Ai đẩy trẻ vào con đường nghiện màn hình?

Người lớn thường đổ lỗi cho trẻ em khi chúng suốt ngày chúi đầu vào điện thoại, máy tính, tivi. Tuy nhiên, trách nhiệm thật sự thuộc về ai?

Bố mẹ của An gọi con vào bàn ăn cơm 5 lần trước khi mẹ cậu ra khỏi bếp, đi vào phòng và tắt máy tính. Như thường lệ, cậu bé òa khóc và giận dữ. Như nhiều phụ huynh khác, bố mẹ đổ lỗi cho An vì dành quá nhiều thời gian xem các loại máy móc.

Trẻ từ 2 tuổi đã có thể nghiện màn hình. (Ảnh: Internet)

Trẻ từ 2 tuổi đã có thể nghiện màn hình. (Ảnh: Internet)

Con nghiện màn hình không chỉ là lo lắng của gia đình An mà còn của vô số gia đình khác trên toàn thế giới. Dịch Covid-19 buộc bố mẹ, con cái phải ở nhà làm việc, học tập trực tuyến càng làm nỗi lo ấy trở nên sâu sắc hơn. Nghiên cứu của tác giả Boutaina Zemrani và đồng nghiệp chỉ ra tại Italy, thời gian sử dụng màn hình tăng khoảng 4,8 tiếng/ngày với tất cả trẻ em. Ba tháng sau đợt phong tỏa đầu tiên, 37% trẻ em dành hầu hết thời gian thức trước màn hình.

Ngày nay, nhiều trẻ em thà ngồi hàng giờ với điện thoại còn hơn nói chuyện với mọi người và làm những công việc hàng ngày. Một khảo sát trực tuyến diễn ra từ 11 đến 16/1/2018 của Morning Consult với sự tham gia của 2.201 người trưởng thành Mỹ chỉ ra 77% nhận thấy nghiện màn hình ở trẻ là một vấn đề đáng quan ngại. 66% đổ lỗi cho bố mẹ, 13% chĩa mũi dùi vào truyền thông, 10% cho rằng trách nhiệm là của nhà sản xuất.

Như vậy, cuối cùng ai đã đẩy con trẻ vào con đường nghiện màn hình?

Lỗi ở phụ huynh

Theo Tiến sỹ Michael Rich, Giám đốc sáng lập Trung tâm Truyền thông và Sức khỏe nhi tại Bệnh viện Nhi Boston (Mỹ), phụ huynh có quyền và trách nhiệm kiểm soát việc sử dụng các phương tiện điện tử của con.

Trong kỷ nguyên công nghệ, thiết bị điện tử cùng với kho tàng nội dung giải trí vô tận trở thành “vú em” trông con cho nhiều phụ huynh. Trupti, 8 tuổi, bận rộn xem đủ loại chương trình trên iPad, điện thoại, laptop. Trupti là con của hai vợ chồng công chức bận rộn. Sau giờ học, em phải chờ mẹ đến đón và thiết bị điện tử giúp em giết thời gian. Mẹ của Trupti thừa nhận con của mình luôn “cắm mặt” vào điện thoại giống bạn bè đồng trang lứa song không có cách nào vì hai vợ chồng đều phải làm việc từ 9 giờ sáng tới 5 giờ chiều.

Cha mẹ là tấm gương của con cái. (Ảnh: Internet)

Trẻ em bắt chước rất nhanh những gì chúng quan sát được. Không phải ngẫu nhiên mà chúng lại thích thú với màn hình đến vậy. Mukta Puntambekar, Giám đốc Trung tâm phục hồi chứng năng Muktangan (Ấn Độ), cho rằng sự ám ảnh với thiết bị ở trẻ xuất hiện từ sớm, ngay cả một đứa trẻ 2 tuổi cũng có thể nghiện, chủ yếu là do bố mẹ. “Tôi chứng kiến nhiều phụ huynh trẻ tuổi vừa cho con ăn vừa cho xem video trên iPad hay điện thoại. Từ đó, nếu không được xem, trẻ sẽ không chịu ăn”. Sau này, trẻ có thể đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Một trường hợp khác là cô bé 12 tuổi nhìn thấy mẹ của mình suốt ngày nói chuyện điện thoại và bắt đầu làm theo mẹ của mình. Chỉ cần ra ngoài và nhìn quanh, bạn có thể thấy không ít người lớn cũng dán mắt vào chiếc điện thoại của mình, dù đang cho trẻ chơi ngoài công viên, đi ăn, mua sắm. Trẻ nhìn thấy và trở thành người giống như vậy.

Chuyên gia tâm lý học Seema Darode với hơn 25 năm kinh nghiệm cũng tin rằng phụ huynh gánh trách nhiệm lớn trong chuyện con nghiện màn hình. “Chúng tôi nhìn thấy nhiều gia đình có 1 hoặc 2 con. Bố mẹ làm việc và con cái ở nhà một mình hoặc với ông bà. Đứa trẻ không còn lựa chọn nào khác ngoài Internet và thiết bị. Chúng cảm thấy thoải mái hơn khi lên mạng xã hội hay chơi game”.

