Ai sẽ được hưởng lợi từ gói an sinh 62.000 tỷ đồng?

Đây là chủ đề của buổi giao lưu trực tuyến do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Báo Điện tử Dân trí tổ chức ngày 8-5, tại Hà Nội với sự tham gia của 3 khách mời: Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh; Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Thanh Việt; Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nam Nguyễn Mạnh Tiến.

Được xây dựng trong một thời gian ngắn, gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng là cụ thể hóa những chỉ đạo từ Nghị quyết số 42/2020/NQ-CP và Quyết định số 15/QĐ-TTg của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Chỉ sau một thời gian ngắn từ khi ban hành Nghị quyết số 42/2020/NQ-CP và Quyết định số 15/QĐ-TTg, các địa phương đã khẩn trương rà soát, lập danh sách và chi trả bước đầu tới một số nhóm người dân. Việc chi gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho 20 triệu người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đang là mối quan tâm của toàn xã hội, nhằm đảm bảo sự công khai, minh bạch, đúng người và kịp thời nhất.

 Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến.

Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, các địa phương đã rất chủ động, ban hành các kế hoạch triển khai và hiện nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch triển khai, đặc biệt, nhiều địa phương cũng chủ động ban hành những chính sách riêng của địa phương để hỗ trợ những đối tượng khó khăn như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Quảng Ninh… Theo số liệu báo cáo của các địa phương, hiện nay khoảng 20.000 tỷ đồng đã được chuyển tới tay người dân thuộc những nhóm nhận hỗ trợ đầu tiên. Đặc biệt số đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo đã được rà soát danh sách đầy đủ.

Tại buổi giao lưu trực tuyến, nhiều câu hỏi xoay quanh việc thực hiện chi trả, những đối tượng nào được hưởng lợi từ gói hỗ trợ, khi nào nhận được tiền hỗ trợ đã được đặt ra cho các khách mời. Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, trong số các nhóm đối tượng thụ hưởng gói an sinh xã hội này, thì nhóm đối tượng lao động phi chính thức (lao động tự do) là nhóm đối tượng khó chi trả nhất vì rất khó xác định đối tượng này.

Do vậy, khi thiết kế xây dựng chính sách hỗ trợ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xác định trước hết lao động tự do là những người bán hàng rong, người buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định, người thu gom phế liệu, bốc xếp, vận chuyển hàng hóa, xe ôm, người bán vé số... Để nhận được tiền hỗ trợ, đối tượng này phải đáp ứng điều kiện trước hết là mất việc, không có thu nhập, hoặc thấp hơn chuẩn cận nghèo. Bên cạnh đó, người lao động phải có cư trú hợp pháp tại địa phương (thường trú hoặc tạm trú).

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cũng cho rằng, đối với gói an sinh xã hội này, chính quyền địa phương cấp xã giữ vai trò hết sức quan trọng. Cho nên cấp xã phải phát huy được vai trò của người dân địa phương, đồng thời Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã phối hợp với cán bộ cấp xã giám sát trong việc lập danh sách các đối tượng, đảm bảo việc triển khai đúng đối tượng, công bằng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng chính sách đồng thời xử lý nghiêm tất cả các vi phạm.

BĂNG CHÂU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/ai-se-duoc-huong-loi-tu-goi-an-sinh-62-000-ty-dong-617345