơi vua nhà Nguyễn thường đỗ thuyền rồng mỗi khi lên làm lễ tế trời trên đàn Nam Giao.

Thuyền mơ trong khúc Nam ai

Dọc sông An Cựu có nhiều bến thuyền chợ qua lại. Riêng bến Ngự được xây dựng rộng rãi bằng những bậc đá cẩm thạch từ dưới lòng sông lên bờ. Bến gần đường cái quan (nay là đường Phan Bội Châu) dẫn lên đàn Nam Giao xa chừng bốn cây số.

Tiếp nối đường Phan Bội Châu, cây cầu sắt Bến Ngự vượt qua sông An Cựu, đi thẳng ra bờ sông Hương. Cạnh cầu là chợ Bến Ngự. Các bà các cô đi chợ ríu rít lắm. Nhất là khi xuống dốc "Bến Ngự" qua cầu, ai nấy quẩy gánh hàng nặng trĩu đôi vai nhưng vẫn cười chào, hỏi han mọi chuyện. Có cô vừa đặt quang gánh xuống đã lấy điện thoại gọi khách lấy hàng. Lại có cô vội chạy ra bến vục nước sông An Cựu vỗ lên mặt rồi cười tươi như hoa. Bến Ngự giờ là thế, rộn ràng, bỏ quên những vui buồn một thời quá vãng...

Nhà cách mạng Phan Bội Châu.

Nhà cách mạng Phan Bội Châu.

Đó là hình ảnh của một buổi sáng tinh mơ hiện ra trước mắt tôi trên cầu Bến Ngự, bất ngờ những đám mây từ biển trôi vào, gió mát lạnh, cơn mưa ập tới. Tôi chạy vào một hiên nhà trú nhờ. Bỗng nhiên đâu đó một giọng hát ngọt ngào từ phía bên kia sông vọng sang.

Những lời ca mà ai đã từng yêu Huế đều nhớ đến: "Ai về bến Ngự cho ta nhắn cùng. Bến xưa non nước Hương Bình. Những phút tàn canh. Vương vấn bao tình. Ai rứt sao đành…" (Đêm tàn bến Ngự). Đó là nỗi nhớ mà sầu muộn về Huế của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước (1915-1995), được ông viết trong đêm chia tay Huế (1946). Tâm trạng nhạc sĩ làm xao xuyến lòng người: "Sông nước lững lờ. Ai mong ai chờ đời vui chi trong sương gió. Đây phút cô đơn. Ai oán cung đàn sầu vọng thời gian...".

Tình cờ ba năm sau, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước gặp một người con gái bến Ngự trong đêm nhạc ở Hà Nội (1949). Đó là ca sĩ Minh Trang, người cất tiếng khóc chào đời tại nhà hộ sinh Bến Ngự năm 1921. Minh Trang đã từng hát tình khúc của Dương Thiệu Tước trên đài phát thanh và rất mến mộ ông. Đặc biệt "Đêm tàn bến Ngự" được coi là một trong những bài hay nhất về Huế. Hai người mới gặp mặt mà trái tim đã loạn nhịp, sửng sốt về nhau. Lúc này nhạc sĩ đã có gia đình, còn ca sĩ Minh Trang sống với hai con ở Sài Gòn, sau khi chồng mất vì bệnh tại Huế.

Ca sĩ Minh Trang nhận lời tỏ tình qua những bức thư chân thành của nhạc sĩ. Cô quyết định ra Hà Nội xin phép vợ cả của nhạc sĩ để đến với ông. Hai người chính thức hạnh phúc bên nhau. Ca sĩ Minh Trang thường biểu diễn những ca khúc của chồng như: "Đêm tàn bến Ngự", "Tiếng xưa", "Dòng sông xanh", "Dưới trăng", hay "Khúc nhạc dưới trăng", "Bóng chiều xưa", "Bến xuân xanh"…

Và đặc biệt ca khúc "Ngọc Lan" nhạc sĩ viết tặng vợ (1953), một trong những bài hát tiêu biểu của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Nhiều ca sĩ của các thế hệ đến nay vẫn chọn những ca khúc của ông để hát. Những ca sĩ lừng danh như Mai Hương, Khánh Ly, Thanh Thúy, Thái Thanh, Ý Lan, Quỳnh Giao, Thu Hà…đều biểu diễn thành công. Người nghe rất yêu nét mộng mị, lãng mạn và sang trọng qua những giai điệu đẹp, ẩn chứa âm hưởng dân tộc của Dương Thiệu Tước. Ông là một trong những người đi tiên phong trong sự nghiệp gây dựng nền tân nhạc ở nước ta.

"Ông già Bến Ngự"

Cơn mưa tạnh hẳn. Tôi thong thả dạo bước trên con đường dọc sông An Cựu. Người dân nơi đây kể: Xưa nhà cách mạng Phan Bội Châu vẫn thường ra đây câu cá. Ông thường neo thuyền tại bến Ngự, nhà ông cách đó 200 mét, ở trên dốc Bến Ngự (nay là số 119-phố Phan Bội Châu). Mái nhà tranh nhỏ bé nhưng luôn nhộn nhịp bước chân của bao người lưu lạc từ xa đến tìm ông.

Đây cũng là nơi thực dân Pháp giam lỏng ông từ năm 1925 đến khi mất (1940). Ai đến cũng hỏi thăm "Ông già bến Ngự" - biệt danh của Phan Bội Châu. Thật khó hình dung nổi một đấng anh hùng cái thế bị sa cơ, nay thường lênh đênh với con thuyền trên sông vịnh thơ, dạy học. Trong thời gian này, "Ông già bến Ngự" còn kiếm sống, nuôi vợ con bằng nghề viết sách báo và thảo câu đối thuê...

