AI gõ cửa ngành nghệ thuật

Đến lượt mình, ngành công nghiệp nghệ thuật (art) đang bước vào giai đoạn dù muốn hay không cũng phải tiếp nhận công nghệ trí tuệ nhân tạo cùng với đoàn quân những công nghệ máy học, học sâu… Và cũng như ở nhiều ngành công nghiệp AI trước mắt mang lại nhiều lợi ích cho con người nhưng vẫn còn để ngỏ về vai trò của nó trong tương lai của ngành này.

Lĩnh vực mỹ thuật, nghệ thuật (art - gọi chung là nghệ thuật) thường được xem là mảnh đất của riêng con người vì đòi hỏi sự khéo léo, trí tưởng tượng, sức sáng tạo lẫn sự phiêu lưu và mạo hiểm. Ngành công nghiệp vốn thuộc sự sở hữu của con người này đang phải chứng kiến những dấu ấn của công nghệ trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) – công nghệ được cho sẽ là một yếu tố quan trọng giúp ngành nghệ thuật đầy sức sống sáng tạo và thăng hoa. Sự hiện diện của AI trong lĩnh vực nghệ thuật được đánh giá là sẽ tạo ra nhiều sự bất ngờ thú vị, đồng thời cũng được xem xét ở nhiều góc độ với cả sự ngạc nhiên lẫn sự nghi ngờ và bất an.

Công cụ bổ sung

AI trong vai trò là một công cụ bổ sung sẽ giúp thúc đẩy ngành công nghiệp nghệ thuật, giúp nghệ sĩ, người làm mỹ thuật cải thiện năng suất và sản lượng và khơi gợi sự sáng tạo. Hầu hết công nghệ AI đang được sử dụng hiện nay theo hướng giúp hiện thực hóa các ý tưởng của các nghệ sĩ, nghĩa là nghệ sĩ vẫn giữ vai trò là người đưa ra những ý tưởng sáng tạo, còn công nghệ AI giúp biến những ý tưởng đó thành sản phẩm hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, người ta cũng tính toán đến những trường hợp vai trò này bị hoán đổi hoặc bị thay thế hoàn toàn.

Đặc biệt là khi những công cụ sáng tác dựa trên nền công nghệ trí tuệ nhân tạo, như máy học, học tập sâu (machine learning, deep learning) – một nhánh của AI – ra đời, như các ứng dụng và trang web như Google DeepDream có thể tạo các tác phẩm nghệ thuật dựa trên các yếu tố dữ liệu đầu vào do con người cung cấp.

Đã có những sản phẩm sáng tạo thuộc phạm trù này do AI đứng ở sau lưng như các bài thơ và bài hát - mặc dù chất lượng của những tác phẩm này vẫn còn đang được tranh luận.

Những kết quả ban đầu đáng chú ý

Một số kết quả có được từ việc khai thác các công cụ AI cho thấy công nghệ này giữ vai trò nhất định trong sự phát triển của ngành công nghiệp nghệ thuật. Nhiều nghệ sĩ đã chấp nhận sử dụng các công cụ AI để hoàn thiện các tác phẩm của họ như âm nhạc, thơ, bài hát và các tác phẩm nghệ thuật (artwork). Nhiều người trong số này còn cho rằng AI thậm chí còn làm cho các tác phẩm của họ tốt hơn.

Vào tháng 11 năm ngoái 2017, trang tin công nghệ Engadget.com đưa tin vũ công Kaiji Moriayama đã chơi đàn piano mà không cần chạm một ngón tay nào trên phím đàn. Khán giả lúc đó như là bị mê hoặc khi Moriayama vẫn nhảy múa và đàn vẫn chơi, những bước nhảy nhịp nhàng hòa quyện cùng tiếng đàn tiếp diễn. Các bộ cảm biến gắn ở lưng của Moriyama đã tạo ra một điều tuyệt vời nhất chưa từng có khi tiếp nhận các cử động của vũ công như dữ liệu đầu vào, sau đó phân tích và chuyển các dữ liệu được diễn dịch đó qua đầu ra là chiếc đàn piano. Thật ngạc nhiên khi một nhạc cụ có thể dự đoán được các bước nhảy và chọn chơi các nốt nhạc tương ứng.

