'AI là cơ hội cho các công ty công nghệ Việt Nam'

Tại hội thảo Zalo AI Summit sáng 21/12, các diễn giả đều có chung nhận định làn sóng mới AI là cơ hội để Việt Nam ghi tên trên bản đồ công nghệ thế giới nếu tận dụng được thời cơ.

Zalo AI Summit diễn ra sáng 21/12 tại Dreamplex Auditorium (TP.HCM) là hội thảo chuyên nghiệp đầu tiên trong lĩnh vực AI được tổ chức tại Việt Nam. Đây là diễn đàn dành riêng cho lập trình viên chuyên nghiệp, chuyên gia nhằm chia sẻ những vấn đề kỹ thuật chuyên sâu khi phát triển và ứng dụng AI.

Các diễn giả tham gia chương trình là những người đang thầm lặng đóng góp cho sự phát triển AI ở Việt Nam, gồm Tiến sĩ Bùi Duy Bách (đồng sáng lập Arimo), Tiến sĩ Nguyễn Trọng Dũng (chuyên viên nghiên cứu AI tại Axon Public Safety Vietnam), Thạc sĩ Phạm Kim Cương (sáng lập chongiadung.com), ông Trần Công Thiên Qui (đứng đầu nhóm nghiên cứu phát triển ở Zalo AI), ông Phạm Kim Long - cha đẻ Unikey và Labankey.

"Host" của sự kiện này là ông Vương Quang Khải, lãnh đạo Zalo.

08:14 21/12

Nhiều khách mời đến sớm

Hội thảo chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực AI diễn ra tại Dreamplex Auditorium (TP.HCM). Từ 7h sáng, một số khách mời đã đến sớm để check-in dù đã đăng ký hai ngày trước.

08:26 21/12

Anh Nguyễn Hoàng Tuấn, một lập trình viên tại TP.HCM, cho biết anh mong chờ diễn giả chia sẻ về việc áp dụng AI vào chatbot, vì nó liên quan đến ứng dụng anh đang phát triển. "Chatbot là cách ứng dụng AI gần gũi nhất với những nhà phát triển. Nó hỗ trợ bán hàng qua các kênh online hiệu quả hơn nhưng không dễ để xây dựng", anh nói.

08:32 21/12

Khách mời đến Zalo AI Summit sẽ tự check-in bằng QR code.

08:44 21/12

Khán phòng Dreamplex Auditorium có sức chứa khoảng 200 chỗ ngồi. Nhiều khách mời đã vào bên trong, sẵn sàng cho buổi hội thảo chuyên nghiệp đầu tiên về AI tại Việt Nam. Nói với Zing.vn, Tiến sĩ Bùi Duy Bách - một trong các diễn giả - cho biết anh sẽ thuyết trình về chủ đề AI tại Việt Nam đang ở đâu trên thị trường quốc tế và thách thức mà doanh nghiệp trong nước gặp phải khi tiếp cận công nghệ này.

08:54 21/12

Ông Vương Quang Khải mở đầu sự kiện

Sự kiện bắt đầu với sự xuất hiện của ông Vương Quang Khải, lãnh đạo của Zalo trên sân khấu. "Chúng ta đã được nghe nói đến ứng dụng của AI từ những thứ rất nhỏ như chụp ảnh đẹp trên smartphone, hay câu chuyện về xe tự lái của nhiều năm trước. Khải nghĩ rằng AI sẽ là làn sóng mới, thay đổi hoàn toàn bộ mặt của các nền kinh tế. Đó là thách thức cũng như cơ hội. Lịch sử đã quá nhiều câu chuyện như Yahoo! hay AOL. Kẻ nắm bắt cơ hội sẽ sống sót và ngược lại".

"Zalo đã sống sót qua làn sóng mobile và sẵn sàng bước vào làn sóng AI", ông Khải chia sẻ.

09:01 21/12

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Dũng chia sẻ về AI và Axon

Diễn giả đầu tiên lên sân khấu là Tiến sĩ Nguyễn Trọng Dũng, chuyên viên nghiên cứu AI tại Axon Public Safety Vietnam. Anh chia sẻ về những khái niệm cơ bản nhất của trí tuệ nhân tạo, bao gồm Machine Learning và Deep Learning.

