Ai là kẻ thù chính của xe tăng Challenger trong cuộc chiến năm 1991?

Vào đầu những năm 90, lực lượng tấn công chính của Quân đội Anh là xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger I. Chiếc chiến xa nặng 62 tấn này chủ yếu nhằm chống lại các phương tiện bọc thép của Khối Warszawa ở châu Âu.

Challenger được cho là để thay thế loại Chieftain đã lỗi thời phục vụ từ giữa những năm 60. So với người tiền nhiệm, xe tăng mới có giáp nhiều lớp, hệ thống điều khiển hỏa lực cải tiến với kính ngắm ảnh nhiệt.

Tuy nhiên động cơ diesel V-1200 "Condor" 1.200 mã lực không đủ mạnh đối với một chiếc xe tăng hạng nặng như vậy, vốn được coi là chậm nhất trong thế hệ thứ ba của phương Tây và chỉ đạt vận tốc 56 km/h trên đường cao tốc, trong khi các đối thủ của nó đã tăng tốc lên 70 km/h. Phạm vi nhiên liệu cũng không phải là một kỷ lục - 400 km.

Một số chuyên gia coi vũ khí chính của nó là cổ lỗ sĩ - khẩu pháo nòng xoắn 120 mm, kém hơn về các đặc tính so với các loại pháo nòng trơn. Nhưng hóa ra khẩu L11A5 đã chiến đấu khá thành công trước công nghệ Liên Xô của Quân đội Iraq được phát triển vào những năm 50, trong cuộc chiến tại Kuwait vào năm 1990.

Là một phần của lực lượng đa quốc gia, hơn 150 chiếc Challenger I đã được đưa vào trận chiến vào tháng 2 năm 1991. Đánh giá bởi các tài liệu được công bố, chúng tỏ ra áp đảo đội hình của đối phương, được trang bị chủ yếu là T-55 hạng trung, không thể cạnh tranh ngang bằng với công nghệ hiện đại của NATO.

Do đó không có gì ngạc nhiên khi đọc về các “kỷ lục” của Anh, như việc đánh bại T-55 ở các cự ly 3.600 và 4.700 mét. Tổng cộng, người Anh được cho là đã phá hủy 300 xe bọc thép của đối phương. Đồng thời, chỉ có 1 chiếc xe tăng bị hư hại một cách không thể cứu vãn.

Xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger I của Quân đội Anh. Ảnh: Topwar.

Xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger I của Quân đội Anh. Ảnh: Topwar.

Kẻ thù chính của người Anh lại chính là sa mạc, khiến cho thiết bị không hoạt động được do nhiều sự cố khác nhau. Ngoài ra khối lượng chiến đấu lớn ảnh hưởng xấu đến khả năng cơ động. Đôi khi xe tăng không thể vượt qua các công sự thông thường của quân Iraq khi di chuyển, và việc giải cứu những chiếc mắc kẹt là một vấn đề rất lớn.

Challenger I phục vụ một thời gian tương đối ngắn trong quân đội Anh, 10 năm sau khi bắt đầu sản xuất hàng loạt, chúng bắt đầu được thay thế bằng biến thể Challenger II, mặc dù nó cũng giữ lại những "căn bệnh kinh niên" của xe bọc thép Anh.

Phong Vũ (Tổng hợp)

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/ai-la-ke-thu-chinh-cua-xe-tang-challenger-trong-cuoc-chien-nam-1991/20201231024144727