Cũng trong năm ngoái, một cuộc triển lãm về thiết kế và sáng tạo đã được tổ chức tại Toronto, Canada. Trong cuộc triển lãm đó, các kiến trúc sư trưng bày một tấm kính lớn và phức tạp có hình dạng giống như một tế bào thần kinh. Tấm kính trong suốt như bị treo lơ lửng trong không khí và phản ứng lại với những chuyển động của những người tham dự. Những người có mặt đã bị thôi miên vì tác phẩm nghệ thuật phản ứng được với khán giả bằng cách thay đổi kiểu truyền phát ánh sáng và âm thanh vòm. Tác phẩm tuyệt vời này được thực hiện bởi AI.

Còn tờ Wallpaper.com kể về một cuộc triển lãm nghệ thuật ở London, Vương quốc Anh vào năm 2017. Trang tin này nói tới những quả cầu nhựa mê hoặc khi chúng di chuyển được, tự búng lên xuống, tung vào nhau như thể chúng là những con người đang chơi bóng cùng nhau. Đặc biệt hơn, các quả cầu nhựa này xoay nhịp nhàng hòa theo tiếng vỗ tay của khán giả hoặc tung lên không trung khi người xem đưa tay lên trời hoặc nhảy lên cao.

Các quả cầu dường như bắt chước được sự chuyển động của con người và chúng được thực hiện nhờ AI.
Ấn tượng hơn là bot AI của Microsoft. Chương trình này cho phép bạn nhập một đoạn văn bản mô tả một bức ảnh và bot sẽ tạo ra một hình ảnh dựa trên sự mô tả đó. Ví dụ, nếu bạn cần hình ảnh của một con hổ chạy qua một khu rừng, chỉ cần viết một đoạn ngắn mô tả và chương trình bot tạo ra hình ảnh con hổ chạy xuyên cánh rừng như bạn muốn. Dường như bot nhận ra các từ và lắp ghép chúng với các hình ảnh tương ứng để tạo thành một bức tranh hoàn chỉnh.

Sự tác động tích cực

AI sẽ gây ảnh hưởng như thế nào đến cộng đồng những người làm công tác nghệ thuật, mỹ thuật như thế nào trong tương lai vẫn là một câu hỏi còn đang được để ngỏ. Thực tế cho thấy, trước mắt AI mang lại cho giới làm công việc sáng tạo những chân trời sáng tạo mới và cho ra những tác phẩm mà ngay cả những bậc thầy trong ngành cũng khó có thể hình dung được. Nói một cách khác AI trước mắt là một người đồng hành với nghệ sĩ, một công cụ bổ trợ cho họ trong công việc. Nhưng có một điều khá chắc chắn rằng những công cụ AI với công nghệ máy học, học sâu đang có thêm nhiều sự tiến bộ dù ở giai đoạn hiện tại, AI không thể tự tạo ra một thứ gì đó tuyệt đẹp và phức tạp.

Lấy ví dụ AutoDraw, một thuật toán AI được Google phát triển. AutoDraw có thể tạo ra tác phẩm nghệ thuật dựa trên các bản phác thảo do một nghệ sĩ tạo ra. Nó hoạt động dựa trên nguyên tắc tự động tính toán và hoàn thành, dựa chủ yếu trên kết quả tính toán nhanh và chính xác từ dữ liệu đầu vào. Vì vậy, tác phẩm ra sao sẽ còn phụ thuộc nhiều vào dữ liệu đầu vào do con người cung cấp.

