Ai là kẻ thù giả tưởng và đằng sau sự thay đổi về phương châm chiến lược quân sự của Trung Quốc?

Trang tin Hoa ngữ quốc tế Đa Chiều ngày 29/7 đã đăng bài của tác giả Tôn Lan phân tích về sự thay đổi trong phương châm chiến lược quân sự của Trung Quốc cùng việc xác định kẻ địch giả tưởng trong chiến lược quân sự từ khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời đến nay. Nhận thấy đây là vấn đề được nhiều người quan tâm nghiên cứu, VietTimes xin trích dịch để bạn đọc tham khảo.

Chiến lược quân sự mới nhất của Trung Quốc thời ông Tập Cận Bình nhấn mạnh “tiến công về chiến dịch, chiến thuật”; kẻ thù giả đinh cụ thể chính là vấn đề Đài Loan, thế lực đòi Đài Loan độc lập và Mỹ - kẻ ủng hộ đứng đằng sau.

Chiến lược quân sự mới nhất của Trung Quốc thời ông Tập Cận Bình nhấn mạnh “tiến công về chiến dịch, chiến thuật”; kẻ thù giả đinh cụ thể chính là vấn đề Đài Loan, thế lực đòi Đài Loan độc lập và Mỹ - kẻ ủng hộ đứng đằng sau.

Sách Trắng “Quốc phòng Trung Quốc trong thời đại mới” – bộ Sách Trắng quốc phòng đầu tiên sau Đại hội toàn quốc 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc được xem là cửa sổ mới nhất để nhìn lại những thay đổi trong chiến lược quân sự của Trung Quốc. Sách Trắng dài hơn 24.000 từ này được cho là thể hiện toàn cảnh tình hình an ninh, chính sách quốc phòng, sức mạnh quân sự, công nghệ quân sự và việc sử dụng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc trong thời đại Tập Cận Bình. Trong số đó, logic và định hướng chiến lược đằng sau những thay đổi trong chiến lược quân sự là cốt lõi và chìa khóa cho những thay đổi chiến lược quân sự trong thời đại Tập Cận Bình.

Trong chương Chính sách quốc phòng, Sách Trắng nhấn mạnh: Trung Quốc luôn theo đuổi chính sách quốc phòng mang tính phòng ngự; đồng thời nhắc lại mục tiêu cơ bản của quốc phòng Trung Quốc trong thời đại mới: “kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh, phát triển lợi ích”; kiên trì vĩnh viễn không xưng bá, không bành trướng, không mưu cầu phạm vi thế lực; nhấn mạnh, “lịch sử đã và sẽ tiếp tục chứng minh Trung Quốc sẽ quyết không đi con đường cũ theo đuổi bá quyền và “quốc cường tất bá”. Dù trong tương lai phát triển đến mức nào, Trung Quốc cũng sẽ không đe dọa ai, cũng sẽ không tìm cách mưu cầu xây dựng phạm vi thế lực”.

Văn phòng báo chí Quốc Vụ viện Trung Quốc công bố Sách Trắng “Quốc phòng Trung Quốc trong thời đại mới” hôm 24/7

Nội dung trên về cơ bản là sự tiếp nối của chính sách quốc phòng của Trung Quốc và không có thay đổi; nhưng về “phương châm chiến lược quân sự” đã có những thay đổi đáng kể. Trung Quốc chính thức công khai phương châm chiến lược quân sự thời đại mới là: “kiên trì nguyên tắc phòng ngự, tự vệ và “hậu phát chế nhân”; thực hiện phòng ngự tích cực, kiên trì “người không không phạm ta, ta không phạm người; nếu người phạm ta, ta ắt phạm người”; nhấn mạnh thống nhất ngăn chặn chiến tranh với đánh thắng chiến tranh; nhấn mạnh sự thống nhất giữa phòng thủ về chiến lược với tiến công về chiến dịch, chiến thuật. Điều này cho thấy PLA đã được trao quyền chủ động tấn công ở cấp độ chiến thuật chiến dịch, chứ không chỉ là logic và chỉ đạo kiểu phòng thủ, phía sau còn có hậu phương sâu rộng hơn.

