Ai tin và muốn Mỹ suy yếu?

Nếu quá khứ dạy cho hiện tại bất kỳ bài học nào, thì những lo ngại về sự suy yếu sắp tới của Mỹ có thể là vội vàng và thái quá.

Mỹ có sức mạnh và sức bền

Ngày 4/6 vừa qua, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long có bài viết đăng trên trang Foreign Affairs với tựa đề "Thế kỷ châu Á lâm nguy: Mỹ, Trung Quốc và hiểm họa của đối đầu".

Bài viết nhấn mạnh đến vai trò của Mỹ tạo dựng trật tự an ninh, môi trường ổn định và thịnh vượng cho nhiều nước châu Âu nửa sau thế kỷ 20.

Theo nhà lãnh đạo Singapore, tình thế hiện nay là “các nước châu Á đang hưởng lợi từ bảo trợ an ninh của Mỹ và kinh tế Trung Quốc trỗi dậy” sẽ bị buộc phải chọn phe, điều mà các nước này- gồm cả Singapore- không muốn.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long

Ông Lý Hiển Long bày tỏ tin tưởng chắc chắn, trái với một số học giả Âu-Á, là “Mỹ không phải đại cường đang suy yếu”. Ông khẳng định rằng, “Mỹ có sức bền bỉ và sức mạnh tuyệt vời, một trong số sức mạnh đó là khả năng thu hút tài năng từ khắp thế giới đến. Trong 9 người gốc Hoa đoạt giải Nobel trong khoa học tới nay thì 8 người là công dân Mỹ, hoặc nhập tịch Mỹ sau khi có giải”.

Nói về Trung Quốc, nhà lãnh đạo Singapore nhắc lại vị thế nghèo, tự cô lập của nền kinh tế Trung Quốc trước Mở cửa. Bản thân Trung Quốc từ thời Đặng Tiểu Bình đã hưởng lợi từ trật tự Mỹ hậu Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, sự vươn lên của Trung Quốc đã dẫn tới biến chuyển quan trọng về vị thế gần đây của nước này và họ đã không còn làm theo lời cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình là "giấu mình chờ thời".

Ông Lý Hiển Long viết: “Trung Quốc tự thấy họ là cường quốc lục địa và đang có khát vọng thành cường quốc hải dương nữa. Họ đang hiện đại hóa lục quân, hải quân và có mục tiêu biến quân đội thành lực lượng tác chiến đẳng cấp thế giới.

Và Trung Quốc, dễ hiểu thôi, đang ngày càng muốn bảo vệ và thúc đẩy quyền lợi của họ ở nước ngoài và đảm bảo giành vị thế mà nước này cho là chính đáng cho họ trong chính trị quốc tế".

Câu hỏi Mỹ hay Trung Quốc thắng ngày càng trở nên phổ biến

Những ý kiến của ông Lý Hiển Long tiểu biểu cho đánh giá của một quốc gia về tương quan sức mạnh của Mỹ, đặc biệt là đối với Trung Quốc hay Nga, trong cuộc cạnh tranh nước lớn. Hiện nay, có không ít ý kiến cho rằng ảnh hưởng và vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ đang suy giảm. Nhận định được hậu thuẫn bằng các bằng chứng về số liệu kinh tế, về so sánh lực lượng quân sự giữa Mỹ với các “đối thủ”.

Hãng tin AP cho biết, những nước từng là đồng minh thân cận của Mỹ như Pháp, Ai Cập, Pakistan, Afghanistan, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức và quốc gia khác đã lặng lẽ rời bỏ Washington trong 3 năm qua. Trong thời gian diễn Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại London, một camera truyền hình tại phòng tiếp tân trong Cung điện Buckingham đã cho thấy hình ảnh một nhóm các nhà lãnh đạo các nước châu Âu như Pháp, Anh, Hà Lan và Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã có những lời nói và hành động châm chọc Tổng thống Trump.

AP khẳng định, trong nhiều thế hệ, Mỹ coi mình là trung tâm của thế giới. Dù tốt hay xấu, hầu hết các nước trên thế giới đều coi Mỹ là “người khổng lồ”, tôn trọng Mỹ, sợ Mỹ và tìm đến Mỹ khi cần hỗ trợ.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright dưới thời Chính quyền cựu Tổng thống Clinton từng khẳng định: “Chúng ta là người Mỹ, chúng ta là quốc gia không thể thiếu”.

Sức mạnh và vai trò của Mỹ đang suy giảm?

Thế nhưng, giới phân tích dẫn ra hàng loạt số liệu chứng tỏ Mỹ không còn là người khổng lồ về kinh tế và quân sự duy nhất làm lu mờ hầu hết các quốc gia khác. Năm 1945, chỉ có Mỹ có vũ khí hạt nhân trên thế giới và Mỹ chiếm khoảng 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn thế giới.

