Ai hưởng lợi từ bảo hộ mía đường? - Kỳ 3: Không thể cứ bắt người tiêu dùng chịu thiệt

Để xây dựng và bảo vệ ngành mía đường trong nước, hàng chục năm qua người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp chế biến thực phẩm đã phải chấp nhận mua đường với giá đắt hơn nhiều so với đường nhập.

Để xây dựng và bảo vệ ngành mía đường trong nước, hàng chục năm qua người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp chế biến thực phẩm đã phải chấp nhận mua đường với giá đắt hơn nhiều so với đường nhập.

Người tiêu dùng vẫn phải mua đường với giá cao - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Nhưng không thể tiếp tục bắt người tiêu dùng và cả nền kinh tế phải "hy sinh" cho các doanh nghiệp (DN) đường yếu kém.

Doanh nghiệp chế biến thực phẩm "sợ" giá đường

Theo quy định khi tham gia WTO, hằng năm VN phải nhập khẩu lượng đường khoảng 80.000 tấn/năm. Một chuyên gia kinh tế tính toán, giá đường nhập khẩu từ Thái Lan trong hạn ngạch (vẫn phải nộp thuế với đường thô là 20% và đường trắng là 40%) thấp hơn giá bán sỉ đường nội địa khoảng 10 - 15%. Vì thế, DN thực phẩm nào nhận được hạn ngạch (quota) sẽ mua được đường rẻ hơn với giá trong nước, chi phí sản xuất thấp hơn và nhờ đó lợi thế cạnh tranh tốt hơn.

Riêng với các công ty đường nếu có quota, chỉ cần nhập vào bán bằng giá trên thị trường nội địa là có thể nhẹ nhàng đút túi khoản chênh lệch giá 10 - 15% như nói trên. Đó là lý do theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú trong một bài phỏng vấn mới đây, thường cuối năm mới được phân bổ hạn ngạch nhưng các DN đường đều nhập khẩu hết. Có thể thấy rõ nghịch lý, chênh lệch giá đường mang lại lợi nhuận cho các DN ngành này nhưng lại khiến các DN có sử dụng đường làm nguyên liệu như sữa, bánh kẹo, nước giải khát... mệt mỏi vì tăng chi phí.

Ông Trần Bảo Minh, Tổng giám đốc Công ty CP sữa quốc tế IDP, người có thâm niên gắn bó với ngành sử dụng đường làm nguyên liệu đầu vào thừa nhận, các DN như công ty ông vẫn phải mua đường nội với giá cao. Nếu có được quota nhập đường thì giá giảm đáng kể. Vì vậy, công ty ông nói riêng và các DN sử dụng nguyên liệu đường nói chung nhiều năm qua vẫn luôn muốn được cấp quota nhập đường. Bởi chỉ cần chênh lệch vài trăm đồng/kg thì với các DN sử dụng vài trăm tấn/năm, chi phí không hề rẻ. Còn đương nhiên, khi phải mua đường nội với giá cao, DN cũng sẽ "bổ" vào giá thành và cuối cùng người tiêu dùng vẫn là đối tượng phải gánh.

Theo đại diện Công ty Vinamilk, cùng chất lượng thì giá đường nội luôn cao hơn giá đường nhập từ 4.000 - 5.000 đồng/kg. Đây là mức chênh lệch rất cao, làm tăng chi phí đầu vào, tăng giá thành sản phẩm và giảm năng lực cạnh tranh của DN. Vì vậy, DN này mong muốn tháo bỏ chính sách bảo hộ ngành đường, mở cửa cho đường ngoại để kéo giá xuống. Như vậy sẽ giúp DN có điều kiện để tính toán lại giá thành sản phẩm cạnh tranh hơn.

Thực tế trong những năm qua, đặc biệt là những năm kinh tế khó khăn vì khủng hoảng, không ít công ty đã kiến nghị, phản đối và xin được cấp quota nhập đường để giảm chi phí, tạo cơ sở giảm giá thành, kích thích sức mua, tháo tồn kho như kêu gọi của cơ quan quản lý.