"Trí tuệ nhân tạo (AI) là một khoa học và tập hợp các công nghệ tính toán được truyền cảm hứng bởi (nhưng đôi khi hơi khác) cách mà con người sử dụng hệ thống thần kinh, cơ thể để cảm nhận, học hỏi, lý luận và hành động", Tiến sĩ Nguyễn Trọng Dũng cho biết.

09:11 21/12

Ứng dụng AI vào công nghệ nhận diện gương mặt

Trên sân khấu sự kiện, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Dũng tập trung vào công nghệ nhận diện gương mặt, đang ứng dụng rộng rãi vào các sản phẩm công nghệ, chẳng hạn smartphone hay hệ thống camera giám sát tích hợp AI tại một số nước phát triển. "Với AI, camera có thể nhận diện và truy tìm một người tại một thành phố hàng triệu dân chỉ trong vài phút", diễn giả này lấy ví dụ.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Dũng theo học ngành Kỹ thuật Điện tử và Máy tính tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), hiện phụ trách việc nghiên cứu và ứng dụng AI lên các sản phẩm của Axon Public Safety Vietnam như body camera, các thiết bị thông minh trên xe hơi, súng bắn điện của cảnh sát...

09:28 21/12

Diễn giả Phạm Kim Cương trình bày về Chatbot

Diễn giả thứ hai lên sân khấu trình bày về Chatbot là Thạc sĩ Phạm Kim Cương. Anh tốt nghiệp ngành Thu thập thông tin và dữ liệu tại Đại học Illinois (Mỹ), từng có thời gian dài làm việc ở Google, Airbnb... trước khi sáng lập chongiadung.com.

"Mơ ước của mình là tạo được hệ thống giao tiếp với con người bằng ngôn ngữ tự nhiên", diễn giả này thổ lộ khi bắt đầu bài trình bày của mình.

09:37 21/12

Chatbot cần AI để thông minh hơn

Diễn giả Phạm Kim Cương cho biết mình bắt đầu phát triển chatbot cho website chongiadung bằng cách tổ chức một cuộc thi "hackathon" nội bộ trong công ty để tạo ra một hệ thống tự động trả lời. Mục tiêu là nó phải "thông minh" để khách hàng không thể nhận ra đó là chatbot hay người thật.

Tuy nhiên, kết quả ban đầu không mấy khả quan. Khách hàng của anh nhanh chóng thất vọng và bỏ đi. Việc này đòi hỏi Phạm Kim Cương và đội ngũ của mình phải bắt tay nghiên cứu ứng dụng AI vào chatbot. "Trước đây, vào những năm 80, mô hình Multilayer Perception được áp dụng và khá thành công nhưng hiện không ai dùng nữa. Gần đây Google phát triển Deep Neural Network, với sự góp mặt của tiến sĩ gốc Việt Quoc Le, cho ra những kết quả khả quan hơn", diễn giả Cương nhận định.

09:45 21/12

Sau khi nghiên cứu rất nhiều về Deep Learning, Phạm Kim Cương áp dụng vào "chatbot phiên bản 2", nhưng chúng vẫn đưa ra những câu trả lời kém thông minh, gây thất vọng. Bài học rút ra là do chưa có dữ liệu luyện tập cho chatbot.

Khách mời cười nghiêng ngả với câu chuyện xây dựng chatbot.

Sau khi cải tiến chatbot bằng những phương pháp mới hơn, công cụ phản hồi lọc ra được những khách hàng "nghiêm túc" mua sắm và gợi ý họ để lại số điện thoại. Những dòng tin nhắn của chatbot đã có "nhân tính" hơn khi thêm vào các biểu tượng cảm xúc.

09:49 21/12

"Internet là công cụ bình đẳng hóa xã hội", ông Phạm Kim Cương nhắc lại lời CEO Google Sundar Pichai để kết thúc bài thuyết trình. Diễn giả này cũng dẫn chứng bằng việc Google cung cấp công cụ giúp những ai chưa hiểu về Deep Learning cũng có thể xây dựng được chatbot bằng cách kéo thả.

09:56 21/12

Thạc sĩ Trần Công Thiên Qui nói về Hệ thống khuyến nghị

Tiếp sau bài trình bày về chatbot của diễn giả Phạm Kim Cương, Thạc sĩ Trần Công Thiên Qui - người đứng đầu nhóm nghiên cứu phát triển ở Zalo AI - lên sân khấu để nói về Hệ thống khuyến nghị.