Những biến đổi và không biến đổi trong phương châm chiến lược quân sự từ Mao Trạch Đông đến Tập Cận Bình

... Trong lý luận quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc; phương châm chiến lược quân sự là sự cụ thể hóa của chính sách quân sự toàn diện của quốc gia, thay đổi theo từng giai đoạn...

Cốt lõi của phương châm chiến lược quân sự của Trung Quốc là “phòng ngự tích cực”; điều này không thay đổi về mặt lý thuyết. Sách Trắng “Quốc phòng Trung Quốc trong thời đại mới” cũng nhấn mạnh “thực hiện phòng ngự tích cực”. Tuy nhiên, trong 70 năm qua, cách vận dụng phương châm chiến lược cụ thể đã rất linh hoạt trong thực tế. Cụ thể, kể từ khi thành lập Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, ĐCSTQ đã thực hiện tám điều chỉnh về phương châm chiến lược quân sự:

Trước khi cải cách quốc phòng và quân sự, Trung Quốc được chia thành 7 đại quân khu

Lần đầu tiên: Tháng 4/1955, Bộ trưởng Quốc phòng Bành Đức Hoài (Peng Dehoai) khi báo cáo về phương châm chiến lược với Mao Trạch Đông; Mao Trạch Đông chỉ rõ: phương châm chiến lược là phòng ngự tích cực, quyết không “tiên phát chế nhân” (ra tay đánh trước).

Lần thứ hai: Tháng 1/1960, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lúc đó là Lâm Bưu (Lin Biao) đã đề xuất phương châm chiến lược mới “Bắc đỉnh Nam phóng” tại một cuộc họp mở rộng của Quân ủy Trung ương. Có nghĩa là từ sông Áp Luc (Yalu) ở phía bắc đến cảng Tượng Sơn (Xiang Shan) ở phía nam sẽ phải kiên quyết chặn được cuộc đổ bộ của quân địch. Còn từ phía bắc là cảng Tượng Sơn ở Chiết Giang, đến phía nam là Vịnh Bắc Bộ ở Quảng Tây, phải dẫn dụ quân địch đổ bộ vào sâu nội địa.

Lần thứ ba: Tháng 6 năm 1964, Mao Trạch Đông đã đề xuất phương châm chiến lược mới “đối phó tứ diện bát phương” (với tất cả các bên), chuẩn bị đối phó với mọi kẻ thù có thể xâm lược từ nhiều hướng chiến lược. Ông nói không biết kẻ thù đến từ đâu, vì vậy cần đề phòng mọi mặt.

Lần thứ tư: Tháng 3 năm 1969, xảy ra xung đột vũ trang Trung-Xô trên đảo Trân Bảo (Zhenbao), suýt xảy ra chiến tranh lớn. Mao Trạch Đông đặt “phòng ngự tích cực” trên cơ sở “dụ địch vào sâu”.

Lần thứ năm: Tháng 12 năm 1977, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã xây dựng phương châm chiến lược mới “phòng ngự tích cực, dụ địch vào sâu”, và trọng tâm vẫn là “dụ địch vào sâu”

Lần thứ sáu: Tháng 2 năm 1979, phương châm chiến lược 8 chữ “phòng ngự tích cực, dụ địch vào sâu” đã được đổi thành 4 chữ “phòng ngự tích cực”. “Phòng ngự tích cực” trở thành phương châm chiến lược mới và được Quân ủy Trung ương xác lập hoàn chỉnh vào tháng 12 năm 1988.

