Ai làm 'dậy sóng' vùng Vịnh: Ngoài Iran còn nguyên nhân khác

Những gì Iran thực sự muốn là đối thoại với Mỹ, nhưng Washington đã không còn uy tín trước Tehran.

Siêu tàu chở dầu Bristish Heritage thuộc sở hữu của Tập đoàn BP (Anh) là nạn nhân mới nhất trong căng thẳng "mới chớm" giữa Anh và Iran.

Iran đã nổi giận sau khi các chỉ huy người Anh bắt giữ các tàu chở dầu ở ngoài khơi Gibraltar tuần trước, và quân đội nước này đã đe dọa đáp trả.

Vì vậy, thay vì vận chuyển 140.000 thùng dầu tới cảng Basra (Iraq), tàu British Heritage đã tạm lánh cảng Saudi do lo sợ bị trả đũa. Hôm 10/7, con tàu này đã tắt đèn hiệu nhận dạng trong gần 24 giờ, có lẽ nhằm hòa vào hàng chục tàu khác ở khu vực Vịnh Ba Tư. Sau đó, nó được được HMS Montrose, Tàu khu trục Loại 23 của Anh hộ tống để chạy nước rút qua Eo biển Hormuz.

Sự đề phòng vô cùng chính xác. Theo nguồn tin của Bộ Quốc phòng Anh, tàu HMS Montrose sau đó đã phát hiện ra 3 tàu pháo hạm Iran tìm cách quây tàu chở dầu vào khu vực biển nước này hoặc gần khu vực Eo biển Hormuz. HMS Montrose đã phải viện đến súng và khẩu pháo tự động 30 mm để “xua đuổi” các tàu pháo hạm Iran.

 Tàu HMS Montrose hộ tống tàu chở dầu của Anh lánh khỏi đe dọa từ phía Iran.

Tàu HMS Montrose hộ tống tàu chở dầu của Anh lánh khỏi đe dọa từ phía Iran.

Iran phủ nhận các cáo buộc nhưng Mỹ khẳng định đã ghi lại toàn bộ diễn biến vụ việc từ máy bay do thám.

Hai cách tiếp cận khác nhau đối với Iran

Hỗn loạn trong vùng biển hẹp giữa Ả Rập và Iran bắt nguồn từ cách tiếp cận mâu thuẫn với Iran giữa các đồng minh phương Tây.

Iran nổi giận với Anh về việc bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 do nghi ngờ phá vỡ các lệnh trừng phạt dầu mỏ đối với Syria.

Hầu hết NATO, ngoài Moscow, phẫn nộ trước việc Iran hậu thuẫn chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria. Liên Hợp quốc và Liên minh châu Âu (cùng với Israel và Mỹ) cũng nhiều lần lên án sự ủng hộ của Tehran đối với chính phủ ở Damascus.

Nhưng cùng lúc Anh, Pháp, Đức, EU, Trung Quốc và thậm chí cả Nga cũng đã lên tiếng ủng hộ việc Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân xảy ra vào năm 2015. Mỹ đã rời bỏ thỏa thuận hạt nhân vào tháng 5/2018. Sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt thương mại song phương nặng nề đối với Tehran. Washington đã đe dọa làm tê liệt bất kỳ công ty hoặc tổ chức làm ăn với Iran.

Châu Âu lại không cho rằng đây là ý tưởng tốt. Họ đã cố gắng duy trì thỏa thuận hạt nhân thông qua hệ thống Instex, nhằm giúp Iran vượt qua các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Iran muốn gì?

Bằng cách đe dọa trả đũa bất kỳ sự leo thang vũ lực nào vào Mỹ (hoặc các mục tiêu đồng minh) trên khắp Trung Đông, Iran đang thách thức những giới chức diều hâu nhất Washington, như cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, sử dụng tới “móng vuốt” của mình.

Nhưng ít nhất cho đến bây giờ Iran chưa thể viện đến vũ khí hạt nhân. Tehran chưa có bất kỳ ảnh hưởng chiến lược hay thậm chí chiến thuật dài hạn nào đối với lợi ích kinh tế toàn cầu ở vùng Vịnh.

Một Iran giận dữ và bị dồn vào chân tường - vốn bị chi phối bởi tín ngưỡng quân sự cách mạng về "kháng chiến vĩnh viễn" (đối với Mỹ và trên hết là Israel) - vẫn có thể leo thang bạo lực đến mức có thể chịu đựng được.

Dù vậy, những gì Tehran thực sự muốn là đối thoại.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra các cuộc đàm phán mà không cần điều kiện tiên quyết. Washington khẳng định sẽ tập trung chấm dứt tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của Iran.

Nhưng niềm tin rạn vỡ giữa hai bên là điểm bế tắc mấu chốt.

Iran từ chối đối thoại bởi nền kinh tế bị Mỹ đang bóp bằng các biện pháp trừng phạt.

Iran cho rằng chính sách của Mỹ đang được điều hành bởi những nhân vật diều hâu chống - Iran mà Bộ trưởng Ngoại giao Javad Zarif gọi là "Đội B" - ám chỉ đến Bolton, nhà lãnh đạo Israel Benjamin Netanyahu, Thái tử Saudi Mohammed bin Salman và Thái tử Mohammed bin Zayad của UAE.

Và Tehran rất khó lấy lại lòng tin với Washington sau khi nước này rút khỏi nhiều hiệp định và hiệp ước quốc tế.

Vai trò của Anh

Bây giờ có lẽ đã đến lúc để Anh có thể thực hiện tốt vai trò như một trung gian hòa giải. Việc giải quyết căng thẳng vừa qua với tàu chở dầu British Heritage vừa qua cho thấy Anh khá khôn ngoan khi không để mọi việc leo thang dẫn tới "đổ máu". Ngoài ra, Anh vẫn luôn ủng hộ thỏa thuận hạt nhân của Iran với nhóm P5+1.

Vấn đề là tiếng nói của Anh không còn trọng lượng với Washington. Xúc tác cho "mối quan hệ đặc biệt" giữa Mỹ và Anh trong Nhà Trắng đã bốc hơi trước bê bối “nói xấu” của Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch.

Tú Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ai-lam-day-song-vung-vinh-ngoai-iran-con-nguyen-nhan-khac-347702.html