Tốt nghiệp thạc sĩ ngành Khoa học máy tính ở Đại học quốc gia Singapore, diễn giả này cũng là tác giả của nhiều bài phân tích trên các tạp chí uy tín như SIGGRAPH ASIA, IEEE VR, HCI, WIRED NextFest, IEEE TVCG.

"Thế giới web, người ta nói, là đang rời khỏi thời của tìm kiếm và bước vào thời của khám phá. Khác nhau chỗ nào? Tìm kiếm là những gì bạn làm khi tìm gì đó. Còn khám phá khi có những thứ tuyệt vời mà bạn chẳng biết chúng tồn tại, hoặc không biết hỏi thế nào, sẽ tìm đến bạn", diễn giả Phạm Kim Cương dẫn lời bài viết Cuộc đua để tạo ra một Google thông minh trên CNN Money.

10:03 21/12

Hệ thống khuyến nghị giúp tăng hiệu quả cho các nền tảng giải trí

Thạc sĩ Trần Công Thiên Qui lấy ví dụ về hệ thống khuyến nghị của những nền tảng lớn như Spotify, Tencent, YouTube và liên hệ về trường hợp áp dụng vào Zing MP3. Hệ thống khuyến nghị dựa trên những mô hình lọc kết hợp (nhắc nhớ, tiên đoán), nội dung (metadata, dữ liệu thô) và ngữ cảnh (vị trí, thời điểm, dữ liệu social).

Chuyên gia này cũng cho biết hệ thống khuyến nghị mang lại thêm 33% số bộ phim được xem cho Netflix, 38% tỷ lệ nhấp chuột cho tin tức trên Google News, thêm 35% doanh số Amazon và 31% số bài nhạc trên Zing MP3.

10:08 21/12

"Chúng ta đang để lại sau lưng thời kỳ của thông tin và bước vào kỷ nguyên khuyến nghị", diễn giả Thiên Qui dẫn lời Chris Anderson viết trong The Long Tail để nhấn mạnh về tầm quan trọng của hệ thống khuyến nghị có ứng dụng AI.

10:20 21/12

Giải lao

Các khách mời và diễn giả tạm nghỉ trong ít phút. Bên lề sự kiện, nhiều câu hỏi về AI được mang ra trao đổi sôi nổi giữa các lập trình viên và chuyên gia trong lĩnh vực.

10:28 21/12

Tiến sĩ Bùi Duy Bách bàn về AI tại Việt Nam

Tiến sĩ Bùi Duy Bách tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính của Đại học Illinois (Mỹ). Ông là đồng sáng lập Arimo, một trong những công ty hàng đầu trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào IoT ở Thung lũng Silicon. Tiến sĩ Bách có nhiều năm kinh nghiệm trong việc dẫn dắt các kỹ sư tài năng giải quyết những bài toán AI cho nhiều khách hàng lớn trong ngành công nghiệp này.

Tại Zalo AI Summit, Tiến sĩ Bùi Duy Bách bàn về cơ hội để thành công với AI tại Việt Nam và những khó khăn mà nhà phát triển sẽ gặp phải.

10:33 21/12

AI là cơ hội của Việt Nam

"AI là một trong những cơ hội hiếm hoi để Việt Nam ghi tên trên bản đồ công nghệ thế giới", Tiến sĩ Bùi Duy Bách nhấn mạnh. Chuyên gia này cho rằng Trung Quốc đang là quốc gia nhạy bén nhất về AI và có thể dẫn đầu thế giới trong 15 năm nữa. Việt Nam có thể đón sóng được AI nếu tận dụng được thời cơ.

Về mặt con người, ông Bách cho rằng người Việt Nam có khả năng trí tuệ cao. "Đặc biệt trong lĩnh vực AI, có những bạn như Quốc Lê ở Google Brain được giới công nghệ ghi nhận là người đã có công đưa Deep Learning vào thực tế và khôi phục lại làn sóng nghiên cứu và ứng dụng AI đã dậm chân tại chỗ trong nhiều năm".

10:37 21/12

"Đặc điểm của giáo dục Việt Nam là có thế mạnh về toán. Mình làm việc với nhiều bạn sinh viên rất giỏi tư duy toán học. Họ có thể thích ứng ngay với công nghệ mới. Việc mở startup về AI tại Việt Nam cũng không tốn nhiều chi phí như ở Mỹ", chuyên gia này khẳng định.

