Ai đang khơi mào cho cuộc 'Chiến tranh giữa các vì sao' mới?

Theo tuyên bố mới nhất của Bộ tư lệnh Không gian Mỹ, trong tuần qua, Nga đã âm thầm thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh mới dù không đưa ra thông tin đủ xác thực. Thông tin trên sau đó đã bị Bộ Ngoại giao Nga bác bỏ và nhấn mạnh để duy trì hòa bình trên không gian vũ trụ cần có sự hợp tác giữa các bên, đặc biệt là các siêu cường.

Đánh giá về vụ thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh mới của Nga, tờ Financial Times dẫn lời trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh Christopher Ford đăng tải, Nga và một vài quốc gia khác đang cố gắng âm thầm vũ trang hóa vũ trụ quanh Trái Đất. Tuy nhiên, những bằng chứng thực tế đang chỉ ra rằng Mỹ mới đang đi đầu trong lĩnh vực quân sự hóa vũ trụ khi tiến hành hàng loạt cải tổ quan trọng trong thời gian qua liên quan tới lĩnh vực này, trong đó đáng kể nhất là việc thành lập Bộ tư lệnh Không gian chuyên biệt, cũng như kế hoạch thiết lập vành đai vệ tinh cảnh báo sớm, đánh chặn tên lửa để đối phó với các vũ khí siêu vượt âm tương lai. Trái lại, Moscow có nhiều lý do để không tự đẩy mình đi tiên phong trong cuộc chạy đua vũ trang lên vũ trụ.

Giới chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá, những động thái của Mỹ đang khơi mào cho cuộc chạy đua “Chiến tranh giữa các vì sao” phiên bản mới tiếp nối sau tham vọng trở thành siêu cường không gian dưới thời Tổng thống Ronald Reagan.

Các đề xuất kiểm soát vũ khí đưa vào không gian đã bị từ chối

Thực tế, Nga từng đưa đề xuất kiểm soát việc vũ trang hóa vũ trụ để ngăn ngừa cuộc chạy đua “Chiến tranh giữa các vì sao” mới. Tuy nhiên, người ngăn phản đối việc hiện thực hóa đề xuất trên thành quy định quốc tế chính là Mỹ và đồng minh.

Năm 2008, trong khuôn khổ Hội nghị Giải trừ quân bị quốc tế, Nga và Trung Quốc đã đưa ra đề xuất sáng kiến Ngăn chặn đưa vũ khí vào không gian. Theo đó, các nước sẽ hạn chế đưa bất kỳ vật thể được coi là vũ khí hoặc triển khai các hệ thống vũ khí lên quỹ đạo Trái Đất. Tới năm 2014, Nga một lần nữa đưa vấn đề này ra Liên hợp quốc. Đề xuất của Nga đã nhận được sự ủng hộ của 126 quốc gia, vùng lãnh thổ và chỉ có 4 quốc gia phản đối là Mỹ, Israel, Ukraine và Gruzia. Năm 2016, Nga một lần nữa khẳng định sẽ không trở thành quốc gia đầu tiên đưa vũ khí lên quỹ đạo.

 Không gian vũ trụ là khoảng trống quyền lực. Bất kỳ quốc gia nào kiểm soát được vũ trụ sẽ có lợi thế chiến lược rất lớn.

Không gian vũ trụ là khoảng trống quyền lực. Bất kỳ quốc gia nào kiểm soát được vũ trụ sẽ có lợi thế chiến lược rất lớn.

Đánh giá về những đề xuất của Nga về khả năng phi quân sự hóa vũ trụ, chuyên gia Todd Harrison thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và quốc tế Mỹ cho biết, vũ trụ quanh Trái Đất đang là khoảng trống quyền lực đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Mỗi nước lại có chiến lược không gian riêng và rất khó có thể thống nhất kiểm soát và ràng buộc bởi các quy định quốc tế.

