Ai thắng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung?

Cuộc chiến thương mại sẽ chẳng khiến nước nào đạt được mục đích. Trung Quốc và Mỹ cần thiết lập một kênh thông tin liên lạc hiệu quả, để thương lượng và như Giáo sư kinh tế thuộc Đại học Harvard Dani Rodrik nói: 'Đừng áp đặt lên các nước khác những sự đè nén mà bạn sẽ không chấp nhận nếu phải đối mặt với tình cảnh của họ'.

Lý do của cuộc chiến

Có ba cách lý giải quan trọng giải thích lý do tại sao Mỹ phát động chiến tranh thương mại gần đây với Trung Quốc.

Đầu tiên, Mỹ muốn giảm thâm hụt thương mại. Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên twitter hôm 4/8 vừa qua rằng “Mỹ có thâm hụt thương mại 500 tỷ USD một năm, ngoài ra còn bị thiệt hại 300 tỷ USD do ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ. Chúng ta không thể để điều này tiếp tục xảy ra!”. Thứ hai, Mỹ muốn làm chậm sự tiến bộ của Trung Quốc trong việc tiến tới trở thành siêu cường công nghệ cao. Những lĩnh vực chính giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu này bao gồm cơ khí, điện tử và công nghệ tin học. Điều này cũng giống như việc Mỹ nhắm mục tiêu trực tiếp vào Kế hoạch “Made in China 2025” của Bắc Kinh. Thứ ba, Trump chủ trương “các cuộc trao đổi giao dịch ở mức cao” nhằm tạo lợi thế trong mặc cả.

Không có ai thắng trong chiến tranh thương mại, hoặc nếu có, cái giá phải trả cho chiến thắng là rất đắt. (Nguồn: Poundsterlinglive)

Bất luận đó là nguyên nhân gì, Trung Quốc đã bị “vùi dập” bởi chiến tranh thương mại. Trong hơn 5 tháng qua, chỉ số Shanghai Composite của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm gần 18% và Nhân dân tệ (NDT) mất gần 8% giá trị. Bởi vì Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu, chiến tranh thương mại sẽ khiến các công ty xuất khẩu của Trung Quốc mất gần 22 tỷ USD và sẽ là nguyên nhân gây ra tình trạng thất nghiệp, đặc biệt ở khu vực bờ biển phía Đông của nước này.

Ngay cả khi không có chiến tranh thương mại, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn ở trong nước. Sau nhiều năm, sự tiến bộ trong thay đổi cấu trúc kinh tế của Trung Quốc đang dần chậm lại. Tiêu thụ cá nhân tính theo phần trăm GDP của Trung Quốc đã tăng lên kể từ năm 2010, nhưng vẫn chưa đạt tới 40% (so với mức trung bình 68% của Mỹ).

Tổng tỷ lệ tiền gửi tiết kiệm của Trung Quốc là hơn 46% trong GNP so với 17,3% của Mỹ. Tiền gửi tiết kiệm quốc gia tiếp tục cao trong thời gian dài đã cung cấp đầy đủ đầu tư cho Trung Quốc và duy trì nó ở mức rất cao. Thậm chí hiện nay, đầu tư của Trung Quốc chiếm 44,4% GDP. Đầu tư dài hạn trên quy mô lớn đã tạo ra năng suất dư thừa đáng kể ở nhiều lĩnh vực, nhưng đồng thời cũng gây ra khoản nợ lớn - một phần trong khoản nợ này đã trở thành nợ xấu.

Trong bối cảnh Trung Quốc có những vấn đề nội bộ, chiến tranh thương mại sẽ chỉ khiến NDT mất giá thêm. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã thực hiện một loạt sáng kiến tiền tệ và tài chính để thúc đẩy cho vay và tái cấu trúc nợ. Những sáng kiến này có thể giúp cải thiện tình hình trong ngắn hạn, nhưng việc giải quyết các vấn đề một cách triệt để và để thành công sẽ mất nhiều thời gian hơn dự tính.

Nếu chiến tranh thương mại lùi lại đến cuối năm 2018 hoặc thậm chí sang năm 2019, sức ép giảm giá trị trường đối với NDT có thể sẽ tăng lên. Hơn nữa, các chỉ số kinh tế Mỹ trông có vẻ khỏe mạnh và việc tăng tỷ lệ lãi suất gần như bắt buộc sẽ khiến cho NDT tiếp tục mất giá.

Kịch bản tồi tệ nhất sẽ là một cuộc chiến thương mại dai dẳng với các mức tăng tỷ lệ lãi suất của Mỹ. Điều này sẽ gây ra quan điểm tiêu cực và có thể là nguyên nhân thoái vốn quy mô lớn từ Trung Quốc.

Trung Quốc và Mỹ cần thiết lập một kênh thông tin liên lạc hiệu quả để thương lượng. (Nguồn: AP)

Không ai đạt được mục đích

Nhưng liệu Mỹ có thể đạt được những mục tiêu mà nước này tìm kiếm từ cuộc chiến tranh thương mại?

Mỹ sẽ phải nỗ lực làm thất bại sáng kiến “Made in China 2025” của Trung Quốc. Sáng tạo công nghệ và đầu tư đang được chính phủ Trung Quốc thúc đẩy. Hiện có 1.775 công ty Trung Quốc có vốn mạo hiểm. Trung Quốc quyết tâm thu hẹp khoảng cách giữa nước này với các nước tiên tiến. Vì vậy, một cuộc chiến thương mại nhằm kìm hãm Trung Quốc phát triển công nghệ sẽ chỉ củng cố quyết tâm của lãnh đạo Trung Quốc nhằm thúc đẩy sáng tạo và giành được ưu thế về công nghệ, khi họ nhận thấy rằng họ không thể dựa vào các nước khác.

Cuối cùng, nếu Trump lên kế hoạch sử dụng cuộc chiến thương mại như một công cụ mặc cả, nên biết rằng nhiều khả năng Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp, ít nhất là trong ngắn hạn.

Sự tức giận của dân chúng và tình cảm dân tộc có thể sẽ “lất át” cuộc chiến thương mại, khiến chính phủ Trung Quốc không có lựa chọn ngoài chống cự. Trung Quốc có thể sử dụng việc “bán các thương hiệu của Mỹ” như một công cụ mặc cả quan trọng của mình, nhưng nếu chiến tranh thương mại kéo dài thêm nhiều tháng và nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tồi tệ, thế mặc cả của Mỹ có thể tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, dù bất cứ điều kiện nào, Trung Quốc khó có thể đi ngược lại những lợi ích quốc gia của mình.

Cuộc chiến thương mại sẽ chẳng khiến nước nào đạt được mục đích. Trung Quốc và Mỹ cần thiết lập một kênh thông tin liên lạc hiệu quả, gửi quan chức các cấp, những người hiểu rõ về nhau, đến để thương lượng và như Giáo sư kinh tế thuộc Đại học Harvard Dani Rodrik nói: “Đừng áp đặt lên các nước khác sự đè nén mà bạn sẽ không thể chấp nhận nếu phải đặt mình trong tình cảnh của họ”.

Thu Hiền

(theo Eastasiaforum)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/ai-thang-trong-cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-77033.html