Phan Bội Châu thường ngồi câu cá tại bến Ngự và đôi mắt luôn hướng về phía biển. Bao chuyến ra đi từ biển tìm đường cứu nước, ông như con hùm xám mãnh liệt bị vết thương rỉ máu, ngậm hờn căm nung nấu ý chí trở lại rừng xanh. Ngôi nhà ông nay trở thành di tích danh nhân.

Tất cả những kỷ vật còn lại đều ẩn chứa nỗi bi phẫn trong lòng ông. Ông dồn tâm huyết vào những tác phẩm văn học để thức tỉnh mọi người. Tất cả hãy đứng lên làm cách mạng, cứu nước cứu dân. Thực dân Pháp thường xuyên cho mật thám theo dõi ông từng bước. Hồn thơ lai láng, nhiệt huyết bừng sôi, các tờ báo tiến bộ đến tìm "Ông già bến Ngự".

Những người hoạt động cách mạng đến học ông. Ai cũng bừng bừng khí thế cùng ông mỗi khi tiếp xúc. Họ ra về với ý chí: "Ái hữu chí từ nay xin gắng gỏi. Xếp bút nghiên mà tu dưỡng lấy tinh thần. Đừng ham chơi, đừng ham mặc ham ăn. Dựng gan óc lên đánh tan sắt lửa. Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ…" (Bài ca chúc tết Thanh niên -1927).

Sông An Cựu là nơi tập trung nhiều phủ đệ của các hoàng thân nhà Nguyễn.

Ngay cả khi rong chơi cùng ông bên sông Hương, đông đảo thanh niên vẫn học được những ý tưởng sâu sắc: "Giang sơn còn tô vẽ mặt nam nhi. Sinh thời thế phải xoay thời thế. Đạp toang hai cánh càn khôn. Đem xuân vẽ lại trong non nước nhà" (bài "Chơi Xuân"). Sau này, đến lúc ngã bệnh, ý chí Phan Bội Châu vẫn nóng bỏng như lửa cháy: "Gan vàng một khối nghe sôi mãi. Biết đã sờn chưa, sẽ hỏi trời".

Trước khi mất, ông còn lo đất để chôn cất những chiến sĩ một lòng tận hiến cho Tổ quốc. Đó là những nhà yêu nước như Nguyễn Chí Diểu, nữ sĩ Đạm Phương …. Những ngôi mộ không lúc nào nguội lạnh khói hương. Ngay trong nhà, ông còn cho xây mộ cho hai con chó trung thành dưới chân mộ mình. Sau 15 năm bị giam lỏng, Phan Bội Châu đã viết được tới ba mươi tác phẩm văn thơ.

Các nhà nghiên cứu văn học đã đánh giá xác đáng về ông, bởi không dễ gì có nhiều tác phẩm lay động quần chúng, kêu gọi mọi người đứng lên đấu tranh mạnh mẽ như văn chương của Phan Bội Châu.

Bức tượng thời gian

Hình tượng "Ông già bến Ngự" đã được nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn dồn tâm huyết sáng tạo. Đây là bức tượng chân dung Phan Bội Châu đặc sắc nhất của Lê Thành Nhơn. Đó là một kiệt tác có một không hai ở nước ta. Bức tượng chân dung bán thân gây ấn tượng sâu sắc. Gương mặt toát lên tinh thần quật khởi và ý chí cách mạng của Phan Bội Châu: "Sống là không, mà thác cũng là không, đạn kề cổ chẳng nhường cho giặc giết". Số phận bức tượng cũng kỳ lạ như cuộc đời Phan Bội Châu.

Bức tượng được khởi công từ năm 1973, trong khí thế sục sôi của phong trào thanh niên sinh viên đấu tranh ở các đô thị miền Nam. Có những lúc căng thẳng, cảnh sát bao vây ngoài công trường. Bên trong các văn nghệ sĩ vẫn hồ hởi tiếp tục làm tượng. Có lần cả nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly cũng đến hát động viên.

Không khí sục sôi như vào trận đánh vậy, nhất là khi bức tượng có khắc câu thơ: "Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ" của Phan Bội Châu. Chính quyền cũ thời đó ra lệnh cấm khắc thơ, nếu không sẽ hủy bức tượng. Công việc đang dở dang thì Huế được giải phóng. Pho tượng nằm yên ở phường đúc, đến mười năm sau công trình mới được trở lại, hoàn thiện đúng như ý tưởng của tác giả.

Nhưng do bức tượng đồng lớn và quá nặng (cao 3m - nặng 5 tấn) chưa biết đặt vào địa điểm nào cho hợp lý, nên có một thời gian dài (1988-2012) đặt tạm trong ngôi nhà tranh của Phan Bội Châu. Nhiều người còn nói vui, người sống đã khổ bị giam lỏng, khi chết đến bức tượng cũng bị "giam cầm". Nhưng rồi mọi sự được giải tỏa khi bức tượng tìm được đúng vị trí của nó tại công viên 19 Lê Lợi, ngay đầu cầu Tràng Tiền bên bờ sông Hương.

Ngày ngày người dân thành Huế thường "gặp" ông mỗi khi qua lại, ánh mắt ông vẫn ngời sáng khí phách hiên ngang. Mọi người luôn nhớ đến "Ông già Bến Ngự" ngày nào. Ông vẫn về câu cá như xưa, lắng nghe những điệu hò sông Hương và mỉm cười.

Vương Tâm

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/ai-ve-ben-ngu-cho-ta-nhan-cung-546890/