10:48 21/12

'Deep Learning là con dao sắc trong tay người đầu bếp'

Nói về khó khăn trong việc xây dựng startup dựa trên AI tại Việt Nam, Tiến sĩ Bùi Duy Bách cho rằng doanh nghiệp cần xác định đúng mô hình kinh doanh và những vấn đề cần giải quyết bằng AI. "Hãy bắt đầu với vấn đề kinh doanh chứ không phải dữ liệu hay công nghệ. Mục tiêu cuối cùng là mang lại gì cho khách hàng và kiếm tiền từ đó", chuyên gia này khuyến cáo.

Theo ông Bách, doanh nghiệp cần hiểu sâu về Machine Learning và mô hình kinh doanh của mình để kết hợp chúng lại với nhau. Và "Deep Learning (học sâu) như một con dao sắc giúp người đầu bếp nấu nhanh hơn, chứ bản thân người đầu bếp (ở đây là startup) phải hiểu công thức mới có thể cho ra món ăn ngon", đồng sáng lập Arimo ví dụ.

10:57 21/12

Vai trò của trực giác (Intuition) trong phát triển AI

Tiến sĩ Bùi Duy Bách dành thời gian nói về ứng dụng các mô hình như Convolutional Neural Network (CNN - Mạng nơ-ron hỗn độn), Recurrent Neural Network (RNN - Mạng lưới thần kinh tái diễn) và Fully Connected Network (FCN - Mạng kết nối hoàn chỉnh).

Ông Bách nhấn mạnh vai trò khái niệm Intuition (Trực giác) trong phát triển AI: "Tôi từng học một môn mãi không hiểu, nhưng khi sang Mỹ, nhìn vào một tấm ảnh minh họa về vấn đề đấy tôi hiểu ngay".

"Tư duy trực giác là một quà tặng thiêng liêng và tư duy lý lẽ là một tên đầy tớ trung thành. Chúng ta đã tạo ra một xã hội vinh danh tên đầy tớ và bỏ quên món quà tặng ấy", Tiến sĩ Bách dẫn lại lời của Albert Einstein để cho thấy đôi khi những nhà phát triển AI quên đi, hoặc không ý thức được, tầm quan trọng của Intuition.

10:59 21/12

Tôi rất vui vì thấy AI đang phát triển ở Việt Nam và Zalo của anh Khải nghiêm túc với vấn đề này. "Dao sắc là quan trọng, nhưng cơ bản bạn phải là một đầu bếp tốt", Tiến sĩ Bùi Duy Bách khép lại bài thuyết trình trong tiếng vỗ tay tán thưởng của cả hội trường.

11:09 21/12

Tác giả của Unikey và Labankey nói về dự đoán từ ngữ và tự động sửa lỗi tiếng Việt

Ông Phạm Kim Long, tác giả của hai bộ gõ Labankey và Unikey nổi tiếng lên sân khấu. Diễn giả này sẽ nói về việc dự đoán từ ngữ và tự động sửa lỗi tiếng Việt - vấn đề khiến nhiều nhà phát triển trước đó từng "đau đầu" vì độ lắt léo và đa nghĩa.

"Chẳng hạn, tôi nói 'cụ già đi nhanh quá', bạn sẽ hiểu theo hai nghĩa: cụ già bước đi rất nhanh hoặc cụ già qua đời chóng vánh", ông Phạm Kim Long lấy ví dụ. Chuyên gia này đưa ra mô hình N-gram và ứng dụng nó vào xử lý ngôn ngữ tự nhiên trong tiếng Việt. "Tuy nhiên, cách xử lý dữ liệu ban đầu quan trọng hơn thuật toán", tác giả Unikey và Labankey cho biết.

11:15 21/12

Ông Phạm Kim Long dẫn ra các cách tính xác suất trong việc xây dựng mô hình đoán từ. Lý thuyết này tương đối khó với những lập trình viên thông thường, nhưng bắt buộc họ phải hiểu sâu nếu "dấn thân" vào mảng xử lý ngôn ngữ Việt.

Khách mời đăm chiêu với bài toán đoán từ của Labankey.