Một số phụ huynh khác không nhận ra việc chiều con là làm hư con. Khi trẻ mè nheo muốn có thiết bị điện tử cho bằng bạn bằng bè, họ cũng đồng ý. Dù ban đầu, họ đưa thiết bị cho con để giữ liên lạc, về sau chúng trở nên phụ thuộc vào điện thoại. Nandini Charles, Hiệu trưởng trường Vikhe Patil Memorial (Ấn Độ) khuyên cha mẹ nên nhắc nhở con không dùng điện thoại sau 8 giờ tối.

Trách nhiệm của các hãng công nghệ

Nhà sản xuất cũng có lỗi khi trẻ nghiện màn hình. (Ảnh: QZ)

Adam Alter, tác giả cuốn “Irresistible: The Rise of Addictive Technology and the Business of Keeping Us Hooked” (tạm dịch: Không thể cưỡng lại: Sự trỗi dậy của kinh doanh và công nghệ gây nghiện giữ chân chúng ta), đổ lỗi chứng nghiện màn hình ở trẻ cho các hãng công nghệ. Ông đưa ra nhiều lập luận hợp lý về cách các hãng công nghệ lớn vận dụng những nguyên tắc tâm lý học để bảo đảm người dùng dành thời gian cho thiết bị nhiều nhất có thể. Sau tất cả, chúng ta càng xem nhiều, họ càng kiếm được nhiều tiền.

Hiểu biết sâu sắc của ông Alter về tâm lý học của các doanh nghiệp công nghệ vô cùng ấn tượng nhưng đồng thời cũng đáng sợ. Các hãng công nghệ hầu như không quan tâm tới trách nhiệm của mình đối với những hành vi có vấn đề của người dùng.

Ông Alter mô tả 5 kỹ thuật mà doanh nghiệp công nghệ dùng để giữ chân người dùng. Một trong số đó là kỹ thuật “chi viện” mà các sòng bài hay sử dụng để khiến bạn phải quay lại máy đánh bạc. Đôi khi con bạc sẽ thắng, chỉ là không biết khi nào. Kỹ thuật này khiến cho rất khó để ngăn chặn hay loại bỏ một hành vi nào đó. Chẳng hạn, chờ đợi một ai đó phản hồi trên các bài viết Facebook mang đến cảm giác được “thưởng”.

Một kỹ thuật khác là “không có điểm dừng”. Trước đây, chúng ta thường gấp cuốn sách lại sau khi đọc hết chương hoặc xem xong tập phim nào đó và chờ thêm một tuần nữa để xem tập mới. Ngày nay, công nghệ không có điểm dừng như vậy. Bạn không thể kéo xuống cuối cùng của một Bảng tin Facebook vì nó luôn tự động làm mới. Tập phim Netflix hay video YouTube tiếp theo sẽ tự động phát. Trẻ cũng vì thế bị cuốn theo mà “không có điểm dừng”.

Các mục tiêu ảo như đếm bước chân hàng ngày của vòng đeo tay Fitbit hay thu thập vật phẩm trong game cũng là một điểm gây nghiện, buộc người dùng phải quay lại hàng ngày. Bên cạnh đó, những nội dung nối tiếp nhau khiến bạn không thể chờ đợi mà phải vào xem ngay để tìm ra vấn đề nằm ở đâu thay vì chờ đợi. Đây cũng là kỹ thuật mà các hãng công nghệ vận dụng.

David Greenfield, nhà sáng lập Trung tâm Nghiện Internet và Công nghệ (Mỹ), cho rằng smartphone nên có cảnh báo: “Công nghệ có thể gây nghiện và phân tâm”. Các nhà sản xuất điện thoại di động, cung cấp dịch vụ dữ liệu và Internet có trách nhiệm hướng dẫn người dùng. Theo Adam Alter, Giáo sư Tiếp thị Đại học New York, doanh nghiệp nên làm nhiều hơn để chống lại sự phụ thuộc ngày một lớn vào thiết bị điện tử. Chính phủ cũng nên can thiệp bằng cách thay đổi hành vi của các công ty.

Ai là người phải chịu trách nhiệm khi trẻ nghiện màn hình? Tất cả đều có lỗi và cùng có nghĩa vụ phải giải quyết vấn đề. Phụ huynh, nhà trường, doanh nghiệp cần chung tay xử lý “đại dịch” này vì nó có thể gây tổn hại đến trí tuệ và sức khỏe của trẻ em. Công nghệ và màn hình chỉ có lợi nếu được sử dụng hợp lý.

Du Lam

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/ai-day-tre-vao-con-duong-nghien-man-hinh-743661.html