Theo trang Techopedia tháng 8 vừa qua, AI đã tiến tới một giai đoạn nhất định trong việc tạo ra tác phẩm nghệ thuật, được thúc đẩy bởi công nghệ học máy, được cung cấp dữ liệu và tạo ra thuật toán riêng của mình bằng cách học từ nguồn dữ liệu khác nhau và các khuôn mẫu đã được xác định. Có thể nói rằng, AI đang cố gắng bắt chước những gì bộ não con người làm: tưởng tượng ra các hình ảnh hoặc sáng tác và đưa chúng vào một hình thức, khuôn mẫu nhất định. Nhưng nó vẫn không suy nghĩ được như bộ não con người, đó là lý do tại sao nó vẫn mới dừng lại ở vai trò là một cánh tay nối dài cho các nghệ sĩ và thường không tạo ra tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời một cách độc lập. Trong thế giới nghệ thuật, AI được xem là một công nghệ đã được lăng xê quá mức.

AI rõ ràng là chưa sẵn sàng để vượt qua hoặc thay thế các nghệ sĩ con người, nhưng đang được học để cải thiện tính hiệu quả, độ chính xác và năng suất – những điều quan trọng đối với nghệ sĩ.

Chatbot AI trò chuyện như người

Khi tương tác với các trợ lý ảo hoặc chatbot ngày nay, chúng ta đều có cảm giác như đang nói chuyện qua máy bộ đàm. Nghĩa là có một phía nói chuyện trước, sau đó phía còn lại tiếp nhận thông tin và trả lời. Li Zhou, Trưởng bộ phận phát triển chatbot XiaoIce, cho biết khi con người nói chuyện với nhau trực tiếp hoặc qua điện thoại, việc nghe và nói hầu như diễn ra cùng một lúc. Người nghe đôi lúc không cần chờ người nói hoàn tất xong một câu đã chủ động lên tiếng trả lời hoặc thậm chí còn đổi chủ đề khi câu chuyện có chiều hướng trở nên nhàm chán. Những chatbot công nghệ AI như XiaoIce nay thông minh hơn và đang tiến dần đến khả năng trò chuyện tự nhiên như của con người.

XiaoIce là chatbot hoạt động trên mạng xã hội do Microsoft phát triển và đang có hơn 660 triệu người dùng tại châu Á, chủ yếu là Trung Quốc. Cụ thể hơn, XiaoIce có thể hoạt động “full duplex” – nghe và nói hai chiều cùng một lúc, khác với “half duplex” – chỉ có thể nghe hoặc nói ở một thời điểm. Nói một cách dễ hiểu, theo Microsoft, full duplex là cuộc trò chuyện sử dụng điện thoại, half duplex là trò chuyện sử dụng bộ đàm. Trong phiên bản cập nhật mới, với khả năng cảm nhận giọng nói hai chiều (full duplex voice sense), XiaoIce có thể đoán được trước những gì đối phương sẽ nói tiếp theo, giúp XiaoIce có thể quyết định cách thức và thời điểm trả lời một người đang trò chuyện trực tuyến với chatbot này.

“Đây là nghệ thuật trò chuyện mà con người sử dụng hằng ngày”, Zhou chia sẻ. Khả năng cảm nhận giọng nói hai chiều giúp giảm thiểu thời gian xử lý giữa mỗi câu nói, khiến cuộc trò chuyện giữa con người và chatbot trở nên tự nhiên hơn.

Di Li, Giám đốc quản lý XiaoIce ở Microsoft, chia sẻ rằng những bước tiến này là một phần trong những cố gắng của Microsoft trong việc xây dựng chatbot thông minh có thể hiểu được cảm xúc và nhu cầu trí tuệ của con người. Đó là điều cốt lõi trong việc phát triển XiaoIce (ở Trung Quốc), Zo ở Mỹ và những chatbot xã hội trên thế giới khác của Microsoft, bao gồm Ruuh ở Ấn Độ và Rinna tại Nhật và Indonesia. Những kỹ năng tiến bộ khác của XiaoIce có thể kể đến đó là khả năng dừng một việc đang làm (như kể một câu chuyện) để làm một việc khác (như nhắc mở đèn hoặc đóng cửa sổ phòng) và sau đó nối lại câu chuyện còn dang dở. Những chatbot này có khiếu hài hước, có thể hàn huyên tâm sự, chơi trò chơi, ghi nhớ thông tin cá nhân và tham gia vào một trò chơi trong vai trò của một người bạn thực sự.

Phương Anh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279935/ai-go-cua-nganh-nghe-thuat.html