Ai lên xứ hoa đào

Tôi đoán chắc, khi mới nghe điệu nhạc trong ca khúc 'Ai lên xứ hoa đào' của Hoàng Nguyên, mọi người đều nghĩ đến thành phố Đà Lạt, thành phố ngàn hoa. Lần này tôi về, với hình ảnh thần tiên, rực rỡ của Festival hoa lần thứ 7 vào mùa xuân 2018, chủ đề 'Hoa Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành'. Người người đi như trong cơn mộng du với hoa, với nhạc, với ánh sáng cầu vồng vắt qua hồ Xuân Hương...

1- Đường hoa Hà Đông

Tình cờ đúng vào dịp Xuân Mậu Tuất, làng hoa Hà Đông vừa tròn 80 tuổi, và cũng là nơi khai sinh ra làng hoa đầu tiên ở xứ sở mù sương này. Người dẫn tôi vào đường hoa Hà Đông là nữ thi sĩ Minh Hạnh, hội viên Hội Nhà văn Lâm Đồng. Minh Hạnh rất yêu những bông lay ơn của làng hoa Hà Đông. Chị được nghe kể nhiều chuyện về những người đầu tiên ở miệt làng hoa Hà Đông (nay thuộc về Hà Nội) đã lên dựng nghiệp bên những thung lũng hoa, cách Đà Lạt 2km, từ năm 1938.

Đi bên đường hoa rực rỡ của làng hoa Hà Đông, nữ thi sĩ bồi hồi nhớ lại những ký ức về đoàn người đầu tiên trồng rau và hoa đến bên lề thành phố. Có lần ông Ngô Văn Ngôn, người duy nhất còn lại trong số 35 người đầu tiên lên đây lập ấp kể, mới 12 tuổi ông đã phải theo trai tráng của làng lên khai hoang đất đai, trồng rau và hoa bán cho người Pháp.

Khi đó, Đà Lạt chỉ có mấy chục biệt thự của người Pháp sinh sống, và cũng là nơi dưỡng thương của chiến binh Pháp sau những trận chiến. Nhu cầu rau cực kỳ thiết yếu, vì thổ dân bản địa, người K'ho không biết trồng rau. Họ sống chủ yếu bằng nghề săn bắt và dệt vải.

Hình ảnh làng hoa Vạn Thành (Đà Lạt).

Nữ thi sĩ Minh Hạnh kể, người nông dân Hà Đông những ngày đầu lên đây phải sống trong môi sinh hoang dã, xung quanh là đầm lầy, rừng rậm, đêm ngày tiếng hổ báo gầm rú. Đêm đến, nhà nào nhà nấy phải đóng kín cửa, không ai dám ra ngoài. Không ít lần, cả đàn hổ quanh quẩn bên ngoài, gầm gừ giẫm nát hết cả hoa màu trồng được.

Có đêm ông Ngôn đã cùng các trai tráng cầm giáo mác quyết sinh tử với một con hổ lớn cào rách vườn và xô đổ một căn nhà. Tính mệnh đàn bà trẻ em bị đe dọa, thế là mọi người tập trung quyết chí đả hổ. Mãnh hổ bị cả chục mũi giáo mác hạ gục.

Từ đó mọi người không còn quá lo sợ. Những con hổ chỉ còn dám đứng từ xa, mỗi khi nghe tiếng chó sủa và tiếng kẻng vang lên, cùng những ngọn đuốc sáng rực đốt cháy đêm đen. Cũng từ những ngày ấy, hàng chục luống rau đầu tiên xanh um tươi tốt, những cây hoa trổ nụ ngan ngát tỏa hương xuân. Niềm vui của dân làng Hà Đông đi khai sơn lập địa được nhân lên sau khi trồng được những giống cây mang từ Pháp sang.

Chuyện làm ăn càng phát đạt, "một vốn bốn lời", vì nhập củ giống chỉ vài xu, nhưng khi thành cây hoa bán được tới mấy hào. Tiếng lành đồn xa, người Hà Đông theo nhau lên Đà Lạt ngày một đông. Không những thế, người trồng hoa từ khắp nơi cũng tìm đến sinh cơ lập nghiệp cùng với dân Hà Đông. Đất lành chim đậu.

Những thung lũng hoa nổi tiếng của những nghệ nhân nổi tiếng ra đời. Đáng kể như: Vườn lan Anh Quỳnh; Vườn hoa hồng Đông Nga; hay vườn nhà ông Tạ Minh Quân chuyên canh hoa cát tường; Vườn quỳnh nhà ông Bộ, vườn hoa loa kèn nhà ông Nhuần...

Làng nghề hoa Hà Đông được Nhà nước công nhận từ năm 2010. Trải qua 80 năm, từ con số đầu tiên là 35 người, nay "Làng hoa Hà Đông" có tới gần 600 hộ với 3.000 người. Họ sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng rau và hoa cung cấp cho thành phố Đà Lạt và các tỉnh phía Nam.

2- Thung lũng hoa đào

Nếu nói làng hoa Hà Đông là nơi khai sinh ra nghề trồng hoa đầu tiên ở Đà Lạt, thì nơi làm nghề chuyên canh hoa đào và có diện tích lớn nhất lại thuộc về trại hoa của gia đình cố nghệ nhân Mười Lời. Ông là người Quảng Nam, lên Đà Lạt định cư từ năm 1969, với niềm say mê nghề trồng hoa. Thực ra hàng trăm năm qua, đất Đà Lạt đã tràn ngập hoa đào rừng, gốc gác hoang dã tự nhiên.