Thứ bảy: Vào những năm 1990, Chiến tranh vùng Vịnh nổ ra, hình thái chiến tranh xảy ra sự biến đổi mới. Ông Giang Trạch Dân (Jiang Zemin), Chủ tịch Quân ủy Trung ương khi đó đã đề ra phương châm chiến lược cho thời kỳ mới: “Trên cơ sở chuẩn bị cho cuộc đấu tranh quân sự, chuyển từ chuẩn bị đối phó với cuộc chiến tranh cục bộ trong điều kiện thông thường sang chuẩn bị đánh thắng cuộc chiến tranh cục bộ trong điều kiện tin học hóa; trong xây dựng quân đội, chuyển từ kiểu quy mô số lượng sang kiểu hiệu quả chất lượng; chuyển từ kiểu số đông con người sang chú trọng công nghệ.

Sau khi thực hiện cải cách quốc phòng và quân đội , hiện nay Trung Quốc được chia thành 5 chiến khu

Lần thứ tám: Tháng 7 năm 2019, phương châm chiến lược quân sự thời đại mới: kiên trì các nguyên tắc phòng ngự, tự vệ và hậu phát chế nhân; thực hiện phòng ngự tích cực và kiên trì “người không không phạm ta, ta không phạm người. nếu người phạm ta, ta ắt phạm người”; nhấn mạnh thống nhất ngăn chặn chiến tranh với đánh thắng chiến tranh; nhấn mạnh sự thống nhất giữa phòng thủ về chiến lược với tiến công về chiến dịch, chiến thuật.

Từ những diễn biến trong lịch sử nói trên, có thể thấy rằng, dù có thay đổi như thế nào, thì “phòng ngự tích cực” đều là là nền tảng của phương châm chiến lược quân sự của Trung Quốc. Từ khi thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc đến nay vẫn không thay đổi. Còn thể hiện “tấn công về chiến dịch, chiến thuật”, đây là lần đầu tiên xuất hiện.

Logic thay đổi và không thay đổi: Ai là kẻ thù giả tưởng của Trung Quốc

Về những nguyên nhân đằng sau những thay đổi về phương châm chiến lược quân sự, quân đội Trung Quốc cũng đã đưa ra một giải thích công khai hiếm thấy. Thiếu tướng Thái Chí Quân (Cai Zhijun) ở Cục Tác chiến, Bộ Tham mưu Liên hợp Quân ủy Trung ương đã đưa ra lời giải thích thẳng thắn: mỗi lần điều chỉnh phương châm chiến lược quân sự đều dựa trên ba nhân tố: một là, sự thay đổi tư duy chiến lược và chính sách quân sự; hai là, sự thay đổi lớn trong cục diện chiến lược quốc tế và ảnh hưởng của nó đến môi trường an ninh quốc gia; ba là, sự phát triển, tiến bộ của khoa học và công nghệ, dẫn đến những thay đổi sâu sắc trong lĩnh vực quân sự, đặc biệt là nguyên nhân chính của sự thay đổi hình thái chiến tranh. Tuy nhiên, ông Thái Chí Quân không giải thích được định hướng chiến lược và kẻ thù giả tưởng cụ thể phía sau những thay đổi về phương châm chiến lược quân sự.

Giải phóng Đài Loan, thống nhất đất nước từ lâu là giấc mơ của Trung Quốc (tranh cổ động trên ghi: "Chúng ta nhất định phải hoàn thành sự nghiệp thần thánh giải phóng Đài Loan, thống nhất Tổ quốc)

Xem xét lịch sử, mọi lần điều chỉnh phương châm chiến lược quân sự trong lịch sử Trung Quốc, không chỉ vì các nhân tố bên trong và bên ngoài, mà đều có định hướng chiến lược rõ ràng và kẻ thù giả tưởng cụ thể. Thời kỳ đầu khi Đảng Cộng sản Trung Quốc xây dựng chính quyền, trước sự bao vây của thế giới phương Tây và ý đồ phản công của Quốc Dân Đảng (Kuomintang) Đài Loan, dựa trên ý tưởng rằng kẻ thù chủ yếu đến từ phía biển, khi đó ĐCSTQ đã quyết định phương châm chiến lược “phòng ngự tích cực” và không bao giờ “tiên phát chế nhân”.

