Ai là 'ông chủ' của Nước sạch Sông Đà?

Hiện nay, Công ty TNHH MTV Năng lượng GELEX giữ trên 60% cổ phần của Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà và là cổ đông chi phối của công ty.

Trong bê bối nước sạch cung cấp cho người dân nhiều khu vực trên địa bàn Thủ đô Hà Nội bị nhiễm bẩn suốt gần một tuần qua, Công ty cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Viwasupco) là cái tên được dư luận hết sức quan tâm.

Đây chính là đơn vị vận hành Nhà máy nước mặt sông Đà, độc quyền cung cấp nước nguồn (bán buôn) cho các đối tác kinh doanh khác tại khu vực Tây Nam Hà Nội. Được biết, 90% lượng nước của Viwasupco được bán cho 3 khách hàng chính là Viwaco, Hawaco và nước sạch Hà Đông.

Ai là ông chủ thực sự của Viwasupco?

Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà trước đây có tên là công ty cổ phần nước sạch Vinaconex (thuộc Tổng Công ty Cổ phần Vinaconex) được thành lập vào tháng 3/2009.

Tháng 9.2009, công ty chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần, đổi tên từ Công ty TNHH MTV Nước sạch Vinaconex thành Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex. Sau đó được đổi tên thành Công ty CP nước sạch Sông Đà kể từ ngày 01/02/2018.

Khách sạn Melia Lý Thường Kiệt bao gồm Khách sạn Melia và Tòa nhà văn phòng cho thuê Hanoi Center Office tọa lạc tại vị trí vàng 44B Lý Thường Kiệt.

Khách sạn Melia Lý Thường Kiệt bao gồm Khách sạn Melia và Tòa nhà văn phòng cho thuê Hanoi Center Office tọa lạc tại vị trí vàng 44B Lý Thường Kiệt.

Đến ngày 31/12/2018, các cổ đông lớn của công ty gồm có: Công ty TNHH MTV Năng lượng GELEX giữ tỉ lệ 60,46% cổ phần, còn lại là Công ty cổ phần Cơ điện lạnh với 35,95% cổ phần.

Trên trang web của doanh nghiệp này ghi rõ, Công ty TNHH MTV Năng lượng GELEX (GELEX Engery) có vốn điều lệ hiện tại là 2.300 tỉ đồng, do GELEX giữ 100% vốn. Công ty cũng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và cung cấp nước sạch, một bộ phận quan trọng khác trong nhóm hạ tầng thiết yếu. GELEX Energy hiện đang sở hữu chi phối Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà, đơn vị duy nhất cung cấp nước sạch từ nguồn nước mặt sông Đà cho thủ đô Hà Nội với công suất giai đoạn 1 là 300.000 m3/ ngày đêm.

Trước đó, tháng 12/2017, Công ty Sinh Thái đã mua thành công 8,2 triệu cổ phần để nâng tỷ lệ sở hữu lên quá bán 50,42%. Tuy nhiên, chỉ đúng 1 tuần sau khi nắm tỷ lệ chi phối tại Viwasupco, Công ty Sinh Thái bất ngờ đăng ký thoái toàn bộ 25,21 triệu cổ phần đang sở hữu và bán thành công vào ngày 4/1/2018.

Ngày 9/9 vừa qua, Viwasupco đã chốt danh sách cổ đông thực hiện chi tạm ứng cổ tức đợt 2 năm 2019 bằng tiền tỷ lệ 8%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 800 đồng. Như vậy Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà chi khoảng 60 tỉ đồng tạm ứng cổ tức đợt này cho cổ đông.

Một cổ đông lớn khác của Viwasupco là REE cũng có thâm niên thâu tóm các doanh nghiệp ngành hạ tầng điện, nước như nước sạch như BOO nước Thủ Đức, cấp nước Tân Hiệp, Cấp nước Nhà Bè, Cấp nước Trung An, cấp nước Gia Định,…thì Gelex đang là cái tên mới nổi trong những năm gần đây trong lĩnh vực M&A.

Tuy nhiên, theo như những gì đang diễn ra tại Viwasupco đang cho thấy những tín hiệu "cơm chẳng lành canh chẳng ngọt" của hai cổ đông lớn nói trên trong việc triển khai giai đoạn II dự án xây dựng đường ống tải nước sạch cấp nước cho Thủ đô, nâng công suất lên 600.000 m3/ngày đêm dự kiến hoàn thành năm 2020.

Theo biên bản lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản hồi giữa tháng 8 nhằm mục đích thông qua phê duyệt vật liệu chính cho tuyến ống số 2, đoạn từ nhà máy đến điều tiết Tây Mỗ được, Viwasupco đã phát ra tổng cộng 139 phiếu nhưng chỉ có 5 phiếu được lấy ý kiến thông qua, đại điện cho 45,5 triệu cổ phiếu, tương ứng tỉ lệ 61% cổ đông tham dự (cổ đông Gelex). Trong khi phía REE không có bất cứ phản hồi nào về vấn đề này.

