Ai người cùng ta qua vùng nước cạn?

Tôi không phải là fan của Bradley Cooper, chưa bao giờ xem Lady Gaga đóng phim và chẳng mặn mà lắm với thể loại nhạc đồng quê.

Lần đầu hòa giọng của Jackson Maine và Ally.

Tôi tìm xem A Star Is Born (tựa Việt: Vì sao vụt sáng) bởi chưng yêu mến dòng phim ca nhạc. Đã từng phấn khích, ngây ngất với Dreamgirls, Fiddler on the Roof, Les Misérables, Beauty and the Beast, Sing, La La Land, Mamma Mia..., tôi tin rằng không gì ngọt ngào và bắt tai hơn việc dùng âm nhạc để thủ thỉ câu chuyện của mỗi người.

Và chỉ với khoảng 10 phút đầu tiên của A Star Is Born, tôi biết rằng niềm tin của mình không lầm lạc. Âm nhạc của phim không chỉ có country mà còn có pop, zazz, retro rock... - những dòng nhạc mà Lady Gaga đã thể nghiệm và gặt hái thành công. Điều đáng nói là, hào quang của Bradley Cooper và Lady Gaga dần nhạt nhòa, chỉ còn Jackson Maine và Ally - hai nhân vật chính, hai mảnh vỡ của đời bỗng chốc tinh khôi, nồng nàn, vừa khít hoàn hảo khi lồng ghép vào nhau. Vừa tươi sáng vừa tăm tối, vừa dịu dàng vừa gai góc, vừa thăng hoa vừa đau đớn, họ khiến người xem phải thổn thức khóc cười. Đó không phải là một cảm giác bồng bột. Tôi đã cùng rất nhiều khán giả âm thầm lặng đi, nấn ná nhìn những dòng chữ trắng trôi nhẹ trên màn hình đen đến phút cuối cùng. Riêng tôi bị những khúc ca “ám” đến mức phải quay trở lại phòng chiếu một ngày sau đó.

Quả vậy, nói không ngoa, phần âm nhạc chính là “những quặng vàng được chôn sâu trong lòng vỉa California” được khai quật và chế tác cực kỳ hiệu quả, mạnh mẽ suốt 137 phút của bộ phim. Sẽ là không thể và không tha thứ được nếu chỉ chìm đắm trong chuyện tình của đôi nam nữ chính mà quên đi âm nhạc.

A Star Is Born có hai “lớp truyện”. Lớp thứ nhất là câu chuyện của đôi tình nhân Jackson Maine và Ally; lớp thứ hai lớn hơn là câu chuyện của những người nhọc nhằn kiếm tìm ý nghĩa sinh tồn đích thực, nổi trội hơn cả là mưu cầu được yêu thương, được công nhận, được tỏa sáng và được trọn vẹn là mình. Âm nhạc trong phim vì thế cũng được chia làm hai giai đoạn.

Phần đầu của phim là những bản nhạc tràn ngập niềm vui được thoát khỏi những mắc kẹt phi lý của đời sống, được bung xõa trong niềm hạnh phúc vỡ òa khi tìm thấy nửa kia của đời mình, say mê không gỡ được, chỉ còn cách “thoát xác” để lộng lẫy và quyến rũ hơn, để xứng đáng dành cho nhau hơn. Khi tiếng đàn guitar của Jackson vang lên cùng chất giọng ấm áp, rành rọt khai sáng: “Đã đến lúc chôn giấu những điều xưa cũ/Phải mất rất nhiều thời gian để thay đổi kế hoạch/Và một chuyến tàu để làm mới tâm trí của anh” thì tôi thật sự “bắt lửa” và sau đó “rực cháy” tận tâm can với các ca khúc tiếp theo như Shallow, Music to My Eyes, Diggin’ My Grave, Always Remember Us This Way, Look What I Found, Why Did You Do That?... “Nói gì đi cô gái/Em có hạnh phúc trong thế giới hiện đại này không? Hay em muốn điều gì hơn thế? Em đang tìm kiếm điều gì?”; “Em sẽ không để mình tiếp đất/Băng qua những bề mặt, nơi không ai có thể tổn hại hai ta/Giờ chúng mình đã qua vùng nước cạn”... Từng ca từ văn minh chứa đựng thứ năng lượng tinh túy đến đúng thời điểm bùng nổ, phơi bày ánh sáng và độ sâu của tâm hồn.

