'Ái noọng Việt'

Những ngày cuối tháng 10, dù bận bịu với việc chuẩn bị tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam tại Lào, nhưng Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội, nguyên Chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, Trưởng ban liên lạc toàn quốc Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam tại Lào vẫn dành thời gian trò chuyện với chúng tôi tại tư gia ở phố Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương có 11 năm gắn bó với đất nước Lào. Ông cũng từng là cố vấn cho các ông Khamtai Siphandon, Kaysone Phomvihane - 2 lãnh tụ của cách mạng Lào. Ở tuổi 98, nhưng Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương vẫn chưa một ngày ngơi nghỉ. Ông cùng đồng đội thường xuyên tổ chức các chuyến đi thăm lại những vùng đất trên đất nước Lào, nơi năm xưa các ông đã từng một thời "vào sinh ra tử" và tri ân bà con nơi đây. Theo chia sẻ của Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, chính nhân dân các bộ tộc Lào cũng mong mỏi gặp lại những đồng chí Việt Nam. Chẳng thế mà lời dặn “Các con Việt Nam gắng trở lại thường xuyên nhé, bản Lào nhớ lắm” của bà mẹ người Lào đã 105 tuổi ở Mường Ngòi, Nậm Bạc (Lào) trong lần gặp gần đây cứ văng vẳng bên tai những người lính tình nguyện mỗi lần trở lại...

Ngược dòng lịch sử cách đây 70 năm, khi Quân tình nguyện Việt Nam sang giúp Lào cùng chiến đấu chống kẻ thù chung, thấy bộ đội Việt Nam hiền lành, luôn dũng cảm hy sinh, che chở cho bạn, nhân dân Lào đã trân quý dành tặng danh xưng Bộ đội Phật. Đến khoảng những năm 1954 trở đi thì danh xưng này trở nên phổ biến trên nước bạn.

 Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương giới thiệu những bức ảnh ghi lại các chuyến đi thăm lại đất nước bạn Lào của mình.

Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương giới thiệu những bức ảnh ghi lại các chuyến đi thăm lại đất nước bạn Lào của mình.

“Khi tôi sang làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân tình nguyện, còn thấy người dân bạn gọi bộ đội ta là “ái noọng Việt”, nghĩa là “Bộ đội Việt là người con ưu tú của Lào”, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương kể.

Để được nhân dân Lào yêu quý, bên cạnh bản chất truyền thống, lý tưởng chiến đấu cao đẹp, trong sáng, Quân tình nguyện Việt Nam đã coi trọng “ba cùng” khi làm nhiệm vụ. Hễ rời tay súng chiến đấu, là họ lại “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với người dân bạn. Chính ủy Huỳnh Đắc Hương nhớ mãi kỷ niệm bộ đội ta đi vận động người Mông ở Lào từ bỏ tập tục chấm xôi, thịt vào miệng người chết rồi cầm lên ăn nhằm thể hiện tình cảm tiếc thương. Để làm được điều đó, Bộ đội Việt Nam phải dành biết bao tâm huyết, sự kiên nhẫn, khéo léo. Thậm chí lúc đầu để người dân Lào tin tưởng, bộ đội tình nguyện cũng làm như họ để bà con công nhận bộ đội là người bản mình. Khi nhân dân đã tin tưởng, thì họ sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ ta hoàn thành nhiệm vụ. Chính vì vậy mà, dù theo phong tục ở Lào, mỗi gia đình thường có một phòng riêng cho phụ nữ. Đây là khu vực người ngoài bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, khi địch đến lùng sục, bắt bớ người dân Lào đã đem bộ đội Việt Nam vào “vùng đất cấm” đó che giấu, bảo vệ. Đó là sự tin cậy, quý mến đến mức đặc biệt, vượt qua mọi tập tục của văn hóa nước bạn.