Phương châm chiến lược này tạo thành cơ sở phương châm chiến lược của Trung Quốc. Sau đó, ông Mao Trạch Đông đã 4 lần thay đổi đều dựa trên tình hình hiện tại để ứng phó. Năm 1960, quan hệ Xô-Trung xấu đi, dựa trên chiến lược quốc phòng phòng ngự tích cực, phương châm chiến lược được điều chỉnh thành “Bắc đỉnh Nam phóng”. “Bắc đỉnh” là nhắm vào Liên Xô lúc đó đang rất xấu với Trung Quốc, “Nam phóng” là đối phó với mối đe dọa từ phía đông nam, chủ yếu là Quốc Dân Đảng Đài Loan và Mỹ.

Vào tháng 6 năm 1964, Mao Trạch Đông đã đề xuất phương châm chiến lược mới “đối phó với tất cả các bên” (đối phó tứ diện bát phương), lý do là để đối phó với mối đe dọa quân sự của Mỹ đối với Trung Quốc do họ mở rộng Chiến tranh Việt Nam, nhưng trên thực tế kẻ thù giả tưởng lớn nhất của Trung Quốc khi đó vẫn là Liên Xô.

Một cuộc diễn tập với chủ đề đổ bộ chiếm đảo nhắm vào Đài Loan

Vào tháng 3 năm 1969, cuộc xung đột vũ trang Trung - Xô xảy ra trên đảo Trân Bảo, Mao Trạch Đông đã “phòng ngự tích cực” trên cơ sở “dụ địch vào sâu”. Kể từ đó, “dụ địch vào sâu” đã trở thành cốt lõi của phương châm chiến lược mới. Phương châm chiến lược này đã được tiếp tục cho đến thời kỳ đầu tiên của thời đại Đặng Tiểu Bình.

Tháng 9 năm 1976, Mao Trạch Đông qua đời. Tháng 12 năm sau, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã đề ra phương châm chiến lược “phòng ngự tích cực, dụ địch vào sâu” và trọng tâm vẫn là “dụ địch vào sâu”. Trong thời kỳ này, kẻ thù giả tưởng chiến lược của Trung Quốc vẫn là Mỹ và Liên Xô.

Tuy nhiên, tháng 2 năm 1979, Chiến tranh Trung - Việt nổ ra, PLA tấn công vào bên trong lãnh thổ Việt Nam. Là đồng minh của Việt Nam, nhưng Liên Xô trước sau không có hành động gì. Quân đội Trung Quốc cảm thấy trút bỏ được nguy cơ về một cuộc xâm lược lớn của quân đội Liên Xô. Lúc này, quan hệ Trung-Mỹ đã được cải thiện đáng kể, nhiều người trong nội bộ ĐCSTQ cảm thấy rằng phương châm chiến lược “dụ địch vào sâu” không còn thỏa đáng nữa. Thượng tướng Tống Thời Luân (Song Shilun), Viện trưởng Học viện khoa học quân sự cấp cao của Trung Quốc cho rằng, “nếu “dụ địch vào sâu” là một vấn đề chiến lược, nghĩa là sẽ vứt bỏ vị trí yếu địa chiến lược của vùng duyên hải và Tam Bắc (các vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Hoa Bắc), từ bỏ 80% đến 90% kinh tế quốc dân và năng lực sản xuất công nghiệp”. Tháng 9 năm 1980, ông này đã đệ trình một báo cáo mang tên “Kiến nghị về vấn đề phương châm chiến lược”, đề nghị đổi phương châm chiến lược tám chữ “phòng ngự tích cực, dụ địch vào sâu” thành phương châm 4 chữ “phòng ngự tích cực”. Các Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương khi đó là Diệp Kiếm Anh (Ye Jianying), Từ Hướng Tiền (Xu Xiangqian) và Nhiếp Vinh Trăn (Nie Rongzhen) đều bút phê “đồng ý” vào bản kiến nghị này.