Lặn ngụp trong vẻ đẹp lấp lánh, si mê và tươi trẻ đó, người xem bỗng tra vấn về những vấn đề của chính mình, đồng thời say sưa dõi theo hành trình tình yêu của hai con người tài hoa. Họ là những người trẻ trong thế giới hiện đại nhưng vẫn “ngố” đến mức viết ý tưởng ra sổ tay, ngồi tâm tình cả đêm ở vạch đỗ xe trước một siêu thị và trăn trở đến phát khóc khi nhuộm tóc lần đầu. Họ trò chuyện, khóc cười trong ngôn ngữ âm nhạc của nhau, người này bổ khuyết cho người kia và cứ thế sáng bừng rực rỡ. Không chỉ có duyên may song hành với nhau trong sự nghiệp, Ally và Jackson còn đúng nghĩa “trời sinh một cặp” khi người này luôn thấu hiểu và cố chữa lành sự trống trải, nỗi đắng cay đè nén trong tâm hồn của người kia. Cuộc tình họ sét đánh, đam mê nhưng không hề phù phiếm. Họ không chiêm ngưỡng nhau như nắng trời chói lọi mà tựa hai ngôi sao luôn tìm cách nâng đỡ, nương dựa lấy nhau. Chợt hiểu ra phút giây ta phải lòng và rung động sâu xa trước một con người là khoảnh khắc được chạm trúng đáy cùng của linh hồn, được “người tìm thấy thứ ánh sáng mà chính ta cũng không tìm thấy”. Cũng vì thế mà “mỗi lần chiều buông, mỗi khi ban nhạc ngừng chơi là một lần đớn đau giã biệt người thương”.

Ở phần hai, những bản nhạc như Hair Body Face, Before I Cry, Too Far Gone, I’ll Never Love Again... được trình diễn điêu luyện, minh họa cho độ chín nghề nghiệp của cặp đôi, đặc biệt là Ally. Đó là thứ âm nhạc trưởng thành hơn, già dặn hơn và cũng vì vậy mà mất mát hơn, đau đớn hơn. Đó là niềm thất vọng âm thầm mà sâu xa của Jackson về việc Ally để lạc chính mình khi chấp nhận kiểu nhạc thị trường chiều chuộng đại chúng với “đám vũ công chết tiệt”. Ngược lại, Ally hết lần này đến lần khác ôm trọn tình yêu và sự bao dung của mình đi đánh cược với thói nghiện ngập của Jackson. Câu hát ngày nào là thứ keo dính chặt họ vào nhau, giờ trở thành vũ khí phân ly ghê gớm: “Sao anh cứ trông quá tuyệt với những chiếc quần jeans?/Sao anh cứ đi vòng quanh em với vẻ si dại thế kia?”. Cặp đôi vàng trong âm nhạc lẫn đời sống giờ hả hê sát thương nhau. Bởi lẽ, nói như Tagore: “Anh không giấu em bất cứ điều gì/Ấy vậy mà em không biết gì tất cả về anh”. Cứ ngỡ Ally đã hiểu người bạn đời của mình chân tơ kẽ tóc nhưng hóa ra cô chỉ mới tròn vẹn vai trò người tình âm nhạc của Jackson. Có quá nhiều góc khuất nơi anh mà cô chưa thể chạm đến, như lần tự tử bất thành năm 13 tuổi, sự bám víu và niềm ảo vọng dành cho ông bố say đừ, cảm giác vừa tự ti vừa ngạo nghễ trước người anh ruột... Nguyên cớ lỗi lầm của Jackson, ngoài bản chất nhạy cảm nghệ sĩ tính, là những khoảng trống không thể lấp đầy của thời ấu thơ khốn khó, phải luôn vật lộn với tình thân. Mất nhau đau đớn nhưng chắc chắn họ sẽ “luôn luôn nhớ về nhau bằng cách như thế” để rồi “không muốn chạm vào một ai khác”, “không muốn một bờ môi nào khác” và nguyện làm “một phần bất diệt trong nhau” trong chương cuối của chuyện tình.