Chuyên gia quân sự Anh Beyza Unal nhận định, do có cách tiếp cận khác nhau nên các quốc gia, trong đó đáng kể nhất là Nga và Mỹ, khó tìm được tiếng nói chung trong vấn đề kiểm soát vũ khí trên quỹ đạo. Trong khi Nga muốn vấn đề này phải được ràng buộc bởi các thỏa thuận quốc tế, thì Mỹ lại tìm cách tiếp cận cùng chia sẻ quyền làm chủ quỹ đạo Trái Đất. Chính vì thế, tương lai về một thỏa thuận quốc tế kiểm soát việc quân sự hóa vũ trụ rất khó có thể đạt được.

“Chiến tranh giữa các vì sao” phiên bản mới

Mỹ bắt đầu tham vọng triển khai vũ khí lên quỹ đạo Trái Đất từ năm 1983, khi Tổng thống Ronald Reagan đưa ra sáng kiến phòng thủ tên lửa với tên gọi “Chiến tranh giữa các vì sao”. Hệ thống vũ khí không gian này bao gồm các trạm vũ khí laser, bệ phóng tên lửa đánh chặn có khả năng ngăn chặn các tên lửa đạn đạo liên lục địa của Liên Xô và các quốc gia thù địch trên quỹ đạo thấp của Trái Đất. Washington kỳ vọng tạo ra hệ thống phòng thủ giúp Mỹ tăng khả năng tấn công hạt nhân đối phương mà không bị đáp trả hoặc hạn chế thấp nhất thiệt hại do chiến tranh hạt nhân toàn diện.

Do các vấn đề về kỹ thuật và chi phí lớn, quá trình triển khai “Chiến tranh giữa các vì sao” đã bị loại bỏ dần trong những năm 1990, dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Tuy nhiên, việc nghiên cứu vũ khí lên quỹ đạo của Mỹ được nối lại vào đầu những năm 2000 cùng với việc Washington rút khỏi Hiệp ước Tên lửa đạn đạo (ABM) và triển khai các thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa áp sát biên giới Nga.

Tham vọng vũ trang hóa không gian đang khiến thế giới đứng trước nguy cơ tiến vào “Chiến tranh giữa các vì sao” phiên bản mới.

Nguy cơ bùng phát “Chiến tranh giữa các vì sao” phiên bản mới càng trở nên rõ ràng vào đầu năm 2019, khi Tổng thống Donald Trump công bố ý tưởng về hệ thống phòng thủ tên lửa trên không gian mới dựa trên nền tảng vũ khí năng lượng cao. Hệ thống phòng thủ mới có khả năng ngăn chặn bất kỳ tên lửa nào nhắm tới lãnh thổ Mỹ. Động thái rõ ràng nhất việc Mỹ thành lập Bộ tư lệnh Không gian Mỹ vào tháng 12-2019. Dù mục đích được công bố là phòng thủ, nhưng đơn vị không gian mới của Lầu Năm Góc có đủ nguồn lực để phát triển hệ thống phòng thủ mới trên vũ trụ. Ngân sách trong năm tài khóa 2020 của Bộ tư lệnh Không gian Mỹ là 2,4 tỷ USD, nhưng con số này trong năm 2021 ước tính tăng vọt lên 15,4 tỷ USD.

Tham vọng quân sự hóa không gian đã được thể hiện một phần trong tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về Bộ tư lệnh Không gian mới. Đơn vị này không chỉ có chức năng phòng thủ, mà cả nhiệm vụ tấn công.

“Chúng tôi sẽ ngăn chặn mọi đợt tấn công tên lửa, kể cả là các vụ phóng nhầm. Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng tên lửa của đối phương không thể chạm vào nước Mỹ. Đây chính là mục tiêu cao nhất của đơn vị mới được thành lập”, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh trong bài phát biểu ra mắt Bộ tư lệnh Không gian của Mỹ.

TUẤN SƠN (theo Topwar, Breaking Defense)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/ai-dang-khoi-mao-cho-cuoc-chien-tranh-giua-cac-vi-sao-moi-630404