Ai sẽ làm thay đổi nền giáo dục nếu không phải bắt đầu từ chúng ta?

'Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng ta nhắc nhau rằng, trong mọi hoàn cảnh, hãy giữ tâm sáng, chí bền, hành động chân chính. Vì rằng, ai sẽ là người làm thay đổi nền giáo dục, nếu không phải bắt đầu từ chúng ta'.

GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phát biểu tại buổi lễ.

GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phát biểu tại buổi lễ.

Đây là lời tâm huyết của GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong lễ mít tinh kỷ niệm 38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và khen thưởng bậc cao do nhà trường tổ chức hôm nay (20/11).

Trong ngày đặc biệt của nhà giáo, giáo sư, hiệu trưởng nghĩ đến các đồng nghiệp đang ngày đêm đối mặt với bao gian khó nơi biên ải xa xôi, nơi bản làng heo hút; những nơi phồn hoa đô hội mà trong lớp học chật chội có cả hơn 50 em đang phải chen nhau; và cả những ám ảnh sau cơn mưa lũ dữ dội ở miền Trung:

“Tôi cứ lan man nghĩ về những hình ảnh ám ảnh trong tôi về những mái trường tốc mái, những đống sách vở vùi dưới lớp bùn đất sau mùa sạt lở.

Tôi cứ nghĩ vẫn vơ về các phóng sự với cảnh ngập ngụa giữa mênh mông biển nước của các ngôi nhà và từng đôi mắt thất thần của bà con đến như vô vọng.

Trong tâm trí tôi cứ lởn vởn hình ảnh các chiến sỹ lấm lem, vạ vật giữa đất rừng ẩm thấp sau bao ngày kiệt sức cứu dân. Điều gì thôi thúc họ quên mình đến thế?”

Nhiều tập thể, cá nhân Trường ĐH Sư phạm Hà Nội được vinh danh tại buổi lễ.

GS Nguyễn Văn Minh cho rằng, giáo dục là khơi lên tình yêu quê hương đất nước như một bản năng của mỗi con người và dám xả thân vì những điều cao cả.

Giáo dục để mỗi người không còn cam chịu, tự vươn lên và hỗ trợ nhau đứng dậy. Giáo dục để phát triển vững bền và bảo đảm an sinh xã hội, để bình đẳng là quyền được hưởng của mỗi người.

Giáo dục là để làm khắc cốt ghi tâm những mạch ngầm trong muôn đời dân tộc, để bản sắc là cuộc sống mỗi ngày, để là hồng cầu trong từng huyết quản, để mai ngày con cháu chúng ta không phải đi tìm trong tự điển, không phải đi tìm trong kho tàng chuyện cổ xa xưa.

Giáo dục là ươm mầm khát vọng, những ước mơ chân chính cho đời.

Giáo dục là dạy cho trẻ biết yêu thương thiên nhiên, dòng sông bến nước, yêu rừng, yêu cây cỏ xanh đời; biết giữ gìn lấy nó, trước khi dạy cho trẻ những tri thức cao siêu để hiểu hơn và lý giải; để nhận thấy rằng, mất cây xanh là mất cả cuộc đời; trời đất không hòa thì con người khó sống.

Giáo dục là bồi đắp lòng biết ơn trong mỗi người con đất Việt, để trân quý hôm nay và hành động ngày mai.

Giáo dục là mở ra cánh cửa bên ngoài, để định vị được mình, định vị được đất nước để dám dấn thân cho những điều tốt đẹp.

“Chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự thay đổi và tác động của công nghệ lên nhiều mặt đời sống xã hội diễn ra chóng mặt, tri thức mỗi ngày ngồn ngộn tăng lên, sự phát triển diễn ra nhanh chóng. Biển thì rộng mà tàu thuyền nhỏ bé, đất thì mênh mông mà sản vật vẫn nghèo. Thời đại số mà nhiều nơi chưa phủ sóng; trẻ còn mơ được mặc ấm, ăn no. Đồng nghiệp chúng ta đang mơ có ngôi trường không lo mùa mưa bão… Nếu không đau đáu với những nỗi đau nghèo khó, không nhìn ra thế giới bên ngoài thì lấy gì thôi thúc để mỗi người vươn dậy, để mai ngày đất nước tự cường.” – GS Nguyễn Văn Minh chia sẻ tâm tư.

Khẳng định sự bền vững muôn đời của một đất nước là từ giáo dục và cách giáo dục, GS Nguyễn Văn Minh cũng cho rằng, dù đang phải đối diện với thách thức, khó khăn, nhưng với ý chí, quyết tâm và đưa ra được giải pháp, chúng ta sẽ vượt qua được.

Tại dịp đặc biệt này, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã vinh danh những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Theo đó, 1 tập thể được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 5 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học-công nghệ giai đoạn 2016-2020 và 38 cá nhân đạt thành tích xuất sắc, có nhiều đóng góp trong hội thi giảng viên giỏi Nghiệp vụ sư phạm toàn quốc lần thứ nhất năm 2020, được nhận Giấy khen của Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/ai-se-lam-thay-doi-nen-giao-duc-neu-khong-phai-bat-dau-tu-chung-ta-8YUtRYoGR.html