Trong lĩnh vực âm nhạc, có một Lady Gaga “quái vật” với vô số tác phẩm độc lạ, tràn trề thông điệp nhân bản. Trong lĩnh vực điện ảnh, có một Lady Gaga bản lĩnh và phá vỡ những chuẩn mực về cái đẹp. Cô tinh tế vào vai “gái quê” lần đầu lên máy bay hạng sang, lần đầu đứng trên sân khấu lớn hoặc trong phòng thu; xuất thần với ánh mắt ngỡ ngàng, cử chỉ rụt rè cùng bản năng âm nhạc chực chờ bùng cháy. Diễn mà như không diễn, vì Lady Gaga gần như đang kể lại câu chuyện thật đời mình. Quái vật mà được thế thì chắc ai cũng thèm muốn làm quái vật.

Không thể dùng từ gì khác ngoài “xuất sắc” để nói về Bradley Cooper. Anh là nhà sản xuất, đạo diễn kiêm nam chính trong A Star Is Born. Anh tận hiến toàn tâm toàn ý cho nhân vật. Jackson của Bradley quá ngọt ngào, thơ trẻ và tận tụy khi tìm thấy tình yêu đích thực của mình. Anh cho Ally những điều tuyệt vời nhất không chỉ vì là “tay chơi guitar có một không hai” mà còn vì dòng thác tâm hồn cuồn cuộn lẫn dịu êm rót vào Ally từng phút từng giờ. Ấm áp, nhân bản và minh triết biết bao khi Jackson thì thầm với Ally: “Anh phải nói em nghe điều này, bằng không anh sẽ hối hận cả đời: nếu như em không đi đến tận cùng tâm hồn mình, em sẽ không thể trụ được lâu trong nghề”. Vì quan niệm đúng đắn đó, Jackson, tuy phạm phải một xì căng đan khủng khiếp mà lịch sử giải Grammy không thể phai mờ, vẫn được vinh danh trang trọng. Những bài hát do anh sáng tác tiếp tục vút cao trên môi của người yêu nhạc, dù có khi người hát không đếm xỉa hoặc không hề biết đến những vết hằn sâu hoắm nơi anh. “Một ngôi sao chính vị muốn từ biệt vũ trụ” - tôi nhớ từng chữ của Nguyễn Tuân khi nghĩ về Jackson Maine.

Trong một sản phẩm điện ảnh, có khi chỉ cần hoặc âm nhạc hoặc chuyện tình thì đã đủ làm người ta đắm đuối nhưng A Star Is Born sở hữu được cả hai điều đó. Đôi khi, vì quá rung động và trìu mến, tôi muốn hét lên như một nhân vật trong quán bar ở đầu phim: “Có ai không, giết tôi giùm cái!”. Tôi thấy mình thật “may mắn” vì chưa xem các bản A Star Is Born trước đó. Để không vướng víu với cảm giác A Star Is Born là một bộ phim remake, để khỏi phân tâm so sánh. Chỉ sống trọn vẹn với Jackson Maine và Ally cùng những ca khúc bất diệt thoát thai từ hai tâm hồn đòi được yêu hiểu đến kiệt cùng.

Nếu có ai đó cùng ta đi qua những vùng nước cạn trong đời - để thôi tổn thương và không ngừng khát khao - thì đó là một phúc phận. Dù có khi ta vẫn đơn độc trong vùng nước cạn sau cùng.

(*) Các trích dẫn lời bài hát trong phim A Star Is Born được đặt trong ngoặc kép.

Diễm Trang

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/280306/ai-nguoi-cung-ta-qua-vung-nuoc-can-.html