Sở hữu hàng loạt bất động sản "khủng"

Công ty Năng lượng Gelex là công ty con của Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex). Tổng công ty Thiết bị kỹ thuật điện, tiền thân của Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam ngày nay, được thành lập ngày 10/7/1990 nhằm tập trung sức mạnh các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc ngành công nghiệp kỹ thuật điện.

Tháng 12/2010, doanh nghiệp này được cổ phần hóa để trở thành Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) vào tháng 12 năm 2010. Ông Nguyễn Văn Tuấn giữ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Gelex.

Gelex có trụ sở chính đặt tại tòa nhà Gelex, số 52 Lê Đại Hành, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Các công ty thành viên, công ty liên kết có địa bàn hoạt động chính tại Hà Nội, TPHCM, Bắc Ninh, Nghệ An, Quảng Trị, Ninh Thuận, Đồng Nai.

Các ngành nghề GELEX đang tập trung kinh doanh gồm cung cấp nước sạch. Ngoài ra, GELEX hiện nắm giữ 100% vốn tại Công ty TNHH Một thành viên năng lượng GELEX ENERGY hoạt động trong 3 lĩnh vực: đầu tư sản xuất điện sử dụng năng lượng tái tạo với các dự án điển hình là điện măt trời Ninh Thuận, Bình Thuận; đầu tư thủy điện với các dự án điển hình như Thủy điện Sông Bung 4A, Thủy điện CANAN 1, CANAN 2 và đầu tư khai thác và cung cấp nước sạch phục vụ đô thị với trọng điểm là Dự án nước sông Đà.

Đặc biệt, đối với lĩnh vực bất động sản GELEX hiện đang tập trung khai thác các quỹ đất hiện có của các đơn vị trong toàn hệ thống theo hướng phát triển trọng tâm là khách sạn, văn phòng, bán lẻ và bất động sản công nghiệp (nhà xưởng, kho tàng, bến bãi).

Điểm mặt các dự án bất động sản đã hoàn thành và đang khai thác trong hệ thống Gelex có thể kể tới như Gelex Tower (52 Lê Đại Hành); Khách sạn Melia Hà Nội; Khách sạn Bình Minh - Số 10 Trần Nguyên Hãn - Hà Nội.

Trong đó, Gelex Tower - 52 Lê Đại Hành là dự án xây dựng trụ sở làm việc kết hợp văn phòng cho thuê của Gelex tại diện tích đất 1.937 m2 ở địa chỉ số 52 Lê Đại Hành, Hà Nội. Dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2014 với tổng diện tích xây dựng là 18.289 m2 với 3 tầng hầm và 22 tầng nổi.

Đối với Khách sạn Melia Hà Nội, Gelex hiện sở hữu 76,11% Công ty cổ phần Chế tạo điện cơ Hà Nội (HEM), HEM sở hữu 35% Công ty liên doanh SAS-CTAMAD - chủ đầu tư của Tổ hợp Khách sạn Melia Lý Thường Kiệt. Đây là tổ hợp gồm khách sạn và văn phòng cho thuê, tọa lạc tại vị trí 44B Lý Thường Kiệt, trung tâm tài chính và ngoại giao của Hà Nội, hiện đang được nhiều công ty nổi tiếng thế giới sử dụng.

Còn Khách sạn Bình Minh nằm tại vị trí số số 10 Trần Nguyên Hãn và 27- 29 Lý Thái Tổ, vị trí trung tâm tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hiện Khách sạn vẫn đang hoạt động, tuy nhiên Gelex đã xây dựng Dự án phát triển tổ hợp Tổ hợp Khách sạn, Dịch vụ Thương Mại, Văn phòng cho thuê 5 sao với tổng diện tích đất lập dự án là 9.934 m2, dự kiến khởi công vào quý 4/2019.

Song song với việc thực hiện các dự án trên, Gelex đã thành lập Công ty TNHH MTV Gelex Land, do Gelex sở hữu 100% vốn để phát triển các dự án bất động sản thương mại với trọng tâm là khách sạn, văn phòng, bán lẻ và bất động sản công nghiệp (nhà xưởng, kho tàng, bến bãi).

Mới đây tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2019, Gelex cho biết, định hướng sẽ phát triển thêm lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, bao gồm cả hoạt động đầu tư nhà ở xã hội, nhằm tạo điều kiện ổn định cuộc sống cho người lao động tại khu công nghiệp, góp phần tăng sự hấp dẫn của các khu công nghiệp, đồng thời góp phần vào công tác an sinh xã hội.

Việc mở rộng sang BĐS khu công nghiệp có thể được Gelex thực hiện theo hình thức đầu tư dự án hoặc mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp tiềm năng trong lĩnh vực này hoặc các hình thức khác. Gần đây, Gelex đã mua 9,8% phần vốn góp tại Tổng công ty Viglacera, đơn vị có quỹ đất khu công nghiệp hàng đầu khu vực miền Bắc vào cuối tháng 2 vừa qua.

Cùng với việc phát triển lĩnh vực bất động sản công nghiệp có kèm theo nhà ở xã hội nêu trên, Gelex cũng tham vọng mở rộng thêm lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng trong mảng công nghiệp theo hình thức đầu tư dự án hoặc mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp tiềm năng trong ngành.

