Ai giúp 'Út trọc' biến 20.000 lít xăng kém chất lượng thành xăng của quân đội?

Theo cáo trạng, Đinh Ngọc Hệ đặt vấn đề với Đại tá Bùi Văn Tiệp (khi đó đang là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367) nhờ giúp đỡ làm hợp đồng gửi xăng để ông này ký hợp đồng xác nhận số xăng kém chất lượng tại Cửa hàng xăng dầu Thái Sơn là do quân đội gửi.

Chi đội quản lý thị trường Bình Dương tin tưởng xăng dầu tại Cửa hàng xăng dầu Thái Sơn là của đơn vị quân đội nên không truy xuất đến cùng, cũng không xử phạt hành chính. (Hình minh họa)

Chi đội quản lý thị trường Bình Dương tin tưởng xăng dầu tại Cửa hàng xăng dầu Thái Sơn là của đơn vị quân đội nên không truy xuất đến cùng, cũng không xử phạt hành chính. (Hình minh họa)

Hôm nay tại Hà Nội, Tòa án Quân sự Quân khu 7 tổ chức phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P (Công ty CPPTĐT Bộ Q.P).

Theo cáo trạng, cuối năm 2012, Công ty CPPTĐT Bộ Q.P ký hợp đồng hợp tác kinh doanh (thực chất là thuê đất) của Lữ đoàn 434, Quân đoàn 4 nhằm mục đích cho Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà thuê lại kinh doang xăng dầu.

Cùng với việc này, Đinh Ngọc Hệ (tên gọi khác là “Út trọc”, khi đó là Chủ tịch HĐQT) đã ký quyết định thành lập Chi nhánh Công ty CPPTĐT Bộ Q.P tại Bình Dương và bổ nhiệm ông Trần Xuân Sơn (người của Cty Hải Hà) làm Giám đốc chi nhánh.

Cáo trạng xác định chi nhánh này chỉ là danh nghĩa, thực chất là để xin cấp giấy phép xây dựng, giấy phép kinh doanh xăng dầu giúp Công ty Hải Hà mà không liên quan đến nhiệm vụ kinh tế quốc phòng. Sau khi được cấp phép, Công ty Hải Hà đã đầu tư cơ sở vật chất, mở cửa hàng xăng dầu Thái Sơn.

Ngày 23/6/2014, Đội kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Dương kiểm tra cửa hàng xăng dầu Thái Sơn và phát hiện sai phạm nên lập biên bản. Theo đó, cửa hàng xăng dầu này hoạt động khi còn thiếu giấy chứng nhận đo lường cột bơm, thiếu hợp đồng đại lý bán lẻ xăng dầu và lấy mẫu chất lượng.

Tiếp tục, ngày 2/7/2014, Đội liên ngành thông báo số xăng tồn kho hơn 20.000 lít không đạt chất lượng nên đã niêm phong cột bơm và yêu cầu giải trình.

Trước động thái này, Trần Xuân Sơn thông báo cho Trần Văn Lâm (Tổng giám đốc điều hành). Khi được Lâm báo, Hệ đã liên lạc với ông Lê Thanh Cung (khi đó là Chủ tịch tỉnh Bình Dương), đồng thời chỉ đạo Lâm làm văn bản mạo nhận hoạt động kinh doanh của cửa hàng chủ yếu phục vụ nhiệm vụ kinh tế quốc phòng gửi cho ông Cung để xin không xử phạt.

Hệ cũng đặt vấn đề với Đại tá Bùi Văn Tiệp (khi đó đang là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367) nhờ giúp đỡ, bằng cách làm hợp đồng nhận số xăng kém nói trên là của Sư đoàn "gửi" để tránh việc xử phạt.

Căn cứ vào tài liệu do Lâm, Sơn cung cấp và bút phê của ông Lê Thanh Cung, Chi đội quản lý thị trường Bình Dương tin tưởng đây là cửa hàng xăng dầu của đơn vị quân đội nên không truy xuất đến cùng, cũng không xử phạt hành chính.

Trong khi đó, dựa trên tài liệu có trong hồ sơ, cơ quan điều tra xác định, mức phải xử phạt đối với sai phạm của Chi nhánh Công ty CPPTĐT Bộ Q.P tại Bình Dương là 1,4 tỷ đồng.

Liên quan đến vụ án, Đại tá Phùng Danh Thắm bị quy kết đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý của người đứng đầu Tổng công ty Thái Sơn - Bộ Quốc phòng, buông lỏng quản lý doanh nghiệp và người đại diện góp vốn, dẫn đến việc Đinh Ngọc Hệ lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để vi phạm pháp luật.

Với các sai phạm trên, bị can Đinh Ngọc Hệ (47 tuổi, quê Ninh Bình) bị truy tố về hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” (Hệ mua và sử dụng bằng đại học giả).

Bị can Trần Văn Lâm (41 tuổi, quê Hải Dương), Trần Xuân Sơn (32 tuổi, quê Nghệ An) và Bùi Văn Tiệp (61 tuổi, quê Hải Dương) bị truy tố về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Bị can Phùng Danh Thắm (53 tuổi, quê Hà Nội) bị truy tố về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo cáo trạng của VKS quân sự Trung ương, khi biết Tổng công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng) có chủ trương mở rộng thị trường, khoảng tháng 7/2009, Đinh Ngọc Hệ đã đề nghị Ban Tổng giám đốc cho thành lập pháp nhân mới là doanh nghiệp cổ phần.

Tới tháng 8/2009, Đại tá Phùng Danh Thắm – Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn ký quyết định đầu tư góp vốn, ủy quyền cho Cung Đình Minh và Đinh Ngọc Hệ là người đại diện vốn của cổ đông quản lý 51% cổ phần vốn điều lệ.

Tới tháng 9/2009, Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn được thành lập với vốn đầu tư 20 tỷ đồng. Hai cổ đông khác là bà Vũ Thị Hoa và Vũ Thị Hoan (cháu ruột Hệ) góp 49% cổ phần. Đến khi bị bắt, Hệ là người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc công ty.

Cáo trạng kết luận, dù danh nghĩa là công ty con của Tổng công ty Thái Sơn nhưng thực chất vốn kinh doanh là của tư nhân. Mọi hoạt động quản lý, điều hành trực tiếp đều của Đinh Ngọc Hệ.

Phong Vũ

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/ai-giup-ut-troc-bien-20000-lit-xang-kem-chat-luong-thanh-xang-cua-quan-doi-post269787.info