Sách Trắng quốc phòng 2019 của Trung Quốc xác định kẻ địch giả tưởng là thế lực chủ trương Đài Loan độc lập và Mỹ là người đứng sau

Đến tháng 10/1980, Quân ủy Trung ương đã tổ chức một cuộc hội thảo về các vấn đề chỉ đạo chiến lược. Đặng Tiểu Bình, Chủ tịch Quân ủy Trung ương khi đó đã bày tỏ tán thành. “Phòng ngự tích cực” đã trở thành phương châm chiến lược mới và được Quân ủy Trung ương xác lập hoàn chỉnh lại vào tháng 12 năm 1988. Trong thời kỳ này, Quân ủy Trung ương đã thay đổi nhiệm vụ cơ bản chuẩn bị chiến tranh quốc gia từ đánh cuộc chiến tranh quy mô lớn sang chiến tranh cục bộ.

Năm 1990, Chiến tranh vùng Vịnh nổ ra, hình thái chiến tranh có sự biến đổi khiến Bắc Kinh phải xây dựng một phương châm chiến lược quân sự mới và khởi động một kế hoạch xây dựng quân đội tương ứng. Tháng 1 năm 1993, Giang Trạch Dân (Jiang Zemin), khi đó là Chủ tịch Quân ủy Trung ương, đã đề xuất phương châm chiến lược cho thời kỳ mới tại cuộc họp mở rộng của Quân ủy Trung ương: chuyển nền tảng cơ bản cho cuộc đấu tranh quân sự từ đối phó với cuộc chiến tranh trong điều kiện thông thường sang đánh thắng cuộc chiến tranh cục bộ trong điều kiện công nghệ hiện đại; đẩy nhanh tốc độ xây dựng chất lượng của PLA và nâng cao khả năng tác chiến ứng phó khẩn cấp.

Tóm lại, cần phải chiến thắng một cuộc chiến tranh cục bộ trong điều kiện công nghệ hiện đại, đặc biệt là điều kiện công nghệ cao ở vùng ven biển Đông Nam (tức eo biển Đài Loan). Năm 2000, đã sửa đổi văn bản về phương châm chiến lược mới: “Trong chuẩn bị cho cuộc đấu tranh quân sự, chuyển từ chuẩn bị đối phó với cuộc chiến tranh cục bộ trong điều kiện thông thường sang chuẩn bị đánh thắng cuộc chiến tranh cục bộ trong điều kiện công nghệ thông tin”. Phương châm chiến lược mới định nghĩa lại sứ mạng quân sự trung tâm của PLA; xác định kẻ thù giả định chủ yếu của Trung Quốc là lực lượng ly khai Đài Loan và người ủng hộ họ là Mỹ, đồng thời thiết lập phương thức và quy mô tác chiến từ nay về sau.

Trung Quốc đang tiến hành 2 cuộc tập trận lớn được cho là gây sức ép với Đài Loan và đáp trả việc Mỹ bán số lượng lớn vũ khí, thiết bị quân sự cho Đài Loan

Hiện nay, Trung Quốc đã tiến hành điều chỉnh về phương châm chiến lược quân sự, cũng là kết quả của sự tổng hợp các nhân tố bên trong và bên ngoài. Về nội bộ, ĐCSTQ đã chính thức tiến hành cải cách quân sự từ năm 2015 và hoàn thành việc tái cơ cấu hệ thống quân sự vào cuối năm 2018. Trong lần cải cách quốc phòng và quân đội lần này, 7 đại quân khu đã được thay thế bởi 5 đại chiến khu, các quân binh chủng cũng thay đổi theo. Trong thời kỳ này, tư tưởng quân sự của Tập Cận Bình cũng dần được hình thành, đó là nguyên nhân bên trong trực tiếp của sự điều chỉnh.