Trong 3 năm qua, Gelex đã đạt được sự tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận. Năm 2018, Gelex đạt gần 13.700 tỷ đồng doanh thu và đạt hơn 1.533 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.283 tỷ đồng, tăng 41,6% so với năm trước đó và góp tên vào danh sách câu lạc bộ doanh nghiệp đạt lợi nhuận nghìn tỷ.

Về phía Viwasupco, từ năm 2016 đến nay, Viwasupco vẫn liên tục ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng. Cụ thể, năm 2016, công ty đạt lợi nhuận 161 tỷ đồng. Đến năm 2018 con số này đã tăng lên hơn 218 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ tăng trưởng 35,5%. Đà tăng trưởng lợi nhuận của Viwasupco tiếp tục kéo dài sang nửa đầu năm 2019 nhờ vào hoạt động cấp nước đạt hiệu quả cao khi ghi nhận doanh thu bán hàng 154 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Quý II/2019, doanh nghiệp lãi ròng 76 tỷ đồng tăng trưởng 31% so với cùng kỳ năm 2018. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, công ty đạt doanh thu 264 tỷ đồng và lãi ròng 127 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 23% và 31%.

Sau "lùm xùm", cổ phiếu Nước sạch Sông Đà và “đại cổ đông” bị “quay lưng”

Trong phiên trước, cổ phiếu VCW vẫn tăng giá mạnh. VCW phiên hôm qua (15/10) tăng tới 1.000 đồng tương ứng tăng hơn 3% bất chấp làn sóng phẫn nộ của người tiêu dùng đối với hoạt động cấp nước sạch của Viwasupco. Nguyên nhân một phần được cho là do kết quả kinh doanh lãi đậm của Viwasupco.

Với tỉ suất sinh lời lợi nhuận trên doanh thu gần 50%, cùng tính độc quyền trong hoạt động cấp nước bán buôn, Viwasupco dù “dính” nhiều bê bối như vỡ đường ống nước 21 lần, nhiều lãnh đạo bị khởi tố cho đến vụ việc cung ứng nước nhiễm bẩn cho dân hiện nay, lợi nhuận của Viwasupco ít bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, đến sáng nay (16/10), cổ phiếu VCW và GEX đã có dấu hiệu điều chỉnh và bị cổ đông lẫn nhà đầu tư “quay lưng”.

Ngay khi đợt khớp lệnh xác định giá mở cửa (ATO) diễn ra, VCW đã ghi nhận giảm 653 đồng tương ứng 2,02% giá trị xuống còn 34.000 đồng. Tình trạng giảm tiếp tục diễn ra, đến thời điểm 10h30 vẫn chưa thấy dấu hiệu hồi phục ở mã này.

Khối lượng giao dịch tại VCW mặc dù thấp hơn so với mặt bằng thị trường song lại bứt tốc đáng kể so với những phiên trước. Mã này nhiều phiên liền “chết” thanh khoản, hôm qua tăng giá mạnh nhưng cũng chỉ có 1.900 cổ phiếu được khớp. Đến 10h30 sáng nay thì khối lượng khớp lệnh cải thiện lên con số 2.400 cổ phiếu.

GEX tương tự cũng giảm 1,14% (tức giảm 250 đồng mỗi cổ phiếu) xuống mức giá 21.750 đồng/cổ phiếu. Dù vậy, mã này vẫn đang trong vùng giá cao khi mức đỉnh thiết lập hồi tháng 10 năm ngoái cũng chỉ là 23.700 đồng.

Nếu hôm qua, GEX được giao dịch mạnh gần 2,5 triệu cổ phiếu khớp lệnh trong phiên thì sáng nay, sau 1 giờ rưỡi giao dịch, mã này mới chỉ có hơn 62.500 cổ phiếu được chuyển nhượng.

Về phần REE, mã này cũng đang có xu hướng đi xuống sau khi “dập dìu” quanh mức giá tham chiếu 37.700 đồng. Đến khoảng gần 11 giờ thì mã này mất 0,27% còn 37.600 đồng và được khớp lệnh gần 268 nghìn đơn vị.

Chưa thể khẳng định hoạt động điều chỉnh giá tại GEX và REE có liên quan đến diễn biến tại Viwasupco hay không và song phản ứng của cổ đông nhỏ lẻ tại VCW là khá dễ hiểu. Hôm qua, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã khẳng định sẽ gửi công văn cho tỉnh Hòa Bình để đề nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của Viwasupco.

Theo lãnh đạo thành phố, do doanh nghiệp này không kiểm soát tốt nên dầu phế thải mà người dân đổ xuống suối đầu nguồn đã chảy vào hệ thống lọc nước của nhà máy và tạo ra mùi bất thường trong nước sinh hoạt của dân.

Diễn biến mới nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc nguồn nước bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch từ Viwasupco không bảo đảm chất lượng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Khánh Hà

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/ai-la-ong-chu-cua-nuoc-sach-song-da-159632.html