Ngày nay, Mỹ chỉ chiếm khoảng 15% GDP toàn cầu và thậm chí Triều Tiên còn có vũ khí hạt nhân.

AP khẳng định, các quốc gia khác cũng đã phát triển vô cùng mạnh mẽ. Trung Quốc, từng là một quốc gia đói nghèo, nay đã trở thành một siêu cường mới nổi và là “người khổng lồ” về tài chính. Các quốc gia từ Brazil đến Ấn Độ đến Hàn Quốc đã trở thành cường quốc khu vực quan trọng.

Đừng vội coi thường Mỹ

Sự suy yếu của Mỹ còn được chứng minh thông qua các sự kiện Nga và Trung Quốc “tiến vào” các nước vốn là đồng minh hoặc bạn bè lâu năm của Mỹ. Ví dụ như trường hợp của Pakistan, nơi Mỹ từng có vai trò “độc tôn” thì này nhận viện trợ quân sự và đào tạo từ Nga và hàng tỷ USD đầu tư cũng như các khoản vay từ Trung Quốc.

Đối với Ai Cập, một trong những đồng minh Trung Đông thân cận nhất của Mỹ, Cairo hiện cho phép các máy bay quân sự Nga sử dụng căn cứ của mình và hai nước gần đây đã tổ chức các cuộc tập trận không quân chung.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã khẳng định rõ rằng châu Âu nên tìm đến Bắc Kinh, chứ không phải Washington, khi nói về các vấn đề toàn cầu, từ chiến tranh thương mại tới tham vọng hạt nhân của Iran.

Trong một cuộc phỏng vấn với Tạp chí Economist, ông Macron cho biết châu Âu đang đứng bên bờ vực khi đang trải qua quá trình "chết não", nhằm ám chỉ tới quyết định Mỹ rút quân khỏi miền Bắc Syria.

Lãnh đạo các nước đồng minh của Mỹ được cho là đang "châm chọc" Tổng thống D. Trump

Tuy nhiên, việc thu hẹp quy mô ảnh hưởng toàn cầu dường như nằm trong chiến lược chung của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump. Với chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trước tiên”, ông Trump khẳng định rằng một nước Mỹ mạnh có nghĩa là một thế giới mạnh.

Phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng 9/2019, Tổng thống Trump nói: “Tương lai không thuộc về những người theo chủ nghĩa toàn cầu. Tương lai thuộc về những người yêu nước”. Tổng thống Trump luôn cho rằng ông từ bỏ chủ nghĩa toàn cầu để theo đuổi chủ nghĩa song phương có lợi hơn cho nước Mỹ.

Hiện nay, có thể nhiều đồng minh và đối tác của Mỹ thất vọng trước hàng loạt động thái theo xu hướng biệt lập mà Washington đang theo đuổi, thậm chí có ý kiến nhận định Mỹ đang thất thế trong cuộc đua với Trung Quốc. Điều này dường như làm thỏa mãn Bắc Kinh và Moscow hơn là thực tế.

Mỹ có những vấn đề của mình nhưng không nên vội vàng đánh giá về sự suy yếu của siêu cường hàng đầu này

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho rằng các cường quốc hạng trung, vốn lo ngại rằng sự lãnh đạo của Mỹ trong trật tự quốc tế sẽ không chống đỡ nổi trước các chiến thuật mạnh tay của Trung Quốc ở nước ngoài, có lẽ không nên đánh giá thấp khả năng phục hồi của Washington.

Mặc dù giới lãnh đạo Mỹ tiếp tục phải đối mặt với sự cạnh tranh đáng kể từ Trung Quốc, song các sự kiện gần đây cho thấy Mỹ vẫn là quốc gia có khả năng đồng thời kiềm chế các hành động của Bắc Kinh và giúp duy trì các khía cạnh quan trọng của hệ thống quốc tế hiện nay, như luật pháp, tự do hàng hải và các tổ chức đa phương đáng tin cậy.

Theo tờ báo có trụ sở tại Hong Kong, mặc dù Mỹ bị coi là ngày càng suy yếu và thiếu trách nhiệm ở cả trong nước lẫn quốc tế, song những nhận thức này có thể thay đổi. Trong bối cảnh thế giới ngày càng quan tâm đến việc giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, những nỗ lực của Bắc Kinh - nhằm thiết lập một bộ quy tắc và thể chế quốc tế khác - đang bắt đầu “chùn bước”.

Nếu quá khứ dạy cho hiện tại bất kỳ bài học nào, thì những lo ngại hiện nay về sự suy yếu sắp tới của nước Mỹ có thể là vội vàng và thái quá.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/ai-tin-va-muon-my-suy-yeu-3404375/