“Tháng 9-1969, tôi được Quân ủy Trung ương điều về làm Cục trưởng Cục Cán bộ, Tổng cục Chính trị. Nhận nhiệm vụ mới được đúng 3 ngày thì Mỹ và quân ngụy Lào cùng bọn phỉ Vàng Pao huy động tổng lực mở Chiến dịch Cù Kiệt hòng “rửa hận” cho những thất bại liên tiếp của chúng ở Thượng Lào. Thế là tôi nhận lệnh trở lại Tây Bắc để phối hợp với bạn mở chiến dịch lớn mang tên Toàn Thắng, đập tan cuộc hành quân lấn chiếm Cánh Đồng Chum của địch”, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương kể lại. Thời điểm đó bộ đội ta cũng vừa vừa rút về nước hồi tháng 7, lương thực, đạn dược dự trữ ở chiến trường đều vô cùng thiếu thốn. Lực lượng quân tình nguyện bám trụ lại chiến trường đói ăn đã hơn một tuần. Bộ đội bị kiết lỵ, phù thũng mà vẫn dìu nhau hành quân. Trong khi địch gây khó cho ta bằng cách tàn sát, đốt phá, cướp sạch mọi thứ trong dân, nhưng quân tình nguyện vẫn dìu dắt nhân dân Lào vượt vòng vây, sẵn sàng chia sẻ từng bát gạo, củ rừng.

Trở lại chiến trường, Chính ủy Huỳnh Đắc Hương nhanh chóng cùng Bộ tư lệnh chiến dịch ổn định tình hình, làm công tác tư tưởng động viên bộ đội yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Một ngày trung tuần tháng 9-1969, sau khi Đảng ủy, Bộ tư lệnh chiến dịch hạ quyết tâm xong, Chính ủy Huỳnh Đắc Hương và Tư lệnh chiến dịch Vũ Lập cơ động từ sở chỉ huy tiền phương của ta đóng ở huyện Mường Pẹt sang gặp Bộ chỉ huy Quân đội Pathet Lào để thống nhất kế hoạch. Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương nhớ lại: “Biết đồng chí Tổng chỉ huy quân đội Lào Khamtai Siphandon đang chờ, theo phong tục của bạn chúng tôi muốn có một món quà gì đó tặng bạn, nhưng lúc đó không có cái gì trong tay. Dọc đường, đi qua một khu rừng ổi và ớt, tôi và anh Lập nảy ra ý hái một ít quả ổi, ớt chín đem tặng bạn. Khi đến nơi, cũng thấy đồng chí Khamtai Siphandon đem ra 5 quả ổi rất to và nói, chúng tôi chẳng có gì đãi các anh, vừa vào rừng hái được ít ổi. Nhìn món quà trùng hợp giữa lúc khó khăn, chúng tôi ôm lấy nhau mà rơm rớm nước mắt. Hình ảnh này in sâu đậm mãi trong lòng tôi, thực sự là hình ảnh ruột thịt trong cuộc đời chiến đấu của tôi”.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Thiếu tướng Huỳnh Ðắc Hương gợi nhắc tới nhiều hình ảnh những người dân Lào chân thành giúp đỡ bộ đội Việt Nam. Dù năm tháng đã trôi xa, tên tuổi của họ ông không nêu được chính xác nhưng việc làm ấy, ân tình ấy Bộ đội Việt Nam không bao giờ quên. Đó là lời một bà mẹ Lào: "Tao cứ tưởng tụi mày như lính Phu-ma, tao không tin, tao còn giấu nhiều thứ lắm. Bây giờ, tao mới biết, tụi mày tốt. Thuế má, nhà tao không phải nộp. Bắt được con cheo, tao được tự do hưởng. Ốm, tụi mày tới chăm sóc. Tụi mày như con của tao vậy. Cách mạng có khác, tao sẵn sàng giúp tụi mày". Đó còn là hình ảnh người cha Lào ngày đêm vót chông, đào hào đánh giặc, vượt qua bao nhiêu ngọn núi để báo tin giặc cho quân tình nguyện Việt Nam, hay những em gái Lào đem từng típ xôi, con cá khô, điếu thuốc, đi hết cánh đồng này đến khu rừng kia tìm anh em Việt Nam trong những ngày giặc càn...

Những hình ảnh tốt đẹp ấy góp phần khẳng định ý nghĩa của câu “Ái noọng Việt” bấy lâu nay!

Bài và ảnh: HƯỚNG NAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/ai-noong-viet-598524