Trước khi trở thành vương quốc các loài hoa, Đà Lạt đã đẹp mê hồn vì các loài hoa rừng, như hoa dã quỳ vàng rực, hoa mimosa ngan ngát xanh vàng nhạt, và hoa đào phai năm cánh. Mỗi độ tiết xuân về, những cây hoa đào cao lớn phủ đầy hoa và tỏa hương khắp trên mỗi ngả đường, bên rừng thông cao vút. Mùa hoa đào kéo dài hết cả ba tháng xuân, tạo nên một miền hoa làm mê hoặc lòng người mỗi khi bước chân tới thành phố.

Những cây đào cổ trên đường hoa là sản phẩm độc đáo của nghệ nhân Mười Lời. Theo anh Bùi Văn Sang, con trai ông Mười Lời kể lại, bố anh đã sống trọn đời với hoa đào. Đầu năm 1997, nghệ nhân Mười Lời đã mất cả một năm rưỡi để thực hiện quy trình lai ghép 300 mầm hoa đào Nhật Tân với gốc đào Đà Lạt.

Mãi tới xuân 1998, một vườn đào mới trổ hoa, nào là hồng đào, bích đào, liễu đào thắm rực một góc. Đó là những giống hoa đào mới đầu tiên xuất hiện ở Đà Lạt. Cũng từ đây một rừng hoa đào ra đời. Chúng được gắn với cái tên thung lũng đào Mười Lời. Ngoài ra ông còn ghép được những mầm hoa với những gốc đào cổ Đà Lạt và tạo dáng thế kỳ dị, ấn tượng độc đáo trong các cuộc thi và Festival hoa của thành phố (hai năm một lần).

Sản phẩm của làng hoa Hà Đông - Đà Lạt.

Anh Bùi Văn Sang cho biết, hiện cha anh để lại hơn ngàn gốc đào cổ và vườn đào trồng trên diện tích 6.000 mét vuông. Đây còn là nơi dân yêu hoa đào tìm tới mỗi dịp xuân về. Tết đến, ngoài những cành hoa hồng, hoa cúc, lay ơn… nhiều gia đình vẫn đến sắm cành đào mang về cắm lọ chơi suốt tháng tết.

Giống hoa đào mới có sức sống bền bỉ của gốc đào rừng và sắc hoa tươi thắm đượm màu cả tháng trời nên được người dân Đà Lạt rất yêu thích. Chính vì thế, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục: "Thung lũng hoa đào" đầu tiên ở miền Nam (hiện nằm trên đường Lê Hồng Phong) cho "công trình" của cố nghệ nhân Mười Lời.

3- Triệu bông hồng

"Quả là thiếu sót nếu trong hội hoa này, ta lãng quên "công chúa của các loài hoa" - nữ thi sĩ Minh Hạnh nói với tôi. Chúng tôi bước sang đường hoa hồng nhung đủ sắc màu đang mỉm cười chào đón khách rẽ qua. Đó chính là làng hoa Vạn Thành, nơi chuyên canh hoa hồng. Tôi nhớ đã có dịp rẽ qua trại hoa khổng lồ của Vạn Thành.

Đây là làng hoa lớn nhất trong 6 làng hoa ở Đà Lạt. Trong những vườn kính, hệ thống chăm sóc hoa hồng nơi đây được trang bị khá hiện đại. Đó là những trại hoa hồng đỏ Hà Lan, hồng đỏ Ý, rồi hoa hồng nhung, hồng cánh sen, hoặc hồng phấn, hồng vàng ánh trăng…

Có điều kỳ diệu ở nơi đây, vẻ đẹp của hoa hồng các loại đều được ghép giống với gốc hoa hồng dại ở Đà Lạt. Tất cả có tới hàng chục loài hồng đều lấy gốc cổ để nuôi dưỡng, sinh sản ra các màu sắc mới mà không nơi nào có được. Lẽ dĩ nhiên, làng hoa Vạn Thành còn trồng những loại hoa khác như đồng tiền, ly ly, cẩm chướng… nhưng chỉ hoa hồng mới là đặc sản và cũng là nguồn cung cấp chính tới 80% cho thành phố và các tỉnh.

Điều thú vị nhất ở đây, người hướng dẫn viên sau khi nói hết những nét đẹp của hoa hồng, rồi nhắc đến những câu chuyện của nhà văn Pauxtốpxky viết về hoa hồng hay đến như thế nào. Bất ngờ hơn nữa, bởi sau đó cô lấy điện thoại bật bài hát "Triệu bông hồng", kể lại câu chuyện một chàng họa sĩ đã bán cả nhà cửa tài sản để mua một triệu đóa hồng tỏ tình với cô ca sĩ xinh đẹp. Nhưng cuối cùng chàng tuyệt vọng vì bị từ chối…

Giọng cô gái hướng dẫn viên ngọt ngào, chậm chạp như hát lại câu chuyện đó qua giọng ca da diết của Alla Pugacheva. Bài hát về tình yêu "Triệu đóa hồng" đã in sâu trong trí nhớ và tâm cảm của hàng triệu người Việt Nam. Nhất là ai đam mê hoa hồng, ắt bao giờ cũng thuộc lời ca rằng: "Tặng một đại dương hoa hồng thắm/ Cho nàng ca sĩ anh yêu thầm/ Và ngôi nhà xinh anh đã bán/ Bằng dòng máu nóng trái tim mình…". Đó chính là những bài ca về tình yêu làm say đắm lòng người, trong Festival hoa tại Đà Lạt, một thành phố diễm lệ, với ngàn sắc hoa tươi thắm.

Vương Tâm - Xuân 2018

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/ai-len-xu-hoa-dao-478050/