Ai đứng sau những vụ phá rừng Bắc Trà My?

Đại Đoàn Kết đã từng có nhiều tin, bài phản ánh về những vụ tàn phá rừng ở huyện miền núi Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, cũng như ghi nhận những nỗ lực của chính quyền huyện về công tác bảo vệ, phát triển rừng. Thế nhưng rừng Bắc Trà My vẫn tiếp tục nóng

Rừng ở Trà Kót bị tàn phá không thương tiếc.

Rừng ở Trà Kót bị tàn phá không thương tiếc.

Những ngày qua, địa phương này đang nóng bởi vụ phá rừng mới nhất ở địa phận xã Trà Kót, hàng chục cây gỗ lớn bị lâm tặc đốn hạ xẻ thành từng phách, một số đã chuyển đi, số còn lại nằm ngổn ngang giữa bìa rừng. Thế nhưng ai là kẻ phá rừng vẫn chưa thể tìm ra.

Khu vực bị tàn phá nói trên thuộc rừng tự nhiên ở khoảnh 11, tiểu khu 779, hàng chục cây gỗ xoan đào, ví có tuổi thọ lâu đời với đường kính từ 1-1,5 m nhiều người ôm không xuể bị tàn phá không thương tiếc.

Gỗ bị đốn hạ, xẻ ra từng phách, được kéo ra nằm sát đường để chờ vận chuyển đi tiêu thụ. Mỗi phách gỗ có chiều dài từ 2-4 m, bề ngang khoảng 0,5 m. Vụ việc còn mới rợi bởi trên các cây gỗ bị triệt hạ nhựa cây vẫn còn chảy.

Gỗ rọc phách kéo ra đường chờ vận chuyển đi tiêu thụ.

Người dân địa phương bày tỏ sự bức xúc với chúng tôi vì cho rằng, tại sao việc phá rừng diễn ra sát khu vực đường đi của xe vận chuyển gỗ keo, tuy nhiên không bị phát hiện. Có chăng là có kẻ đứng sau lưng vụ phá rừng này?

Trong khi đó, theo lãnh đạo xã Trà Kót, địa phương có 4.000 ha rừng tự nhiên, trong đó hơn 1.200 ha thuộc dự án KfW10 (Dự án “Bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng thuộc các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Gia Lai" - PV) và khoảng 2.800 ha giao khoán cho người dân quản lý. Riêng vụ việc phá rừng mới nhất, xã đang kết hợp với các cơ quan chức năng truy tìm những kẻ gây ra vụ việc.

Những ngày qua lực lượng chức năng huyện Bắc Trà My cũng đã có mặt để kiểm tra hiện trường, kiểm đếm số gỗ bị đốn hạ và dùng sơn để đánh dấu phách gỗ và số cây bị phá.

Các cơ quan chức năng đang truy xét những trường hợp nghi ngờ để tìm ra kẻi phá rừng. Không chỉ có số gỗ mới bị đón hạ mà tại các khu vực này còn có hàng chục cây gỗ được phá cách đây nhiều tháng và nằm ngổn ngang.

Điều đáng nói, tại địa phương này từng xảy ra vụ phá rừng vào tháng 8/2019 mà theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, tại Khoảnh 5 Tiểu khu 781, thôn 1, xã Trà Kót, khối lượng lâm sản phát hiện tại hiện trường gồm 18 cây gỗ xoan đào bị chặt hạ. Tại hiện trường gỗ tròn 38 lóng, khối lượng trên 21 m3; gỗ xẻ trên 3 m3…

Tình trạng phá rừng ở Bắc Trà My vẫn luôn là điểm nóng khiến người dân bức xúc.

Còn địa phận huyện Bắc Trà My luôn là điểm nóng của những vụ phá rừng như xã Trà Giác, Trà Leng, Trà Tân, Trà Sơn hay trong lâm phận rừng phòng hộ Sông Tranh mà Đại Đoàn Kết trong thời gian qua đã liên tục phản ánh.

Dư luận đặt ra câu hỏi, tại sao có cả hệ thống kiểm lâm từ trên Chi cục đến kiểm lâm viên của xã, có Ban quản lý rừng phòng hộ, Hạt kiểm lâm khắp nơi, đó là chưa kể sự phối hợp với các lực lượng chức năng khác đưa lực lượng bảo vệ rừng lên con số không hề nhỏ. Thế nhưng, phần lớn các vụ việc khi báo chí phản ánh và quần chúng báo tin, thì lực lượng chức năng mới vào cuộc điều tra xác minh.

Càng đáng nói hơn, hầu hết các vụ tàn phá rừng thì chủ yếu chỉ khởi tố vụ án, ít khi khởi tố bị can, với nguyên nhân được nêu ra là khi phát hiện vụ việc đối tượng đã cao chạy xa bay, lực lượng mỏng, đường sá hiểm trở,… thậm chí kiểm lâm bị đe dọa tính mạng.

Trong những lần làm việc với chúng tôi, lãnh đạo huyện luôn nêu ra quyết tâm truy tìm tông tích những kẻ tàn phá rừng, quyết không bao che dung túng, sẽ xử nghiêm nếu phát hiện cán bộ có dấu hiệu tiêu cực. Cùng với đó chính quyền huyện lập nhiều đoàn kiểm tra, truy quét, quyết xử những kẻ vi phạm Luật Lâm nghiệp để bảo vệ rừng. Thế nhưng câu chuyện về rừng vẫn luôn nóng, khiến người dân không khỏi bực xúc.

Thành Nhân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ai-dung-sau-nhung-vu-pha-rung-bac-tra-my-506408.html