Ai thắng trong tuần chứng khoán đầy sóng gió?

Trời càng tối thì sao càng sáng. Khi bóng đêm bao phủ toàn thị trường, một số cổ phiếu vẫn đi lên.

Hôm qua (9/2), thị trường chứng khoán kết thúc một tuần biến động bằng một cú ngã khác. Dự báo lạm phát Mỹ tăng, tiếp tục thúc đẩy lãi suất cho vay dài hạn, khiến nhà đầu tư lo ngại Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể tăng lãi suất tiêu chuẩn nhanh hơn dự kiến. Tiền liên tục tháo chạy khỏi những tài sản rủi ro như chứng khoán.

Chỉ số chuẩn Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 8,1% so với thời điểm 2/2, mức giảm tuần lớn nhất trong 2 năm. Nikkei châu Á 300 sụt 7,6%, nhiều nhất từ tháng 9/2011. Tất cả các chỉ số chuẩn trong khu vực đều đi xuống. Đặc biệt, VN index, Han Seng của Hong Kong và SSE Composite của Trung Quốc đại lục đều giảm hơn 9%.

Các chỉ số chuẩn trong khu vực tuần này (Nguồn: Quick).

Nhiều ý kiến, nhất là các nhà kinh tế, cho rằng các yếu tố cơ bản của nền kinh tế vẫn ổn định và những biến động này chỉ là do hiệu ứng của điều chỉnh chứng khoán Mỹ lan sang các thị trường khác.

"Thị trường chứng khoán Mỹ phải điều chỉnh 20-30% trong 6 tháng mới có thể tác động đến nền kinh tế thế giới", nhà kinh tế trưởng toàn cầu Klaus Baader của Societe Generale, nhận định. Dow Jones "mới" giảm 10% từ đỉnh gần đây.

Tuy nhiên tâm lý thị trường vẫn yếu giữa những lo ngại rằng đợt sụt giảm đã đi quá điều cần thiết. "Tôi biết giờ là lúc tuyệt vời để đi săn hàng giá rẻ, nhưng tôi vẫn run", một người giao dịch ở một ngân hàng Nhật Bản chia sẻ.

Một người đàn ông phản ứng sau khi nhìn bảng điện tử bên ngoài công ty chứng khoán ở Tokyo hôm 6/2 (Nguồn: Bloomberg).

Cứ như vừa tỉnh dậy từ một cơn mê, "bỗng nhiên nhà đầu tư chỉ lo tìm vết nứt thay vì cơ hội", người quản lý danh mục Tetsuo Seshimo tại công ty Saison Asset Management, cho biết.

Giữa cơn phong ba, 34 trong hơn 500 cổ phiếu của Nikkei 225 và Nikkei 300 vẫn đóng cửa tuần một cách tích cực.

Nhà điều hành khu nghỉ dưỡng sòng bạc Bloomberry Resort của Philippines tăng hơn 9%, trước thềm công bố kết quả kinh doanh quý IV. Các hãng dược Ấn Độ như Dr. Reddy's Laboratories hay Cipla đều phục hồi từ đợt lỗ tuần trước. Công ty may mặc Eclat Textile của Đài Loan, một trong những nhà cung cấp chính của Nike, tăng 3%, nhờ kết quả kinh doanh tốt - doanh thu tháng cao nhất từ tháng 11/2016.

Nhà sản xuất xe Nhật Bản Mitsubishi và Subaru cũng được lợi từ cải thiện triển vọng doanh thu. Công ty chất bán dẫn Hàn Quốc SK Hynix, hãng sản xuất cá hồi đóng hộp Thái Lan Thai Union và công ty bưu chính Singapore Post đều là những người thắng cuộc.

Người thắng kẻ thua (Nguồn: Nikkei).

Không khí ảm đạm hơn nhiều cho nửa kia của thị trường. Công ty công nghệ mạng Trung Quốc Leshi giảm mạnh nhất trong tuần thứ 2 liên tiếp sau khi báo cáo khoản lỗ ròng hàng năm đầu tiên. Cổ phiếu này giảm 40% tuần trước và 30% tuần này.

Các nhà sản xuất vật liệu thô Nhật Bản giảm mạnh. Công ty cáp Fujikura và nhà sản xuất thủy tinh nền Nippon Electric Glass đều mất 20% vì triển vọng yếu.

Nhà đầu tư dự đoán cơn hoảng loạn này sẽ tiếp tục. Chiến lược gia Takuya Takahashi của công ty chứng khoán Daiwa cho rằng dữ liệu lạm phát tháng 1 của Mỹ là một yếu tố cần theo dõi vì đây chính là nguồn cơn đợt bán tháo vừa qua trên thị trường. Dữ liệu sẽ được công bố vào 14/2.

Lâm Ngoc/ Theo Nikkei

Nguồn NDH: http://ndh.vn/ai-thang-trong-tuan-chung-khoan-day-song-gio--20180210023422787p4c146.news