Ai là tiến sĩ đầu tiên của nước ta đến Pháp?

Ông là một trong những đại thần lớn nhất của triều Nguyễn. Xuất thân trong gia đình nghèo, ông nỗ lực học hành, trở thành vị tiến sĩ đầu tiên của đất Nam Bộ.

Câu 1. Danh nhân khoa bảng nào là tiến sĩ đầu tiên của đất Nam Bộ?

Lê Văn Duyệt
Phan Thanh Giản
Nguyễn Đình Chiểu
Phạm Đăng Hưng

Phan Thanh Giản (1796-1867) là đại thần nhà Nguyễn dưới thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Năm 30 tuổi thi đỗ tiến sĩ, ông trở thành tiến sĩ nho học đầu tiên của vùng đất Nam Bộ.

Câu 2. Sinh ra ở Bến Tre, cuộc đời của tiến sĩ đầu tiên đất Nam Bộ gắn liền vùng đất nào?

Trà Vinh
Sóc Trăng
Vĩnh Long
Cần Thơ

Phan Thanh Giản sinh ra trong gia đình nghèo ở tỉnh Bến Tre, nhưng sớm đến định cư ở Vĩnh Long. Tại đây, ông được một người đàn bà nhân hậu chăm lo cho học thành tài.

Câu 3. Phan Thanh Giản từng có chuyến xuất ngoại tới nước nào?

Mỹ
Mã Lai
Anh
Pháp

Năm 1863, dưới thời vua Tự Đức, Phan Thanh Giản cùng Ngụy Khắc Đản và Phạm Phú Thứ được cử sang Pháp để nghị hòa. Với chuyến đi này, Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đản trở thành 3 vị tiến sĩ đầu tiên của nước ta xuất ngoại tới trời Tây.

Câu 4. Nguyên nhân nào dẫn tới cái chết của Phan Thanh Giản?

Tự tử
Tử trận
Ốm chết
Bị xử chém

Sau không thể bảo vệ được 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ trước sự xâm lược của quân Pháp, Phan Thanh Giản gói mũ áo, phẩm hàm, kèm theo sớ tạ tội và gửi về triều. Không thấy triều đình hồi âm, ông lo lắng rồi thất vọng, uống thuốc độc tự sát vào nửa đêm 5/7 năm Đinh Mão (1867), hưởng thọ 72 tuổi.

Câu 5. Vĩnh Long chính thức trở thành bộ phận lãnh thổ nước ta dưới thời vị chúa Nguyễn nào?

Nguyễn Hoàng
Nguyễn Phúc Thuần
Nguyễn Phúc Lan
Nguyễn Phúc Chu

Năm 1698, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), khi lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược, vùng đất mới phương Nam chính thức trở thành một đơn vị hành chính mang tên Gia Định phủ. Vĩnh Long là trung tâm của châu Đinh Viễn.

Câu 6. Vĩnh Long là quê hương của học giả nổi tiếng nào sau đây?

Nguyễn Hữu Hào
Trương Vĩnh Ký
Lê Phát Đạt
Trần Văn Khuê

Pétrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898) là nhà văn, ngôn ngữ học, giáo dục học, và khảo cứu văn hóa tiêu biểu của Việt Nam trong thế kỷ XIX. Ông quê ở ấp Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, tổng Minh Lệ, huyện Tân Minh, phủ Hoàng An, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre).

Câu 7. Nhà kỹ thuật quân sự nào sau đây quê ở Vĩnh Long?

Trần Đại Nghĩa
Cao Thắng
Tôn Đức Thắng
Nguyễn Tri Phương

Vĩnh Long là đất học miền Tây, từng sản sinh ra nhiều nhân tài cho đất nước, trong đó có GS Trần Đại Nghĩa.

Câu 8. Tỉnh Vĩnh Long hiện có mấy đơn vị hành chính cấp huyện/thị?

8
9
10
11

Với diện tích tự nhiên gần 1475 km2, dân số hơn một triệu người, tỉnh Vĩnh Long có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm thành phố Vĩnh Long, thị xã Bình Minh, 6 huyện: Bình Tân, Long Hồ, Mang Thít, Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm.

Nguyễn Thanh Điệp

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ai-la-tien-si-dau-tien-cua-nuoc-ta-den-phap-post844454.html