Ai nuôi ai, ai tri ân ai?

Mục Đồng lặng lẽ gom những tấm ảnh nghệ sĩ mà mình sưu tầm được, bỏ hết vào sọt rác. Tiều Phu ngạc nhiên: 'Con không còn thần tượng các nghệ sĩ nữa à?'.

Mục Đồng trả lời: “Con phải suy nghĩ lại, cha à. Bây giờ, người ta quan niệm “khán giả không nuôi nghệ sĩ” và “nghệ sĩ không cần tri ân khán giả”. Vì vậy, một khán giả vùng sâu, vùng xa như con không thể dễ dãi trong việc tiếp nhận thần tượng.

Tiều Phu nhìn vẻ mặt hoang mang của thằng con mà bất giác thấy buồn mông lung. Đúng là trên các diễn đàn đang sôi sục bàn về quan hệ giữa nghệ sĩ và công chúng. Một nữ đại gia cho rằng “nghệ sĩ kiếm tiền từ công chúng mà lại im lặng hại công chúng” không phải không có lý khi thấy nhiều ngôi sao từng hò reo cổ vũ cho “thần y” Võ Hoàng Yên giở trò bịm bợp nhưng không biết nói một lời xin lỗi đám đông.

Chuyện chưa dừng ở đó, một ông đạo diễn tầm tầm viết trên trang cá nhân “Xã hội luôn có sự phân công lao động nên bất cứ đóng góp của ngành nghề nào cũng được trân trọng… Vậy mà nghệ sĩ sống bằng nghề nghiệp thì phải mang ơn khán giả, phải nghĩ là được khán giả nuôi, phải tri ân khán giả, phải quan niệm là chén cơm của mình là khán giả ban cho? Ủa, sao ngộ vậy?”. Nói như ông đạo diễn, thì hồn ai nấy giữ, không ai nuôi ai và cũng không ai tri ân ai.

Tiều Phu quay sang gợi ý cho Mục Đồng: “Nếu không có những đồng cỏ thì chắc chắn con không thể nào chăn trâu được. Cũng giống như cha, không có những cánh rừng thì cha không thể tìm đâu ra gánh củi khô để bán mỗi ngày. Vì vậy, cha biết ơn những cánh rừng!”. Mục Đồng hùa theo: “Con cũng biết ơn những đồng cỏ!”.

Tiều Phu tiếp lời: “Chỉ những người làm nghề chuyên nghiệp mới hiểu được đối tượng nuôi sống mình. Nghệ sĩ nào thấy khán giả không nuôi họ, nghĩa là nghệ sĩ ấy chỉ là hạng nghiệp dư, bước lên sân khấu kiểu mua vui nhất thời và cầu may danh lợi”.

Mục Đồng à lên một tiếng, rồi thắc mắc: “Vậy khán giả có phải tri ân nghệ sĩ không?”. Tiều Phu gật gù: “Có chứ. Đó là sự lễ độ tối thiểu của một con người lương thiện. Nghệ thuật cũng là một món ăn tinh thần cần thiết cho đời sống. Chúng ta bưng bát cơm thơm thì phải tri ân người trồng lúa. Cũng như chúng ta xem một bộ phim thì phải tri ân người thể hiện”.

Mục Đồng hào hứng: “Con hiểu rồi. Khán giả nuôi nghệ sĩ đâu chỉ bằng những đồng tiền mà họ bỏ ra cho vở diễn hay cho đêm nhạc”.

Tiều Phu chốt hạ: “Không có khán giả thì sẽ không có nghệ sĩ, con ạ. Một tiếng vỗ tay, một câu khen ngợi, một lời chê bai từ phía khán giả đều là yếu tố để chứng minh sự tồn tại của nghệ sĩ”.

HAI HUYỀN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/ai-nuoi-ai-ai-tri-an-ai-d291147.html