Như vậy có thể thấy, việc bảo hộ ngành đường không chỉ khiến người tiêu dùng nội địa phải mua đường với giá cao mà họ còn phải gánh cả phần chi phí tăng thêm do giá đường cao ở nhiều loại thực phẩm khác. Không nói nhiều, luật gia Phạm Thị Việt Thu, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, khẳng định người tiêu dùng chỉ muốn và cần được mua đường nói riêng cũng như các hàng hóa khác nói chung với giá rẻ. Đó là nguyện vọng chính đáng của họ.

Sự trì trệ đáng sợ

Tỏ rõ sự ngao ngán, TS Hoàng Thọ Xuân, nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Thương mại) nói đã ngót 2 thập niên được nhà nước dành cho nhiều sự bao bọc, ưu ái nhưng ngành đường trong nước không tận dụng được khoảng thời gian này để lớn mạnh. Mục tiêu của chính sách bảo hộ là phải hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, người nông dân và DN. Trong đó, lợi ích người tiêu dùng là cái chung mà toàn xã hội phải có trách nhiệm. Nhưng với ngành mía đường, lợi ích người tiêu dùng không được quan tâm, lợi ích của người nông dân trồng mía được sử dụng như một "bảo bối" cho những đòi hỏi, yêu sách. Chỉ có lợi ích của DN chế biến đường là được tập trung.

"Kinh nghiệm cho thấy, với bất kỳ nông sản nào cũng cần cả một quá trình. Có thể mùa này bù mùa kia, vụ này lời, vụ kia lỗ chứ không phải năm nào cũng thắng vì nông nghiệp còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan như thời tiết, khí hậu... Nhưng kết quả chung là phải đi lên, phải phát triển. Ngành đường cũng vậy, hiệp hội, DN phải cùng nông dân, dìu dắt họ, chia sẻ lợi ích với họ để cùng đi lên. Nhưng đã 2 thập niên mà không giải quyết được thì đó là một sự trì trệ. Theo tôi là có tội với lịch sử" - TS Hoàng Thọ Xuân bức xúc.

TS Xuân cũng cho rằng dù đã quá muộn nhưng vẫn không thể không làm. Trước mắt, hãy cho nhập đường để tạo sức ép. Đây là xu thế chung, VN cũng phải thuận theo cái chung. Không thể tiếp tục o bế vì như vậy, chỉ có hại cho chính các DN đường trong nước mà thôi.

Một chuyên gia nông nghiệp cho rằng: "Nếu ta gọi đó là sự hy sinh thì hy sinh là để có được một ngành công nghiệp mía đường lớn mạnh, hiện đại; là những người nông dân trồng mía được chia sẻ quyền lợi trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp đường chứ không phải hy sinh để đổi lại một ngành công nghiệp mía đường ọp ẹp, ốm yếu như hiện nay. Hãy nhanh chóng chấm dứt việc để người tiêu dùng cả nước, DN phải chịu thiệt thòi mua đường nội đắt đỏ trong khi đường ngoại giá rẻ ở ngay bên cạnh".

Tổng giám đốc một DN sản xuất bánh kẹo tại TP.HCM cũng thẳng thắn, các DN đường yếu kém thì hãy đóng cửa chứ đừng tìm mọi cách xài hết "quota bảo hộ" để kiếm lợi. Với lượng đường sử dụng mỗi năm rất lớn, theo vị này, nếu đường rẻ hơn, sản phẩm của ông sẽ cạnh tranh tốt hơn với bánh kẹo ngoại đang tràn ngập thị trường nội địa. "Đường cũng là sản phẩm thiết yếu nên phải chấm dứt tình trạng đắt đỏ vô lý này càng nhanh càng tốt" - vị tổng giám đốc này yêu cầu.

Nguyên Khanh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/ai-huong-loi-tu-bao-ho-mia-duong-ky-3-khong-the-cu-bat-nguoi-tieu-dung-chiu-thiet-540300.html