Ai phải bồi thường vụ 8 bệnh nhân chạy thận tử vong ở Hòa Bình?

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Cty Luật TNHH Trường Lộc cho biết, viên chức khi thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được phân công gây thiệt hại cho người khác thì đơn vị sự nghiệp công lập phải bồi thường thiệt hại do viên chức gây ra.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Liên quan tới việc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình chưa bồi thường cho 8 gia đình nạn nhân chạy thận nhân tạo tử vong xảy ra 6 tháng trước, trao đổi với Tiền Phong ngày 16/11, luật sư Nguyễn Anh Tuấn – Công ty Luật TNHH Trường Lộc cho biết, theo quy định tại khoản 2, Điều 24, Nghị định 27/2012/NĐ-CP Quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức: Viên chức khi thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được phân công có lỗi gây thiệt hại cho người khác thì đơn vị sự nghiệp công lập phải bồi thường thiệt hại do viên chức thuộc quyền quản lý gây ra theo quy định của pháp luật dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng;

Viên chức có lỗi gây thiệt hại cho người khác mà đơn vị sự nghiệp công lập đã bồi thường phải có nghĩa vụ hoàn trả cho đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định này.

Trước đó, ngày 13/11 xuất hiện thông tin cả 8 gia đình có nạn nhân chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình tử vong nhưng chưa được nhận tiền bồi thường sau gần 6 tháng xảy ra sự cố với lý do gia đình chưa thể xuất trình hóa đơn tài chính việc ma chay.

Theo các gia đình nạn nhân, mức bồi thường 250 triệu đồng bao gồm hỗ trợ tổn thất tinh thần, chi phí mai táng. Những gia đình có con dưới 18 tuổi sẽ tính khoản riêng.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đưa ra các mức đền bù khác nhau, thấp nhất trên 136 triệu đồng, cao nhất 242 triệu đồng kèm theo yêu cầu các gia đình phải cung cấp những hóa đơn cùng với chi phí mai táng. Tuy nhiên, gia đình nạn nhân không đồng ý với cách tính này bởi mọi người mất là như nhau, không thể căn cứ vào độ tuổi, tình trạng bệnh để tính toán mức đền bù.

Tiếp đó, phía bệnh viện đề nghị hỗ trợ trước phí mai táng, còn các khoản khác tính sau. Gia đình các bệnh nhân không đồng ý, với lý do “các khoản kia biết đến bao giờ mới được lấy?”. Hiện nay gia đình 8 nạn nhân tiếp tục gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Theo Sở Y tế Hòa Bình, hóa đơn ở đây không phải là hóa đơn đỏ, chỉ là chứng từ hoặc giấy tờ vì nếu không có bệnh viện khó quyết toán số tiền này vì không có cơ sở. Trước mắt, bệnh viện dự kiến tạm ứng hỗ trợ trước mỗi gia đình 50 triệu đồng để lo các chi phí này. Còn lại phải chờ phán quyết của tòa án.

Minh Đức - Nguyễn Hoàn

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/phap-luat/ai-phai-boi-thuong-vu-8-benh-nhan-chay-than-tu-vong-o-hoa-binh-1208603.tpo