Ai là người dễ bị stress 'đánh gục'?

Stress thường bị hiểu lầm là những căng thẳng tạm thời rồi sẽ tự hết và vì thế, ta thường nghe một người nói: 'Tôi đang bị stress'. Nhưng rất ít người quan tâm đến những tác hại của stress đến sức khỏe tâm thần, chỉ đến khi nó gây nên hậu quả nặng nề.

TS, BS Dương Minh Tâm TS. Dương Minh Tâm, Trưởng phòng điều trị các bệnh liên quan stress, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, hiện nay stress là một thuật ngữ được dùng rộng rãi. Tuy nhiên, nhiều tác giả sử dụng với những sắc thái khác nhau. Theo Hans Selye, “stress là một phản ứng sinh học không đặc hiệu của cơ thể với những tình huống căng thẳng”.

TS Dương Minh Tâm cho biết, trong điều kiện bình thường, stress là một đáp ứng thích nghi về mặt tâm lý và sinh lý. Stress đặt chủ thể vào quá trình dàn xếp thích ứng, tạo ra một cân bằng mới cho cơ thể sau khi chịu những tác động của môi trường. Nói cách khác, phản ứng stress bình thường đã góp phần làm cho cơ thể con người thích nghi.

Nếu đáp ứng của cá nhân với các yếu tố gây stress không đầy đủ, không thích hợp và cơ thể không tạo ra được một cân bằng mới, thì những chức năng của cơ thể ít nhiều sẽ bị rối loạn, những dấu hiệu bệnh lý cơ thể, tâm lý, hành vi sẽ xuất hiện và sẽ tạo ra những stress bệnh lý cấp tính hoặc kéo dài

Stress bệnh lý cấp tính là các tình huống stress không thể lường trước được hoặc những tình huống quá dữ dội đối với chủ thể (người thân bị bệnh nặng, bị tấn công, gặp nguy hiểm…) xuất hiện trong vòng vài phút đến vài giờ hay vài ngày gây ra các stress bệnh lý cấp tính. Khi đó có sự hưng phấn quá mức về mặt tâm thần và cơ thể.

Stress bệnh lý kéo dài, thường gặp trong các tình huống stress quen thuộc lặp đi lặp lại đối với chủ thể như: Sự xung đột, sự bất toại hoặc những phiền nhiễu xảy ra thường xuyên trong đời sống hàng ngày. Các tình huống stress bất ngờ và dữ dội tiếp theo sau một phản ứng cấp ban đầu và không thoái lui hoàn toàn, hoặc sau một loạt nhiều phản ứng cấp thoáng qua.

Stress có thể là sức ép trong công việc, học tập, thất vọng trong sự nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình, xã hội…, sự thiệt hại về kinh tế hoặc mất người thân; ca sĩ diễn viên ngoài nghiệp diễn còn phải lo giữ hình ảnh… , hay người lao động phải lo chạy chỉ tiêu, KPI…

Stress gây bệnh thường là những stress mạnh và cấp diễn (mất người thân đột ngột, tổn hại kinh tế nặng nề) hoặc có những stress không mạnh nhưng trường diễn, lặp đi lặp lại nhiều lần gây nhiều căng thẳng nội tâm.

Bệnh xuất hiện có thể do một stress duy nhất hoặc do nhiều sang chấn kết hợp với nhau gây ra.

Bệnh có thể xuất hiện ngay sau khi bị stress (phản ứng stress cấp) hoặc sau một thời gian “ngấm” stress (rối loạn sự thích ứng).

Stress có thể là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh nhưng cũng có thể chỉ là yếu tố thúc đẩy một bệnh sẵn có phát sinh.

Tính gây bệnh của stress còn phụ thuộc vào sự chuẩn bị của chủ thể bị stress, stress càng bất ngờ càng dễ gây bệnh. Những người chịu stress càng khó tìm được lối thoát càng dễ bị bệnh.

Đáng chú ý, stress có gây bệnh được hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự chống đỡ của nhân cách. Nhân cách không chỉ có vai trò trong gây bệnh mà còn ảnh hưởng đến việc hình thành thể bệnh. Một nhân cách vững mạnh, có lý tưởng, tự nguyện chịu đựng stress thì dù stress có mạnh cũng khó gây bệnh. Nếu bị bệnh mà người đó có nhân cách mạnh thì cũng dễ khỏi bệnh. Một nhân cách yếu hoặc những người có tính cách chi ly, cầu toàn thì có thể bị bệnh chỉ sau một stress nhẹ, bệnh chậm hồi phục.

Nhân cách có cảm xúc không ổn định, lo âu, căng thẳng, né tránh sẽ dễ bị tổn thương. Nhân cách có vai trò khác nhau tùy theo thể bệnh. Ví dụ: trong rối loạn phân ly nhân cách có vai trò hơn stress và ngược lại trong rối loạn stress sau sang chấn thì yếu tố stress có vai trò lớn hơn nhân cách.

Những nét nhân cách dễ bị tổn thương là dễ xúc động, khó làm chủ bản thân, trầm trọng hóa các stress, đánh giá thấp bản thân và đánh giá cao những khó khăn.

Một cơ thể khỏe mạnh, một môi trường tích cực sẽ hỗ trợ tốt cho nhân cách chống đỡ với stress và ngược lại.

Các rối loạn liên quan stress thường khởi phát ở lứa tuổi trẻ, nữ gặp nhiều hơn nam. Khoảng một nửa số bệnh nhân khởi phát ở thời thơ ấu hoặc thanh thiếu niên.

Ở phụ nữ, có nguy cơ mắc GAD khi mang thai (với tỷ lệ mắc 4,1% trong thai kỳ) và cả trong thời kỳ hậu sản (tỷ lệ 5,7% trong 24 tuần đầu sau sinh).

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính OCD là một trong 20 nguyên nhân hàng đầu gây khuyết tật liên quan đến bệnh tật cho những người trong độ tuổi từ 15 đến 44 tuổi.

Một cơ thể khỏe mạnh, một môi trường tích cực sẽ hỗ trợ tốt cho nhân cách. Vì vậy, TS.BS. Dương Minh Tâm đưa ra lời khuyên cho chúng ta là cần có một cơ thể khỏe mạnh.

"Mỗi người nên tìm cho mình một môn thể thao, một cách vận động phù hợp với cơ thể và rèn luyện đều đặn. Bên cạnh đó, cần có một lối sống, cách tư duy tích cực, khi tiếp nhận một thông tin nên nhìn ở hướng mở, hướng vươn lên chứ không nên nhìn theo khía cạnh tiêu cực. Với những gia đình có người thân có nhân cách yếu, có tính cầu toàn và hay lo âu thì cũng cần có sự tương trợ từ gia đình để họ có môi trường sống thuận tiện và thân thiện…. " - BS Dương Minh Tâm tư vấn.

Hoàng Hải

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201904/ai-la-nguoi-de-bi-stress-danh-guc-630829/