Ai sẽ bị tội trong vụ tai nạn kinh hoàng ở Tây Ninh?

Liên quan tới vụ tai nạn kinh hoàng ở Tây Ninh làm năm người chết, theo luật sư, ngoài tài xế xe đầu kéo trực tiếp gây tai nạn thì tài xế xe container đậu trên đường cũng có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự.

Theo Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn Luật sư TP.HCM) với hình ảnh camera cho thấy, có thể tài xế xe đầu kéo đã không làm chủ được tốc độ, dẫn đến xử lý tình huống không kịp nên đã cho xe lấn làn của xe ô tô con, gây ra tai nạn.

“Theo tôi, trong trường hợp này công an cần dựng lại hiện trường thật kỹ, trưng cầu giám định về tốc độ xe để xác định lỗi của tài xế xe đầu kéo. Nếu quả thật tài xế vi phạm về tốc độ và nguyên tắc lái xe, thì người này có thể bị khởi tố vụ án với tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo khoản 3 Điều 260 BLHS 2015 (làm chết ba người trở lên) có khung hình phạt tù từ 7 đến 15 năm”, Luật sư Phát nói.

Xe đầu kéo tại hiện trường. Ảnh: NGUYỄN TÂN

Xe đầu kéo tại hiện trường. Ảnh: NGUYỄN TÂN

Luật sư Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn Luật sư TP.HCM) bổ sung: Theo camera thì thấy rằng tài xế xe đầu kéo cho vượt không đảm bảo an toàn, lấn làn, chạy với tốc độ cao (cho tới thời điểm này chưa xác định có vượt tốc độ quy định hay không) rồi gây ra tai nạn.

Căn cứ vào hiện trường tai nạn, camera an ninh và camera hành trình, hộp đen buộc phải trang bị bắt buộc trên xe đầu kéo. Nếu xác định tài xế xe đầu kéo chạy vượt quá tốc độ quy định, chở quá tải, hệ thống thắng... không đảm bảo an toàn thì lái xe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 260 BLHS 2015 (tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, với mức án từ 7 đến 15 năm tù).

Ngoài ra, tài xế xe đầu kéo còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Đối với trách nhiệm dân sự, theo Điều 601 BLDS 2015, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Cũng theo camera, tài xế ô tô cũng đã cố gắng hết mức để hạn chế thiệt hại, hậu quả đối với sự kiện bất ngờ, nhưng đáng tiếc vẫn xảy ra. Việc xác định tài xế ô tô con có vi phạm khi điều khiển xe hay không cũng cần xem xét camera an ninh, camera hành trình để xác định tốc độ khi lái xe, có dẫn đến mất kiểm soát khi có sự kiện bất ngờ xảy ra hay không…

"Có một chi tiết khá quan trọng, đó là có một chiếc xe container khác đang dừng, đỗ chiếm gần hết làn đường của xe cùng chiều, do đó buộc các xe khác phải di chuyển vượt, thậm chí lấn qua làn ngược lại. Đây cũng có thể được xem là một trong các nguyên nhân gây ra tai nạn thảm khốc trên.

Cho nên, nếu xác định xe container đang dừng, đỗ trái quy định tại nơi cấm dừng đỗ, hoặc dừng đỗ xe không đảm bảo an toàn, không đặt để biển, hiệu báo... khi bị hư hỏng sửa chữa thì tài xế xe này cũng phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 BLHS 2015", Luật sư Nghĩa nhấn mạnh.

Tất nhiên, tất cả những điều nói trên cũng chỉ là giả thiết, khi có kết luận của cơ quan chức năng về nguyên nhân dẫn đến tai nạn, cơ quan tố tụng sẽ có quyết định phù hợp.

Theo Ban an toàn giao thông tỉnh Tây Ninh, vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 6 giờ 15 phút ngày 14-6. Xe đầu kéo biển số 52C-84780 kéo theo rơ móc biển số 51R-32349 do tài xế Trần Đình Trung (sinh năm 1984, quê Bình Định) điều khiển theo hướng từ TP.HCM về Tây Ninh.

Khi đến Cổng chào Tây Ninh thì tông trúng ô tô con biển số 51F-37000 do tài xế Nguyễn Văn Diệp (sinh năm 1949) điều khiển đang chở một gia đình gồm bốn người trong đó có một cháu mới 9 tuổi, cùng ngụ ở huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Vụ tai nạn làm cho cả năm người trên ô tô con tử vong.

NGÂN NGA

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/ai-se-bi-toi-trong-vu-tai-nan-kinh-hoang-o-tay-ninh-840054.html