11:22 21/12

"Làm AI thì có rất nhiều vũ khí, nhưng không phải công cụ nào cũng có ích với tiếng Việt, đòi hỏi chúng ta phải có kiến thức sâu về ngôn ngữ. Data rất quan trọng", ông Phạm Kim Long kết thúc bài nói chuyện của mình.

11:26 21/12

Các diễn giả bắt đầu giao lưu

Các bài trình bày đã kết thúc. Ông Vương Quang Khải và các diễn giả trở lại sân khấu để bắt đầu phần giao lưu, trả lời các câu hỏi.

11:37 21/12

Ông Vương Quang Khải đặt ra câu hỏi về "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" khi làm AI ở Việt Nam. "Nhà nhà làm AI rồi thì chúng ta phải xông vào thôi. Hàng chục triệu người dùng Zalo mỗi ngày nên đó cũng là địa lợi. Vậy nhân hòa thì chưa rõ lắm? Các anh nghĩ gì về tiềm năng của các kỹ sư Việt Nam khi nhảy vào lĩnh vực AI?"

Diễn giả Bùi Duy Bách: Các bạn trẻ cần đọc thêm thật nhiều để hiểu về AI, kết hợp với đam mê của mình để giải các bài toán cụ thể. Đa phần các bạn trong nhóm của mình không có xuất phát điểm từ AI, nhờ tò mò mà mới hiểu về công nghệ này.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Dũng: Quan trọng không phải là học bao nhiêu mà các bạn phải hiểu bản chất vấn đề nữa!

11:50 21/12

Zalo sẽ nâng lên đẳng cấp mới nhờ AI

"Zalo, Báo mới và Zing Mp3 đều có thể thông minh hơn. Khi người dùng vào trang, ngay lập tức họ được "dọn lên" những nội dung tốt nhất nhờ AI. Labankey cũng vậy. Tất cả sản phẩm của Zalo đều phải nâng lên đẳng cấp mới, thông minh hơn và gần gũi hơn", ông Vương Quang Khải trả lời cho câu hỏi về việc Zalo sẽ áp dụng AI như thế nào cho các sản phẩm của mình.

11:58 21/12

- Chị Vy Lê - đại diện từ Google - đặt câu hỏi: "Trong thế giới phẳng, ai cũng học được AI, vậy người trẻ Việt Nam nên học AI ở Việt Nam hay ra thế giới? Khả năng của người Việt so khu vực như thế nào?"

- Tiến sĩ Bùi Duy Bách: Người Việt Nam tố chất rất tốt. Mình nghĩ khả năng không kém gì bạn bè trong khu vực. Quan trọng là tìm hiểu và học. Người làm "sống lại" làn sóng nghiên cứu về AI cũng là người Việt. Quan trọng là phải chăm chỉ. Như anh Khải đang làm đúng đấy, làm một team nhỏ nghiên cứu về AI, cứ làm đi thôi, và tập trung vào vấn đề của mình. Đừng nghĩ phải tạo ra cái gì đấy ghê gớm ngay nếu không muốn bị phân tâm.

12:16 21/12

- Một khán giả đặt câu hỏi: "AI sẽ tác động như thế nào đến các ngành nghề truyền thống?"

- Tiến sĩ Bùi Duy Bách: Lấy ví dụ ngành chăm sóc sắc đẹp với Camera360, hoặc ứng dụng chụp ảnh và tư vấn trang điểm. Đa phần các doanh nghiệp ở Việt Nam còn loay hoay với AI chứ chưa biết làm thế nào. Các bạn cứ bình tĩnh học. Chuyện AI thay thế con người vẫn sẽ diễn ra nhưng tùy vào lĩnh vực, nhất là những công việc liên quan đến cảm xúc, cảm nhận, sáng tạo... chẳng hạn như nghề báo, người làm nghệ thuật.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Dũng: Có những công việc AI không thể quyết định, chẳng hạn vấn đề hạt nhân, mà cần con người quyết định cuối cùng.

Ông Vương Quang Khải: AI còn rất lâu mới đạt đến trí thông minh tự nhiên như con người. Nhưng với những công việc mang tính lặp đi lặp lại thì có thể bị AI thay thế.

12:18 21/12

Sự kiện kết thúc!

Kết thúc phần hỏi đáp, Zalo AI Summit chính thức khép lại.

Nhóm phóng viên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ai-la-co-hoi-cho-cac-cong-ty-cong-nghe-viet-nam-post805679.html