Ai phá tường chùa Vàng?

Báo Đại Đoàn kết đã có 3 bài phản ánh các sai phạm tại di tích quốc gia chùa Vàng (xã Cổ Bi, Gia Lâm, Hà Nội). Mới đây, UBND huyện Gia Lâm có văn bản gửi Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội và báo Đại Đoàn kết thừa nhận có sai phạm, nhưng không chỉ rõ những ai là người gây ra sai phạm.

Một phần khu vực bảo vệ II của chùa Vàng bị phá hoại. Ảnh chụp ngày 6/2/2021.

Một phần khu vực bảo vệ II của chùa Vàng bị phá hoại. Ảnh chụp ngày 6/2/2021.

Trưa ngày 11/3, bà Phùng Thị Hoài Hương, Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao huyện Gia Lâm đã tiếp phóng viên báo Đại Đoàn kết. Tại buổi làm việc, bà Hương cung cấp cho phóng viên văn bản số 547/UBND-VHTT gửi Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội và báo Đại Đoàn kết.

Văn bản số 547/UBND-VHTT viết: “…Báo cáo số 14/BC-UBND ngày 5/2/2021 của UBND xã Cổ Bi, ngày 22/1/2021 UBND xã Cổ Bi đã chủ trì làm việc với lãnh đạo và nhân dân thôn Vàng (gồm các thôn Vàng 1, Vàng 2, Vàng 3, Vàng 4) và nhà sư Thích Thanh Tâm trụ trì chùa Vàng. Theo đó lãnh đạo thôn Vàng và nhân dân giải trình: Đoạn đường giáp với khu di tích đình - chùa Vàng nhỏ hẹp thường xuyên xảy ra tai nạn (đã từng có vụ tai nạn chết người); đồng thời gắn với chủ trương xây dựng Nông thôn mới cải tạo, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường trong thôn; do đó lãnh đạo và nhân dân thôn Vàng đã họp quân - dân chính ngày 30/11/2020, thống nhất đề xuất mở rộng 2m đối với tuyến đường dài khoảng 70m; phần đất tuyến đường mở rộng nằm trong khu vực II bảo vệ di tích Đình - Chùa Vàng, hiện trạng được sử dụng làm khu sân chơi bóng chuyền và tổ chức các lễ hội của làng. Việc mở rộng tuyến đường này, nhà sư Thích Thanh Tâm chưa đồng thuận và cho rằng phần đất này đã được cấp GCN cho chùa Vàng sử dụng; Tiểu ban Quản lý di tích và nhân dân thôn Vàng đề nghị các cấp có thẩm quyền kiểm tra, xem xét lại quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chùa Vàng vì diện tích cấp cho chùa Vàng nhân dân chưa thống nhất”.

Văn bản cũng cho biết: “Ngày 15/1/2021, Tổ công tác của UBND xã Cổ Bi tiến hành kiểm tra hiện trạng sử dụng đất chùa Vàng đã phát hiện Tiểu ban Quản lý di tích và một số nhân dân thôn Vàng đang thi công san lấp, dọn dẹp, đào móng xây tường để mở rộng đường với chiều dài khoảng 70m, rộng khoảng 2m, thuộc phần đất nhà kho hợp tác cũ, khu vực bảo vệ II của di tích. Tổ công tác đã lập biên bản yêu cầu dừng toàn bộ hoạt động thi công tại khu vực di tích và hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép cải tạo, sửa chữa xây dựng đất trên đất di tích theo quy định của pháp luật…”.

Như thế là đã rõ. Hành vi phá hoại chặt cây, phá tường, lấn đất chùa Vàng là có tổ chức và cố tình. Bởi vì từ ngày 30/11/2020 họ đã họp nhau bàn việc mở đường. Và dù đã được sư trụ trì cảnh báo khu vực bảo vệ II của di tích đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng vào ngày 9/12/2020 họ vẫn chặt cây và ngày 11/12/2020 thì phá tường. Việc làm của họ được xã Cổ Bi “bưng tai, bịt mắt” làm ngơ. Phải hơn một tháng sau (ngày 15/1/2021), xã Cổ Bi mới đến lập biên bản. Tuy nhiên, việc lập biên bản với nội dung “vẽ đường” làm hồ sơ xin cải tạo đã “bật đèn xanh” cho những người vi phạm để họ tiếp tục thực hiện hành vi san lấp, dựng cột điện, cột đèn, chăng dây… trong khu vực di tích.

Liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của chùa Vàng, phóng viên đã thu thập được nhiều tài liệu, cho thấy diện tích đình - chùa Vàng từ trước khi được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1995 đến nay tương đối ổn định. Một số người dân thôn Vàng cũng cho biết: Phong trào đánh bóng chuyền cũng chỉ mới diễn ra những năm gần đây, khi chùa Vàng đã được công nhận di tích. Trích lục bản đồ từ năm 1974 và khoanh vùng bảo vệ di tích đình chùa Vàng năm 1995 cũng đã thể hiện khu vực bảo vệ di tích gồm 2 vùng: Khu vực 1 là 4.752 m2, khu vực 2 là 1.297 m2 (kho hợp tác cũ). Vì vậy, khi thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đình Vàng (năm 2017) và Quyết định cấp đất cho chùa Vàng của UBND TP. Hà Nội (năm 2019) đều không có tranh chấp, khiếu kiện gì.

Diện tích đất của di tích không có tranh chấp. Vậy thì việc nại ra lý do nguyện vọng của lãnh đạo thôn, của một số người dân cần mở đường rồi gửi văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội “kiểm tra hồ sơ, quy trình cấp giấy chứng nhận QSD đất chùa Vàng” trong khi không xử lý sai phạm, phải chăng chính là hành vi bao che, dung túng cho việc phá hoại di tích?

Trao đổi với phóng viên, một số người dân thôn Vàng đề nghị chính quyền xã Cổ Bi cần làm rõ những ai đã có hành vi phá hoại. Những ai trong Tiểu ban Quản lý di tích mà lại có hành vi phá di tích như thế thì phải loại bỏ khỏi Tiểu ban Quản lý di tích. Chi phí cho các hành vi xâm phạm di tích được lấy từ nguồn nào?. Những người vi phạm phải bồi thường. Nếu chính quyền xã Cổ Bi không làm rõ được thì đề nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, làm rõ, xử lý trước pháp luật.

Huy Văn - Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ai-pha-tuong-chua-vang-556140.html