“Thế giới ngày nay đang trải qua một sự thay đổi lớn chưa từng có trong hàng trăm năm qua. Thế giới đa cực hóa, kinh tế toàn cầu hóa, xã hội thông tin hóa, văn hóa đa dạng hóa. Trào lưu thời đại hòa bình, phát triển, hợp tác và cùng thắng là không thể đảo ngược, nhưng các nhân tố bất ổn và không xác định mà an ninh quốc tế phải đối mặt và thế giới không hòa bình càng nổi bật hơn”. Đó là kết luận của Bắc Kinh về tình hình quốc tế hiện nay. Một phần nội dung này đã xuất hiện trong phần đầu tiên “Tình hình an ninh quốc gia” của Sách Trắng và điểm khởi đầu cho sự thay đổi của phương châm chiến lược quân sự Trung Quốc cũng ở đây.

Chiến lược quân sự là phương lược chung để hoạch định và chỉ đạo xây dựng và vận hành lực lượng quân sự, phục tùng, phục vụ mục tiêu chiến lược quốc gia. Nhìn lại những thay đổi trong chính trị và ngoại giao trong nước của Trung Quốc kể từ Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18; về nội chính thông qua các chiến dịch chống tham nhũng, cải cách quân sự và cải cách thể chế đã tái lập hệ sinh thái chính trị của ĐCSTQ, thúc đẩy hiện đại hóa lần thứ 5, trực tiếp dẫn đến phục hưng dân tộc.

Tập Cận Bình đã định nghĩa lại mục tiêu trăm năm của ĐCSTQ: từ năm 2020 đến năm 2035, trên cơ sở xây dựng một xã hội khá giả một cách toàn diện, sẽ tiếp tục phấn đấu 15 năm nữa, về cơ bản thực hiện hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa. Từ năm 2035 đến giữa thế kỷ 21 trên cơ sở cơ bản thực hiện hiện đại hóa, tiếp tục phấn đấu 15 năm nữa xây dựng thành cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại hóa giàu mạnh, dân chủ văn minh hài hòa đẹp đẽ. Về ngoại giao, tích cực tham gia, thậm chí chủ đạo xây dựng trật tự mơí́ về chính trị, kinh tế thế giới.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc chắc chắn sẽ gây ra phản ứng dây chuyền và nhiều thách thức. Cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đang diễn ra là một thủ đoạn Mỹ sử dụng để áp chế Trung Quốc trong bối cảnh đó. Trung Quốc đã chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài; cả Trung Quốc và Mỹ đều đang muốn thông qua đàm phán mậu dịch để tìm ra một “sự đồng thuận” có thể chấp nhận được.

So sánh, làm thế nào để giải quyết vấn đề Đài Loan có thể là việc lớn ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc trong tương lai, bởi vì thực hiện phục hưng dân tộc và thống nhất Đài Loan là một phần không thể thiếu. Sách Trắng nêu rõ: “Giải quyết vấn đề Đài Loan, thực hiện thống nhất hoàn toàn đất nước là lợi ích căn bản của dân tộc Trung Hoa và là một yêu cầu tất yếu để hiện thực hóa phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại”. Sách Trắng nhấn mạnh: “Nếu có kẻ nào muốn chia cắt Đài Loan khỏi Trung Quốc, quân đội Trung Quốc sẽ kiên quyết đánh bại và bảo vệ sự thống nhất quốc gia bằng mọi giá”.

Đa Chiều kết luận: Tuyên bố này cho thấy nếu không thể đạt được sự thống nhất hòa bình Đài Loan, thì lựa chọn duy nhất là sử dụng vũ lực. Chiến lược quân sự mới nhất của Bắc Kinh nhấn mạnh “tiến công về chiến dịch, chiến thuật”; chỉ đạo chiến lược này có khả năng thực hiện cao. Kẻ thù giả định cụ thể chính là vấn đề Đài Loan, thế lực đòi Đài Loan độc lập và Mỹ - kẻ ủng hộ đứng đằng sau.

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/ai-la-ke-thu-gia-tuong-va-dang-sau-su-thay-doi-ve-phuong-cham-chien-luoc-quan-su-cua-trung-quoc-362651.html